Dân Việt

Hà Nội "tuýt còi" hàng loạt dự án của Tập Đoàn Nam Cường

Quang Dân 26/03/2021 06:06 GMT+7
Tập đoàn Nam Cường được biết nhiều sau lùm xùm xây thừa 500 căn biệt thự tại Khu đô thị Dương Nội và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.

Nhiều dự án bị tuýt còi

Thành phố Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Cụ thể, Hà Nội rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai.

Đáng chú ý, trong đó có nhiều dự án của Tập đoàn Nam Cường, đáng kể như chậm giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Chương Mỹ; chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Cổ Nhuế.

Hà Nội "tuýt còi" hàng loạt dự án của Tập Đoàn Nam Cường - Ảnh 1.

Hà Nội "tuýt còi" hàng loạt dự án của Tập Đoàn Nam Cường.

Ngoài ra, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất. Quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.

Đồng thời kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư...

Tập đoàn Nam Cường được biết nhiều sau lùm xùm xây thừa 500 căn biệt thự tại Khu đô thị Dương Nội và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.

Mở rộng quỹ đất "khủng" thông qua việc tham gia các dự BT của Tập đoàn Nam Cương

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Nam Cường có lịch sử hình thành và phát triển khá lâu năm, tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy được thành lập vào năm 1984.

Đến năm cuối năm 2007, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và chính thức chuyển đổi mô hình công ty cổ phần vào tháng 8/2009, với tên giao dịch mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội.

Từ năm 2008, Nam Cường bắt đầu mở rộng quỹ đất "khủng" của mình thông qua việc tham gia vào các dự BT. Một trong những thương vụ được đánh giá thành công nhất của Nam Cường trong lĩnh vực này phải kể đến việc Nam Cường tham gia xây dựng dự án 5,1km đường trong trục phát triển phía Bắc của quận Hà Đông.

Theo hợp đồng xây dựng chuyển giao, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 700 tỷ đồng, có điểm đầu tuyến thuộc phường Vạn Phúc và điểm cuối thuộc phường Yên Nghĩa.

Tại dự án, Nam Cường được Hà Nội cấp đối ứng khu đất có quy mô diện tích gần 200ha ở Dương Nội, tiền đề để doanh nghiệp phát triển khu đô thị Dương Nội đến nay.

Mảnh đất này được coi là "đất vàng" bởi sau khi tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông hoàn thành, giá đất trong khu vực đã tăng nhanh chóng.

Thời điểm đó, ước tính Nam Cường chỉ phải bỏ ra xấp xỉ 300.000 đồng cho mỗi m2 đất và trong diễn biến liên quan, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra có một khoảng chênh lệch lên tới 200 tỷ đồng giữa giá trị hợp đồng BT và giá trị đối trừ tiền sử dụng đất…

Năm 2009, Nam Cường dưới danh nghĩa liên danh với Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội, tiếp tục tham gia dự án xây dựng đường Lê Văn Lương kéo dài theo hợp đồng BT.

Tuyến đường xây dựng có chiều dài gần 3km với tổng mức đầu tư gần 680 tỷ đồng đã giúp Nam Cường thu gom thêm một khu đất diện tích hơn 46ha tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.

Hà Nội "tuýt còi" hàng loạt dự án của Tập Đoàn Nam Cường - Ảnh 2.

Nam Cường được Hà Nội cấp đối ứng khu đất có quy mô diện tích gần 200ha ở Dương Nội, tiền đề để doanh nghiệp phát triển khu đô thị Dương Nội đến nay.

Cụ thể, sau khi bỏ vốn xây dựng tuyến đường nêu trên, Nam Cường được hoàn vốn bằng việc khai thác đầu tư khu đô thị Phùng Khoang.

Đây là dự án khu đô thị với các chức năng chính như khu phức hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, biệt thự và căn hộ cao cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2010. Tuy nhiên, đến nay khu đất vẫn xuất hiện trên báo chí với hình ảnh hoang tàn, cỏ dại mọc um tùm.

Ngoài ra, Nam Cường còn hướng đến quỹ đất hàng nghìn ha khi quyết định tham gia đầu tư dự án đường trục kinh tế Bắc Nam, thuộc tỉnh Hà Tây cũ.

Theo kế hoạch, Nam Cường dự kiến được giao hai dự án khu đô thị Quốc Oai (huyện Quốc Oai) có quy mô hơn 1.120ha và khu đô thị Thạch Thất (huyện thạch Thất) với quy mô hơn 920ha.

Dẫu vậy, đến năm 2013, dự án trục đường kinh tế Bắc Nam ngừng triển khai, cùng với đó hai dự án nêu trên rời khỏi tay Nam Cường do không phù hợp với định hướng quy hoạch của thành phố.

Ước tính, Nam Cương đang sở hữu một số dự án lớn ở Thủ đô như khu đô thị sinh thái Chúc Sơn (Chương Mỹ) có quy mô 750ha, khu đô thị Thạch Phúc (Phúc Thọ) có quy mô hơn 500ha... Đặc biệt đối với dự án khu đô thị Thạch Phúc, cho dù ngày khởi công trống rong cờ mở, song kể từ đó đến nay, hơn chục năm qua đại dự án này vẫn phủ mền đắp chiếu.

Theo người dân địa phương, họ còn không nhớ rõ tên dự án và cho biết, suốt từ ngày khởi công, vẫn chưa chủ đầu tư quay lại. Nhiều năm qua, chỉ có duy nhất một vài bảo vệ trông nom khu đất.

Không chỉ ở Hà Nội, Nam Cường còn vươn sải tay đến các tỉnh lân cận, điển hình như Nam Định, Hải Dương... với các khu đô thị Hòa Vượng, khu đô thị Thống Nhất, khu đô thị Mỹ Trung, khu đô thị phía Tây Hải Dương... đều có được thông qua việc tham gia dự án BT.

Tuy nhiên, trái ngược với sự hiệu quả trong chiến lược thu gom đất đai, những năm gần đây, Nam Cường lại có kết quả kinh doanh trồi sụt, lợi nhuận thu về cũng không đáng kể.

Bức tranh tài chính của Nam Cường sẽ được Dân Việt đề cập tiếp ở phần 2.