Tập đoàn Nam Cường bao giờ... “cường”?

Thái Bình Thứ sáu, ngày 03/03/2017 15:27 PM (GMT+7)
Nhớ về những "đỉnh cao" của ngành xây dựng, Tập đoàn Nam Cường của cố doanh nhân Trần Văn Cường luôn được tấm tắc khen bởi sức đầu tư mạnh mẽ, quỹ đất dự án quản lý dàn trải khắp phía Bắc trước những năm 2010.
Bình luận 0

img

 KĐT Phùng Khoang – vẫn đắp chiếu quây tôn suốt nhiều năm qua

Cũng bởi sự dàn trải đó (kèm theo biến cố mang tính cá nhân), Nam Cường đang nhọc nhằn trở lại thị trường sau thời gian "thu mình chờ cơ hội".

Dang dở những cuộc tình

Có lẽ ấn tượng nhất của Tập đoàn Nam Cường với giới kinh doanh BĐS là danh mục những dự án quy mô chiếm đất khổng lồ (từ vài trăm đến hàng nghìn ha trải dọc Hà Nội, Hải Dương, Nam Định...). Thậm chí, ở Thủ đô, quỹ đất dự án (rộng, đã sạch pháp lý và quy hoạch được duyệt) của Nam Cường luôn khiến rất nhiều chủ đầu tư lớn thèm muốn trong bối cảnh đất đai ngày càng khan hiếm.

Nhưng, nhiều năm qua, nhắc tới những dự án tiêu biểu của Nam Cường tại Hà thành mới thấy sự lãng phí tài nguyên đất kéo dài của DN này. Đầu tiên: dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) rộng tới 17,6ha, quy mô 1.900 dân cư. Dự án bao gồm các cụm công trình CT1, CT2 (13 tầng), cụm CT3 (block A,D cao 15 tầng; B, C cao 18 tầng) kèm theo là phần đất phục vụ công trình biệt thự và liền kề. Tính tới 2016, mới chỉ 2 tòa CT1, CT2A, CT3 đã hoàn thiện và giao nhà, tòa CT2B xong thô và đang hoàn thiện. Đặc biệt, phần liền kề biệt thự vẫn nham nhở nhiều lô đất chưa xây xong, đồng thời lượng cư dân dọn về ở cũng chỉ lác đác không đáng kể.

Sự hoang hóa bê trễ mà Nam Cường để lại trong dự án của mình còn thể hiện rõ nét ở KĐT Dương Nội. Tổng diện tích quy hoạch ngót 200ha, quy mô dân số từ 2,5 - 3 vạn người, nhưng đến nay phần lớn diện tích trong KĐT này vẫn trong tình trạng hoang phế. Được biết, dự án được khởi công từ 2008 (theo kế hoạch sẽ hoàn thiện toàn bộ trong năm 2015) và gồm nhiều tiểu dự án trực thuộc như khu liền kề, biệt thự Dương Nội; chung cư cao cấp The Sparks Dương Nội; chung cư HH2 Dương Nội - Xuân Mai SPARKS; Trung tâm thương mại và phố chợ Đô Nghĩa...

img

Năm 2015, Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Xuân Mai mua lại 3 tòa tháp 25 tầng của Nam Cường và khai thác kinh doanh. Song sự sôi động ở 3 tòa tháp cũng chẳng thể thổi sức sống vào các lô đất, hạng mục dang dở ngập trong KĐT Dương Nội. Điều dễ hiểu, người mua nhà luôn tránh xa "nghĩa địa biệt thự/liền kề" Dương Nội, dù giá thứ cấp sản phẩm thường xuyên được rao bán với mức rẻ như bèo (có lúc về ngưỡng dưới 20 triệu đồng/m2 liền kề).

Tại địa phương khác, Nam Cường cũng sở hữu KĐT mới phía đông, phía tây TP Hải Dương, KĐT mới Hòa Vượng (tỉnh Nam Định) cùng hệ thống khách sạn Nam Cường trên khắp các tỉnh, thành... Nhưng, đa số trong danh sách này đều ở trạng thái chậm tiến độ, bỏ hoang kéo dài hoặc được san lấp tạm (để chia lô bán nền với mức giá vượt xa chi phí đền bù GPMB).

Phép màu mang tên Trần Như Trung?

Những gì Nam Cường thể hiện ở các dự án hoành tráng (về quy mô chiếm đất) đã rất rõ. Cũng chẳng cần nhắc lại vô khối điều tiếng trong năm 2016 (điển hình liên quan tới quá trình sinh sống của cư dân Dương Nội) vì đã dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Chú ý hơn cả, là động thái âm thầm trở lại của Nam Cường khi lần lượt xúc tiến đầu tư sản phẩm chung cư AnLand và biệt thự An Phú Shop Villa (nằm trong phần đất KĐT Dương Nội).

img

Hoành tráng tuyên bố, nhưng thực lực tài chính của Nam Cường ra sao thì ...không ai rõ

Đáng chú ý, AnLand (ra mắt cuối 2016) được cho là "đánh trúng" thị hiếu sử dụng chung cư sinh thái, đủ tiện ích sức khỏe-tinh thần và có mức giá chấp nhận được (từ 24 triệu đồng/m2). Chưa rõ thanh khoản của tiểu dự án ra sao, nhưng chỉ duy vấn đề vị trí dự án thuộc trục Tố Hữu (2,7km gánh 40 dự án cao ốc 25-35 tầng) đã khiến rất nhiều khách hàng lo lắng.

Theo đó, liên quan tới bất cập hạ tầng giao thông "không theo kịp" quy hoạch xây chung cư cao tầng đô thị, Chính phủ mới đây đã đề nghị Hà Nội phải kiểm soát việc xây dựng nhà cao tầng...

Đầu năm 2017, lãnh đạo Nam Cường tự tin khẳng định sẽ tiếp tục triển khai xây dựng hàng loạt dự án rọng điểm tại các tỉnh thành Hà Nội, Nam Định, Hải Dương. Nhưng, với những dự án "đắp chiếu kéo dài" (thanh khoản gần như không có) khắp phía Bắc, nguồn tiền để "triển khai hàng loạt" như bà Ngà nhắc tới sẽ đến từ đâu? Một chi tiết tham chiếu, vốn điều lệ của Nam Cường hiện đạt 4.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, không xuất hiện bất cứ số liệu đáng tin cậy nào về thực lực tài chính của Nam Cường – càng dấy lên khả năng Nam Cường chỉ "tung hỏa mù" với thị trường về sức mạnh hiện hữu nhằm đẩy thanh khoản 2 tiểu dự án trong Dương Nội.

Cuối cùng, theo tìm hiểu riêng của PV, một cá nhân "kiệt xuất" trong làng BĐS đã được Nam Cường tuyển về từ cuối 2016. Cụ thể, đó là ông Trần Như Trung – nhân vật rất lão luyện trong nghề tư vấn (từng giữ vị trí lãnh đạo tại Savills), đầu tư chiến lược lẫn truyền thông (tại Tân Hoàng Minh). Gần nhất, ông Trung đã khá thành công tại Capital House (qua chuỗi sản phẩm Ecolife)...

Nhưng, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm lèo lái của ông Trung và ...quyết tâm của lãnh đạo thì Nam Cường thật khó để cụ thể hóa những tuyên bố của mình. Nhất là khi, thị trường đang không thiếu những ông kẹ BĐS sở hữu thực lực tài chính hàng nghìn tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem