Dân Việt

Quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM: Sở GTVT đề xuất dừng, UBND TP yêu cầu tiếp tục

H.Phúc 25/03/2021 14:29 GMT+7
UBND TP.HCM yêu cầu Sở GTVT đàm phán với doanh nghiệp gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng quảng cáo trên xe buýt và điều chỉnh phương án phù hợp tình hình thực tế, thay vì ngưng theo đề xuất của Sở này.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình về đề án quảng cáo trên xe buýt trên địa bàn TP.

Quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM: Sở GTVT đề xuất dừng, UBND TP yêu cầu tiếp tục - Ảnh 1.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất ngưng quảng cáo trên xe buýt. Ảnh: VNE.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đàm phán với doanh nghiệp về gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng quảng cáo trên xe buýt theo quy định. 

Lãnh đạo TP.HCM cũng yêu cầu Sở này nghiên cứu, tham mưu UBND TP điều chỉnh phương án quảng cáo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu khai thác quảng cáo thực tế.

Trước đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt vì cho rằng hình thức quảng cáo này chưa hiệu quả. 

Theo Sở GTVT, kể từ năm 2017 đến cuối năm 2019, chỉ chọn được một đơn vị trúng đấu giá với 25/101 tuyến buýt, chỉ đạt tỷ lệ 24%. Thậm chí, Sở đã 4 lần thay đổi phương án đấu giá nhưng vẫn không có đơn vị tham gia đấu giá quảng cáo trên các tuyến xe buýt còn lại.

Nhận định về khó khăn gặp phải, Sở GTVT cho rằng hiện có nhiều loại hình quảng cáo, đặc biệt là trên không gian mạng, mạng xã hội do đó loại hình quảng cáo trên thân xe buýt kém hấp dẫn; khó khăn trong việc bàn giao xe cho công ty quảng cáo là các đơn vị trúng thầu để thi công.

Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM lại cho rằng từ năm 2018 đến nay, quảng cáo trên thên xe buýt đã tạo được nguồn thu ngân sách hơn 57,3 tỷ đồng. Số tiền này chưa tính khoản đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hơn 16,1 tỷ đồng nhằm bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Mai Phương, đề án được áp dụng cho các tuyến buýt trợ giá và không trợ giá. Đối với các tuyến buýt không trợ giá, doanh nghiệp vận tải, chủ xe được hưởng trọn vẹn nguồn thu từ quảng cáo sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Việc dừng đề án sẽ tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp tuyến buýt không trợ giá.

Do đó, Sở Tài chính kiến nghị tiếp tục thực hiện đề án quảng cáo trên thân xe buýt trên địa bàn TP cho đến khi UBND TP ban hành đề án mới. 

Đồng thời, Sở này kiến nghị giao Sở GTVT nghiên cứu, rà soát xây dựng lại đề án mới đảm bảo phù hợp tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn và nhu cầu quảng cáo thực tế nhằm giảm tiền trợ giá và tăng hiệu quả khai thác.

Hiện trung bình mỗi năm TP.HCM chi khoảng hơn 1.000 tỷ đồng hỗ trợ xe buýt. TP.HCM đang có hơn 2.300 xe buýt trên 137 tuyến, gồm cả trợ giá và không trợ giá. Theo tính toán nếu toàn bộ xe buýt được thuê quảng cáo ngoài thân, mỗi năm TP.HCM thu về hơn 100 tỷ đồng, góp phần giảm trợ giá cho loại hình phương tiện công cộng này.