Những năm gần đây, tại Yên Bái, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng không đồng đều đang dần được thay thế bởi các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Trong đó, HTX Thanh niên Lâm Thượng (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) là một điển hình về việc liên kết cùng nhau hợp tác nuôi thỏ, chế biến măng mai. Và người giữ vai trò đầu tàu của HTX Thanh niên Lâm Thượng chính là Giám đốc Phạm Hải Chiều.
Anh Chiều cho biết, trước đây anh học sư phạm, sau khi ra trường lên công tác tại tỉnh Lai Châu, đã có biên chế đầy đủ. Tuy nhiên, do công tác xa nhà, anh quyết định bỏ nghề giáo viên để về quê phát triển kinh tế.
Qua quá trình tìm hiểu thị trường, học tập kinh nghiệm, anh Chiều quyết định lựa chọn nuôi thỏ để phát triển kinh tế. Từ ý tưởng đạt giải Ba trong Cuộc thi ý tưởng sáng tạo Thanh niên toàn tỉnh Yên Bái năm 2017, tháng 3/2018, anh Chiều đã vận động một số hộ gia đình cùng thành lập HTX Thanh niên Lâm Thượng.
"Hiện tại, HTX Thanh niên Lâm Thượng cũng có nhiều ngành nghề kinh doanh, nhưng chủ yếu là nuôi thỏ, chế biến các sản phẩm từ thỏ và chế biến măng mai. Riêng về nuôi thỏ, chế biến thịt thỏ do ảnh hưởng của dịnh bệnh nên có gặp chút khó khăn, nhưng chúng tôi cũng có định hướng cụ thể", anh Chiều chia sẻ.
Đến nay, HTX Thanh niên Lâm Thượng đã phát triển mô hình nuôi thỏ lên 4.000 con, vào lúc cao điểm có tới 6.000 con. Hằng tháng, HTX xuất bán trên 1 tấn thỏ thịt thương phẩm với giá thỏ ổn định là 70.000 đồng/kg.
Đặc biệt, xúc xích thỏ là một trong những sản phẩm đầu tiên và chủ lực của HTX Thanh niên Lâm Thượng. Mỗi tháng, HTX làm thịt thỏ rồi chế biến thành xúc xích cung cấp ra thị trường từ 100 – 200kg xúc xích thỏ và 200 – 300kg các sản phẩm khác từ thỏ.
"Hiện tại đầu ra cho các sản phẩm chế biến từ thịt thỏ có chậm một chút nhưng tôi cũng đã có họp bàn với các trại thỏ thành viên. Trước mắt mình duy trì, chưa tăng đàn vội. Chúng tôi đang tích cực tìm thêm đầu ra. Ngoài sản phẩm xúc xích thỏ đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, chúng tôi làm thêm các sản phẩm khác từ thịt thỏ", anh Chiều cho biết.
Anh Phạm Vũ Lực – thành viên HTX Thanh niên Lâm Thượng chia sẻ: "Trước kia nhà tôi không nuôi thỏ, về sau thấy các anh em nuôi và có đầu ra ổn định nên tôi kết hợp với các anh em bên HTX để nuôi. Vào HTX thì chúng tôi chia sẻ với nhau kinh nghiệm làm chuồng thỏ, cách cho thỏ phối giống và cách phòng chống dịch bệnh cho thỏ".
Anh Chiều cho biết thêm, bên cạnh nuôi thỏ và chế biến các sản phẩm từ thịt thỏ, HTX Thanh niên Lâm Thượng còn trồng và chế biến sản phẩm từ cây măng mai. Với diện tích khoảng 100ha trồng măng mai, mỗi năm HTX thu trên 400 tấn măng tươi, sản xuất khoảng 5 tấn măng khô.
Cuối năm 2020, các sản phẩm xúc xích thỏ, măng mai phơi khô của HTX Thanh niên Lâm Thượng đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng anh vẫn cố gắng kết nối với các tổ chức, hộ kinh doanh, nhà hàng để tìm đầu ra cho sản phẩm.
"Riêng năm nay trại thỏ của gia đình tôi phải tạm dừng để nhường đơn hàng cho các hộ thành viên. Khó khăn là vậy xong với nỗ lực của các hộ, tính bình quân mỗi năm, mỗi hộ thành viên HTX cũng thu được gần 200 triệu đồng", anh Chiều vui vẻ.
Nhận xét về HTX Thanh niên Lâm Thượng, chị Hoàng Thị Dét, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Hiệu quả lớn nhất của HTX Thanh niên Lâm Thượng là đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho thanh niên, giúp cho thanh niên địa phương tiếp cận được với nguồn vốn, hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, lập nghiệp tại quê hương".