Nguyễn Huy Thiệp: Người ít nói nhất trong những người ít nói

Cuối giờ chiều ngày 20/3, khi mạng xã hội vẫn đang sôi nổi bàn tán về "hạnh phúc" nhân ngày Quốc tế hạnh phúc thì trên trang cá nhân của giới văn chương và người yêu văn chương đã tràn ngập những dòng thương tiếc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ông ra đi vào 16h30, khi những lọn gió cuối chiều vẫn đang khẽ lay những chùm hoa gạo rực đỏ của tháng 3.

Sinh thời, nhà văn họ Nguyễn luôn tự nhận mình "nông dân" có khởi nguồn từ người mẹ nông dân và định mệnh đã an bài để ông ra đi giữa mùa hoa gạo – loài hoa của làng quê, của người thôn quê, của sự dân dã. Như thể trả ông về với nét đẹp nguyên sơ của ruộng đồng bờ bãi, của sự thuần phác ngàn đời đã thấm đẫm trong ông.

Nguyễn Huy Thiệp: “Dồn hết nỗi đau và cô đơn vào con chữ” - Ảnh 1.

Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950 ở Thái Nguyên, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội.

Thực ra, những người thân quen với ông đều biết, đợt tai biến lần thứ 3 vào đầu năm ngoái, Nguyễn Huy Thiệp đã yếu đi rất nhiều. Và cái ngày ông sẽ rời bỏ nhân gian để về với cõi thực ảo của đời văn sẽ không còn bao xa.

Nhưng không mấy người kịp chuẩn bị tinh thần để đón nhận tin dữ ấy. Nhất là khi đứng trước sự cách biệt âm dương thì kể cả đã chuẩn bị đủ tinh thần như bạn thân của ông là nhà thơ Bảo Sinh cũng khó lòng tránh được những xót xa, thương tiếc.

Nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp, giới văn chương đều dành cho ông muôn lời trìu mến và thương cảm. Họ thương và cảm với ông bởi ông là một người sống luôn hiền lành, chân chất, giản dị và khiêm nhường. Nói như NSND Phạm Nhuệ Giang là "Giới văn chương ai cũng có sự kiêu ngạo nhưng sự kiêu ngạo ở Nguyễn Huy Thiệp rất khác, ông hầu như chẳng lộ gì về sự kiêu ngạo ấy cả".

NSND Phạm Nhuệ Giang kể, lần đầu bà gặp Nguyễn Huy Thiệp ở nhà ông Bổng - nhà sưu tầm đồ cổ, người thích sưu tập bản thảo các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, nhất là bản thảo "Tướng về hưu". Trong lần gặp đó, nữ đạo diễn thấy nhà văn luôn ngồi im lặng, quan sát, nghe mọi người nói chuyện và hầu như không nói gì. Ngay từ lần gặp đó, bà đã rất ngưỡng mộ đàn anh nhưng vẫn giữ sự ngưỡng mộ ấy trong lòng mình.

Lần thứ ba, nữ đạo diễn gặp lại đàn anh là khi đến xin mua bản quyền tác phẩm "Tâm hồn mẹ" để làm phim. Đó là lần duy nhất bà thấy ông khoe với bạn thân là nhà thơ Bảo Sinh "mình là người có nhiều chuyện được chuyển thành phim đấy".

Rồi có lần, Phạm Nhuệ Giang, Phan Đăng Di và Việt Hà mời ông đi ăn để nói về ý tưởng của tác phẩm này, hôm đó, mọi người nói rất nhiều, còn ông thỉnh thoảng mới thốt ra đôi ba câu. Khi phim chiếu xong, bà hỏi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Anh thấy phim thế nào hả anh?", ông bảo "Được"... Đó là toàn bộ những lời thoại ít ỏi mà bà còn nhớ trong những lần gặp gỡ.

"Biết anh Thiệp ốm gần năm nay mà cứ lần lữa, chưa thu xếp đi thăm anh được. Nguyên nhân của sự chậm trễ đó vì sợ nhìn thấy anh bi đát và chắc chỉ im lặng nhìn nhau. Tôi thật có lỗi với anh! Nhưng hứa với anh, tôi sẽ chuyển một chuyện nữa của anh thành kịch bản phim, dù có được làm thành phim hay không", đạo diễn Phạm Nhuệ Giang quả quyết.

Nguyễn Huy Thiệp: “Dồn hết nỗi đau và cô đơn vào con chữ” - Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, họa sĩ Thành Chương trong một lần đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh – Phó khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV TP.HCM cũng may mắn được diện kiến nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ba lần. Trong đó, bà nhớ nhất là lần ra Hà Nội dự hội thảo của Viện Văn học. Hôm đó, nhà văn họ Nguyễn đến dự với một túi lạc luộc và khoai lang rồi mời mọi người cùng ăn.

Cả ba lần gặp, bà đều chung cảm nhận là ông rất ít nói, nói không hay, không hoạt ngôn, không hóm hỉnh hay lóe sáng gì hết. Ông cứ im im ngồi, thi thoảng mới nói vài câu. Bà cảm nhận rằng, những người như ông có lẽ đã để hết tâm can vào con chữ nên không muốn hoặc không thích nói bằng khẩu ngữ thông thường.

Vợ mất khi Nguyễn Huy Thiệp vẫn đang liệt giường và hôn mê

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết, ông với Nguyễn Huy Thiệp làm bạn với nhau từ năm 1985. Thời còn ở Việt Nam, thỉnh thoảng hai người vẫn qua lại nhà nhau chơi và cũng có vài lần cả hai "bút chiến" với nhau nảy lửa.

"Cứ mỗi khi vào chơi xóm Cò (Khương Đình, Hà Nội), bao giờ chị Trang – vợ của Nguyễn Huy Thiệp cũng mời tôi ở lại dùng cơm. Bữa ăn chị nấu rất nhanh, thường đạm bạc. Toàn đồ nhà quê, rau thịt hay cá kho tươi, ngon nhất là bát cà bát nén muối chua trộn tỏi ớt.

Đó là món đặc sản của làng Nguyễn Huy Thiệp ở. Thường là chị Trang dọn mâm cơm lên, lấy hai cái ghế nhỏ thấp để hai tôi tự do trò chuyện, còn chị vào nhà trong hay ra bếp dọn dẹp.

Chị Trang là một người vợ hết sức thương yêu chồng. Cả lúc thường lẫn khi nghèo khó, hoạn nạn. Nguyễn Huy Thiệp hay làm nũng vợ và càng chứng tỏ chị Trang là nơi dựa duy nhất, bền chắc nhất của Thiệp. Không thể ngờ, chị ấy lại đi trước anh Thiệp, đi trước cả chúng tôi", nhà văn Nguyễn Văn Thọ thương nhớ.

Nhà văn Uông Triều chia sẻ, ngày vợ mất, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đang bị liệt giường và hôn mê vì tai biến lần thứ ba. Nhiều bạn bè lúc đó đã vô cùng thương cảm vì không có nỗi đau nào bằng nỗi đau "vợ mất mà chồng không biết". Sau ngày vợ mất, nhà văn tỉnh dần và người con trai cả đã lựa lời để báo tin dữ cho cha mình. Nghe xong, ông vẫn cố nén nỗi đau và không bộc lộ nhiều ra ngoài.

"Nguyễn Huy Thiệp là một người rất yêu gia đình. Lần nào nói về những người thân, giọng ông cũng chùng xuống. Ông từng bỏ rượu, bỏ thuốc lá để làm gương cho con mình. Ông từng viết những bài báo ký tên khác để ủng hộ người con trai thứ nhất là hoạ sĩ Nguyễn Phan Bách. Ông đã viết tiểu thuyết "Tuổi hai mươi yêu dấu" để tặng đứa con trai thứ hai là Huy Khoa", nhà văn Uông Triều kể.

Nhiều bạn bè văn chương, họa sĩ đều xác nhận, ngoài viết văn, Nguyễn Huy Thiệp rất thích vẽ tranh trên gốm. Có lẽ, khi vẽ trên gốm, tranh của ông sẽ được cộng hưởng chất liệu từ gốm và giá trị sử dụng của những món đồ đó sẽ bền lâu hơn.

Nguyễn Huy Thiệp: “Dồn hết nỗi đau và cô đơn vào con chữ” - Ảnh 4.

Chiếc đĩa gốm vẽ chữ "Thiệp" mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tặng nhà văn Lưu Trọng Văn.

Ông thường mua những đồ gốm mộc từ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) về vẽ tranh, đề thơ trên đó. Nếu là tranh đề chữ, ông thích nhất là thơ Bùi Giáng. Dường như, nỗi đau cuộc đời và sự cô đơn của người nghệ sĩ khiến ông yêu mến Bùi Giáng hơn các nhà thơ khác. Nếu là tranh, ông thường thích vẽ chân dung bạn bè hoặc các đề tài về Phật giáo, Đạo giáo.

Nhà văn Lưu Trọng Văn kể, ông nhớ lần cùng nhạc sĩ Trần Tiến đến thăm Nguyễn Huy Thiệp. Cả ba ngồi với nhau trên chiếc chiếu cói trải nền đất, uống với nhau chén rượu Làng Vân. Trong buổi trò chuyện, Nguyễn Huy Thiệp ứa nước mắt khi nói về đồng quê, về mẹ - "mẹ tôi là nông dân. Khi chia tay, ông dúi vào tay đàn anh chiếc đĩa gốm có chữ "Thiệp" do chính tay ông vẽ và tạo tác. Thế thôi, cũng đủ để bạn văn nhớ thương nhau thật nhiều.

Thượng đế đã chọn Nguyễn Huy Thiệp!

Nguyễn Huy Thiệp nổi lên từ năm 1985 qua những truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ đề tài nông thôn. Sau "Tướng về hưu" (1987) và "Những ngọn gió Hua Tát" (1989), ông trở thành hiện tượng độc nhất vô nhị.

Nguyễn Huy Thiệp: “Dồn hết nỗi đau và cô đơn vào con chữ” - Ảnh 5.

Bức ảnh đầy kỷ niệm của nhà văn Nguyễn Văn Thọ với vợ chồng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói: "Những tác phẩm của ông ra đời trong thời kỳ đổi mới, nhìn thẳng vào hiện thực bức bối của xã hội giao thoa giữa những giá trị cũ và mới, còn tồn đọng nhiều dư âm lạc hậu của một thời đã qua. Ông lên án cái ác, sự bất cập của mỗi thời, nâng niu những giá trị đạo đức nguyên thủy của người Việt".

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu lại bày tỏ rằng: "Tôi nghĩ, Nguyễn Huy Thiệp đã viết văn như thần viết. Truyện ông hay không phải do học tập cần cù rèn luyện mà Thượng đế đã chọn ông... Văn chương của Nguyễn Huy Thiệp sẽ thơm mãi thơm mãi, gắn liền hồn cốt tiếng Việt, người Việt".

Nhà văn Nguyễn Quang Lập nhận định: "Viết văn là nhờ trời chọn chứ không do mình cố gắng. Ở Việt Nam, trời đã chọn Nguyễn Huy Thiệp viết văn trong 10 năm (1986-1996). Trong 10 năm này truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trước sau không ai theo kịp, tất tần tật nhà văn Việt Nam hiện đại đều không theo kịp.

Tiếc là trời chỉ chọn ông 10 năm thôi, sau đó trời không chọn ông nữa. Trời không chọn ông vẫn viết tiểu thuyết và ông đã không theo kịp ai. Trời chọn ông có 10 năm thôi mà đày đọa ông khổ đau suốt cả cuộc đời".

PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh tâm sự, bà chỉ gặp nhà văn họ Nguyễn có 3 lần nhưng gặp tác phẩm của ông thì không biết bao nhiêu lần.

"Nào "Tướng về hưu", "Không có vua", "Những ngọn gió Hua Tát", "Muối của rừng", "Những người thợ xẻ", "Những bài học nông thôn", "Trương Chi", "Vàng lửa", "Kiếm sắc", "Phẩm tiết"... Những tác phẩm này cùng với "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh đã dệt nên thời đại huy hoàng của văn học thời kỳ đổi mới.

Những trang văn gai góc, không màu mè, xoáy sâu vào tim gan độc giả với những cảnh tình nhiều khi rùng rợn và không tưởng tượng nổi. Tôi đọc đi đọc lại suốt, nhất là "Không có vua", một mảnh vỡ chông chênh của những giá trị giao thời.

Tôi vẫn cho rằng, nếu chọn vài nhà văn lớn nhất nửa sau thế kỷ 20, có lẽ chỉ có Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Một kiếp người gian truân, vất vả, nhưng để lại cho đời từng đó tác phẩm hay, âu cũng là phần thưởng xứng đáng. "Tướng về hưu", chữ "hưu" chiết tự là người tựa vào cái cây, ý là nghỉ ngơi. Từ nay, ông về với đất, chứ không phải là nghỉ dưới gốc cây nữa rồi!".

img
img

Mười năm, Nguyễn Huy Thiệp đã làm nên những điều không ai có thể làm được trong văn đàn Việt Nam.

Anh Huy Khoa – con trai của nhà văn Nguyên Huy Thiệp kể, khi còn khỏe mạnh, bố anh thường chong đèn viết lách đến khuya. Tuyên bố gác bút 2014 nhưng ông vẫn âm thầm viết một tiểu thuyết, vài truyện ngắn, hai vở kịch. Ông không biết dùng máy tính, cần mẫn viết bản thảo bằng tay.

Đỗ Hoàng Diệu vui mừng khi nghe tin Hội Nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra lo tang lễ cho Nguyễn Huy Thiệp. Và từ bên kia địa cầu, nữ nhà văn mong mỏi: "Mong thay, sau khi mồ ông yên, mả ông đẹp, linh hồn ông theo dòng sông trôi đi tìm thấy con gái thủy thần, người ta sẽ cấp phép in ấn và phát hành cho cuốn tiểu thuyết võ hiệp ông viết xong đã mấy năm nay. Cuốn sách mà ông đã long đong hết nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác mà chưa có phép".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Hội nhà văn Việt Nam sẽ đứng ra tổ chức tang lễ cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đích thân ông đã gọi điện thoại đến Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng để đề nghị được tổ chức tang lễ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại đây và phía nhà tang lễ đã đồng ý.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem