Nhiều năm lao đao vì chuột cắn phá, đầu vụ lúa năm nay người dân xã Liêm Phong (Thanh Liêm, Hà Nam) có phần an tâm hơn khi biết tin chính quyền xã kết hợp cùng Công ty Nông nghiệp Sạch tổ chức diệt chuột.
Nhưng hiệu quả trên thực tế không như mong đợi.
Để diệt chuột, mỗi sào lúa người dân phải đóng 39.000 đồng.
Bà Lại Thị Thơm (50 tuổi, thôn Yên Thống, Liêm Phong) bảo, hết nạn ốc, đến nạn chuột, năm nay cứ tưởng an tâm được phần nào, ai ngờ chuột vẫn phá như thường.
"Đầu vụ lúa, chính quyền xã vận động mỗi người nộp 39.000 đồng/sào để diệt chuột. Riêng nhà tôi, 5 sào nộp gần 200.000 đồng, thế mà nay chuột phá tơi bời, không biết kêu ai", bà Thơm nói.
Dẫn chúng tôi ra đồng, ông Tô Tiến Văn (42 tuổi, Liêm Phong) chỉ vào đám lúa nằm bên bờ ruộng, ông bảo đây là phương pháp diệt chuột của Công ty Nông nghiệp sạch.
"Sau lần gieo đầu tiên, chúng tôi thấy họ mang thuốc trộn với lúa, trấu thả lên bờ, nếu đánh kiểu này chúng tôi tự đánh cũng được. Sau khi công ty về đánh, chuột vẫn cắn phá nhiều, nhìn lúa mà xót. Một số hộ dân lại đi mua túi ni lông về căng, mất hai lần tiền", ông Văn nói.
Lật dở danh sách các hộ dân đánh chuột trong thôn, ông Bùi Tiến Bộ (Trưởng thôn Nguyễn Trung, Liêm Phong) nói với chúng tôi: "100% hộ dân trong thôn đều nộp tiền, tổng thu của thôn tôi hơn 43 triệu đồng. Mấy ngày gần đây nhiều người có qua nhà tôi hỏi về lý do tại sao có biện pháp phòng chuột nhưng vẫn bị cắn phá?".
Theo tìm hiểu, trong 6 thôn tại xã Liêm Phong, duy chỉ có thôn Cự Xá là người dân không nộp tiền mà tự đánh chuột bằng phương pháp.
Trao đổi với PV, ông Lại Trường Giang - Chủ tịch UBND xã Liêm Phong cho biết, việc đánh chuột HTX nông nghiệp đứng ra làm việc cùng công ty để hỗ trợ người dân.
Ông Nguyễn Văn Lung (Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Liêm Phong) cũng xác nhận, tại Liêm Phong có khoảng 800 mẫu đất người dân đã nộp tiền đánh chuột, với số tiền hàng trăm triệu đồng.
"Trung bình 39.000 đồng/sào, cứ thế mà nhân lên thôi. Bởi nhiều lý do khác nhau khiến việc đánh chuột chưa hiệu quả. Hiện nay Công ty Nông nghiệp Sạch vẫn cử người về kiểm tra và theo dõi thường xuyên, không có chuyện người dân không biết kêu ai.
Công ty vừa kết hợp đánh bả, đánh bẫy, việc này diễn ra trong cả vụ, cả năm nên hiệu qủa chưa thấy ngay được", ông Lung nói.
Đồng thời, ông Lung khẳng định 39.000 đồng/sào đánh chuyển HTX không cắt ra nghìn nào, sẽ chuyển hết cho công ty.
Khi phóng viên Dân Việt hỏi về hợp đồng và điều khoản, ông Lung cho biết hiện hai bên chưa kí hợp đồng với nhau vì một số lý do, đồng thời HTX nông nghiệp đã gửi một số tiền đến Công ty Nông nghiệp Sạch để đánh chuột.
Dân tự diệt chuột, chi phí 4000 đồng/sào
Ở một xã khác ở huyện Thanh Liêm, người dân cùng HTX tự đứng ra diệt chuột, chi phí thấp hơn nhiều so với xã Liêm Phong.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Thanh Nguyên cho biết, HTX nông nghiệp xã Thanh Nguyên chia ra nhiều lần trong năm để đánh chuột bằng bả, đặc biệt đánh liên tục vào gần vụ mùa.
"Khi tổ chức đánh bằng bả, chúng tôi loa tuyền thanh, tuyên truyền để người dân không cho gia súc, gia cầm ra gần khu vực đồng.
Sau khi người dân sạ xong, chúng tôi không đánh thuốc mà chuyển sang đánh thủ công, đánh bằng bẫy. HTX cũng khuyên khích bà con diệt chuột và chúng tôi mua lại với giá 4000 đồng/con. Cách này vừa khuyến khích bà con, vừa tiêu hủy chuột đúng quy định để đảm bảo môi trường", ông Thắng nói.
Theo vị lãnh đạo xã Thanh Nguyên, mỗi năm HTX thu của người dân khoảng 15.000 đồng trong đó có cả việc chăm sóc thú y và diệt chuột, tính ra khoảng 4000 đồng/sào riêng việc diệt chuột.
Phóng viên Dân Việt tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Bạn đang đọc bài viết tại chuyên mục Bạn đọc của Báo Điện tử Dân Việt. Mọi thông tin góp ý, phản hồi xin gửi về hòm thư bandocdanviet2010@gmail.com hoặc đường dây nóng 0857835666.