Thanh Hóa: Đem vớt thứ rau đen sì ở đầm nuôi tôm cá, chả phải chăm sóc gì mà 1ha lời ra thêm 80 triệu

Vũ Thượng Thứ sáu, ngày 26/03/2021 13:45 PM (GMT+7)
Không tốn công chăm sóc, cũng như đầu tư vốn, người dân ven biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), chỉ việc ra ao đầm nuôi tôm, cá vớt rau câu hay còn gọi là "lộc trời" phơi khô bán giá trên 5.000 đồng/kg.
Bình luận 0

Tranh thủ những ngày nắng to, người dân ven biển thuộc xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) lại ngâm mình trong nước hàng tiếng đồng hồ để vớt rau câu đem lên phơi khô kịp bán cho thương lái.

Thanh Hóa: Vớt thứ rau mọc tự nhiên dưới ao đầm người dân ven biển kiếm bội tiền - Ảnh 1.

Rau câu được người dân xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc gọi là "lộc trời" ban tặng. Ảnh: Vũ Thượng

Ông Vũ Văn Ngân (thôn Yên Lộc, xã Đa Lộc) nói: "Gia đình tôi có 2 ha ao nuôi tôm, cá nhưng hằng năm vẫn thu thêm gần 60 triệu đồng từ rau câu. Đây là loài rau mọc tự nhiên, không cần đầu tư, chăm sóc mà vẫn có tiền đều, được người dân nơi đây gọi là "lộc trời" ban tặng".

Thanh Hóa: Vớt thứ rau mọc tự nhiên dưới ao đầm người dân ven biển kiếm bội tiền - Ảnh 2.

Rau câu sau khi phơi khô được thương lái thu mua giá trên 5.000 đồng/kg

Cũng theo ông Vũ Văn Ngân, rau câu mọc tùy từng ao, chứ không phải ao nào cũng có, khi vớt rau câu lên phơi nắng khoảng 2-3 ngày là thương lái đến tận nơi thu mua với giá hơn 5.000 đồng/kg.

Để rau câu sạch, đẹp màu, được lòng người mua, ngoài khâu rửa sạch trong nước ngay tại lúc vớt, về nhà, người dân xã Đa Lộc phải nhặt từng cọng rong xanh. Để rau câu khô đều, người phơi phải chịu khó trải thành lớp mỏng, thường xuyên trở tay.

Thanh Hóa: Vớt thứ rau mọc tự nhiên dưới ao đầm người dân ven biển kiếm bội tiền - Ảnh 3.

Rau câu phơi khoảng 2-3 nắng là có thương lái tới tận nơi thu mua. Ảnh: Vũ Thượng

"Phơi rau câu cũng giống như phơi lúa, không được để mắc mưa, kẻo rau câu rã ra thì coi như mất hết công sức vớt. Lưu ý, khi về mùa khô để rau câu phát triển mạnh trong ao nên để nước sâu, nước phải đảm bảo độ sáng để rau câu quang hợp", ông Vũ Văn Ngân chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Thanh Hóa: Vớt thứ rau mọc tự nhiên dưới ao đầm người dân ven biển kiếm bội tiền - Ảnh 4.

Rau câu vớt lên quan sát giống như một búi cước lùng nhùng. Ảnh: Vũ Thượng

Theo quan sát, rau câu mọc tự nhiên được người dân xã Đa Lộc gọi là "lộc trời" xuất hiện từng đám dưới nước, rau câu giống như một búi cước lùng nhùng, cầm lên tay cảm nhận trơn nhớt, có màu đen, đan xen một số cọng vàng.

Thanh Hóa: Vớt thứ rau mọc tự nhiên dưới ao đầm người dân ven biển kiếm bội tiền - Ảnh 5.

Nhờ thứ "lộc trời" này mà người dân xã Đa Lộc có thêm nguồn thu nhập. Ảnh: Vũ Thượng

Rau câu thực chất là một loại rong biển mọc tự nhiên ở trong các ao đầm nước lợ. Rau câu giống như một loại tảo giàu chất dinh dưỡng nên được sử dụng trong chế biến thực phẩm, thức uống giải khát...Thông thường rau câu này được người dân xã Đa Lộc thu hoạch trước khi thả vụ tôm, cá mới xuống ao đầm. Vì rau câu làm hạn chế lượng ô-xy trong nước của đầm nuôi, dẫn tới giảm năng suất của các loại thủy sản khác.

Thanh Hóa: Vớt thứ rau mọc tự nhiên dưới ao đầm người dân ven biển kiếm bội tiền - Ảnh 6.

Rau câu mọc tự nhiên đem lại nguồn thu khoảng 60-80 triệu đồng/ha/năm cho các ao nuôi cá, tôm nước lợ ở Đa Lộc. Ảnh: Vũ Thượng

Được biết, rau câu phát triển hầu như quanh năm nhưng một năm cũng chỉ thu hoạch được một lần từ tháng 1-2 và thời gian thu hoạch cũng chỉ diễn ra trong khoảng 2 tuần. Sau khi rau câu được vớt dưới ao đầm lên bờ, sẽ được người dân nơi đây phơi khô và bán với giá từ 4.000-6.000 đồng/kg, nhờ đó mà nhiều hộ dân ở xã Đa Lộc có nguồn thu nhập ổn định.

Thanh Hóa: Vớt thứ rau mọc tự nhiên dưới ao đầm người dân ven biển kiếm bội tiền - Ảnh 7.

Hầu hết các ao đầm nuôi cá, tôm nước lợ ở xã Đa Lộc đều có "lộc trời". Ảnh: Vũ Thượng

Ông Đinh Văn Vi (trú tại xã Đa Lộc, huyện Hậu Lôc) cho biết: "Tôi đã có hơn 3 năm thu mua rau câu cho người dân, giá tôi đang mua hiện nay là trên 5.000 đồng/kg khô. Nếu đầm nuôi nhà ai đủ điều kiện về nguồn nước, ánh sáng thì 1 ha rau câu phải cho thu hoạch khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. Rau câu này tôi thu mua về nhập ra ngoài Hải Phòng là nguyên liệu chính cho sản xuất thạch rau câu".

Thống kế của UBND xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), hiện nay toàn xã có khoảng 484 ha đất nuôi trồng thủy sản. Trong đó nuôi nước mặn 214 ha, nuôi nước lợ 230 ha, nuôi nước ngọt 40 ha. Đặc biệt, xã Đa Lộc đã áp dụng thành công mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Qua đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng nhanh, trong năm 2019, ước đạt 3.277 tấn. Tỷ trọng khai thác và nuôi trồng thủy hải sản trong cơ cấu sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 50,61%.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem