Dân Việt

Nhập 322 loài gỗ của 51 quốc gia này sẽ không lo rủi ro nguồn gốc

Khánh Nguyên 29/03/2021 14:50 GMT+7
Là một trong những ngành hàng có giá trị xuất khẩu (XK) trên chục tỷ USD (năm 2020 đạt hơn 12 tỷ USD), XK gỗ và các sản phẩm gỗ đang đứng trước nhiều cơ hội rộng mở nhưng cũng đòi hỏi phải vượt qua những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Tiềm năng từ thị trường nội địa

Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT (hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU) đã đặt ra yêu cầu tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ xuất khẩu giống như các sản phẩm tiêu thụ nội địa.

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), với gần 100 triệu dân, quy mô thị trường của Việt Nam tương đương với 5 - 7 nước châu Âu gộp lại.

 Ông Hạnh cũng đánh giá với xu thế kinh tế Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, kéo theo đó là sự phát triển của thị trường bất động sản, đặc biệt là các căn hộ khiến nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ nội thất tăng cao. 

"Quy mô thị trường tiêu dùng nội thất trong nước ước tính trị giá khoảng 5 tỷ USD, gần bằng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu" - ông Hạnh đánh giá.

Kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ: Nhiệm vụ lớn, cơ hội cao - Ảnh 1.

Sản xuất đồ gỗ tại Nhà máy chế biến gỗ Tiến Đạt ở tỉnh Bình Định. Ảnh: T.L

Theo ông Tô Xuân Phúc, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần yêu cầu các quốc gia nhiệt đới cung cấp gỗ cho Việt Nam phải có đủ thông tin cơ bản về cơ chế, chính sách khai thác, chế biến, thương mại...

Năm 2020, 5 thị trường cung cấp gỗ và các sản phẩm gỗ chính cho Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Cameroon, Thái Lan và Chile. Giá trị nhập khẩu từ 5 thị trường này đạt 1,57 tỷ USD, chiếm trên 61% tổng giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ vào Việt Nam.

Theo ông Tô Xuân Phúc của Tổ chức Forest Trends, nguồn gốc gỗ nhiệt đới còn thiếu minh bạch khi nhiều đơn vị cung cấp gỗ ở một số quốc gia không cung cấp đầy đủ giấy tờ xuất xứ.

Nếu sử dụng lượng gỗ không giải trình được đầy đủ giấy tờ xuất xứ thì hàng nội địa lại chính là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường xuất khẩu.

Cần phát huy chính sách

Một trong những chính sách quan trọng nhất về ngành gỗ được Việt Nam ban hành năm 2020 là Nghị định Quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). 

Nghị định này tập trung vào khâu nhập nhập, xuất khẩu, các tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ và cấp phép FLEGT. 

Kiểm soát gỗ nhập khẩu là một trong những phần trọng tâm của Nghị định, theo đó quản lý gỗ nhập khẩu được thực hiện theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không rủi ro.

Nhằm hiện thực hóa các quy định của Nghị định này, tháng 11/2020 Bộ NNPTNT ban hành Quyết định 4832 công bố danh mục các loại gỗ đã nhập khẩu vào Việt Nam và danh sách vùng địa lý tích cực xuất khẩu gỗ vào Việt Nam. 

Theo quyết định này, 322 loài gỗ được xác định nhập khẩu vào Việt Nam và 51 quốc gia được xác định thuộc vùng địa lý tích cực. Các loài gỗ nhập khẩu và các quốc gia cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam không nằm trong danh sách này sẽ được coi là gỗ rủi ro và vùng địa lý rủi ro.

Theo nghị định VNTLAS, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm giải trình, với các bằng chứng pháp lý minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu. Hiện nay việc quản lý tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu đang được chịu sự điều chỉnh của Nghị định VNTLAS.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), khung pháp lý này ra đời giúp tăng tính minh bạch yêu cầu về nguồn gốc nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. 

Tuy nhiên để phát huy hiệu quả các chính sách này và đáp ứng được các yêu cầu của diễn biến thị trường thì đòi hỏi các chính sách cũng luôn cập nhật sát hơn nữa để doanh nghiệp kịp nắm bắt thời cơ của thị trường khi xuất hiện.

Riêng nguồn gỗ được nhập khẩu từ các nước nhiệt đới, để hạn chế rủi ro, ông Tô Xuân Phúc cho rằng, Chính phủ và các hiệp hội gỗ cần yêu cầu tất cả các quốc gia nhiệt đới cung cấp gỗ cho Việt Nam phải có đủ thông tin cơ bản về cơ chế, chính sách khai thác, chế biến, thương mại, đặc điểm các loại gỗ được phép và không được phép khai thác, sử dụng, thương mại hóa tại quốc gia này.