Đã có quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, không còn cửa cho gỗ lậu

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 12/09/2020 09:58 AM (GMT+7)
Theo ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 cùng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định VPA/FLEGT sẽ là lực đẩy giúp xuất khẩu gỗ sang EU tăng tốc hơn nữa.
Bình luận 0

Vượt khó ngoạn mục

Tháng 3/2020, khi dịch Covid-19 phủ bóng đen ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có những thị trường chính của mặt hàng gỗ Việt như EU, Mỹ, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhìn thấy những khó khăn khi các đơn hàng bị hủy hoặc chậm thanh toán. Khảo sát thời điểm đó với 150 DN thì chỉ có 7% DN còn cố gắng hoạt động bình thường.

Đã có quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp: Thêm lực đẩy xuất khẩu gỗ sang EU - Ảnh 1.

Chế biến gỗ ghép thanh tại một doanh nghiệp của tỉnh Cao Bằng. Ảnh: P.V

"Thực thi VPA/FLEGT đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp, cộng với cơ hội từ EVFTA mang lại do ưu đãi thuế quan, tôi tin ngành gỗ sẽ có triển vọng ở thị trường EU".

Ông Phạm Văn Điển -

Phó Tổng cục trưởng

Tổng cục Lâm nghiệp

Nhưng sau những khó khăn ban đầu, xuất khẩu (XK) gỗ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị XK lâm sản 8 tháng năm 2020 đạt 7,83 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 29,9% giá trị XK của ngành nông nghiệp.

Trong đó, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc vẫn là thị trường XK gỗ và lâm sản chủ yếu của Việt Nam với tổng giá trị XK 7 tỷ USD, chiếm 89,5% giá trị XK lâm sản của Việt Nam.

Đánh giá về sự phát triển của ngành chế biến, XK đồ gỗ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường dùng từ: "ngoạn mục", bởi từ một ngành phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu gỗ tự nhiên, đến nay 80% nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ là từ rừng trồng trong nước; từ những cơ sở chế biến nhỏ lẻ, đến nay số lượng DN chế biến sản phẩm đồ gỗ đã lên tới 4.550 DN, chế biến lâm sản ngoài gỗ 412 DN, dăm gỗ 188 DN, ván thanh 146 DN… Đa phần các DN ngành gỗ là các DN tư nhân.

"Chúng ta đã có nhiều mặt hàng XK có thế mạnh như: Gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có giá trị XK lớn nhất trong các nhóm hàng XK gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Đã có nghị định về thực thi VPA/FLEGT

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Điển, Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 cộng với EVFTA sẽ là hai lực đẩy mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi XK sang EU.

Thêm nữa, Nghị định 102 sẽ hoàn thiện quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp, các ngành chức năng trong việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, giúp sản phẩm gỗ đáp ứng đầy đủ các điều kiện của thị trường khó tính như EU. 

Đã có quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, không còn cửa cho gỗ lậu - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 cộng với EVFTA sẽ là hai lực đẩy mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi XK sang EU.

"Thị trường châu Âu rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tính minh bạch và thân thiện môi trường của sản phẩm. Thực thi VPA/FLEGT đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp, cộng với cơ hội từ EVFTA mang lại do ưu đãi thuế quan, tôi tin ngành gỗ sẽ có triển vọng ở thị trường EU" - ông Điển nói.

Cũng theo ông Điển, ngày 1/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định đảm bảo hệ thống gỗ hợp pháp Việt Nam với những quy định rất cụ thể về quản lý gỗ nhập khẩu, quản lý gỗ XK với yêu cầu phải đảm bảo tính hợp pháp; chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan hải quan. 

Những lô hàng hợp pháp sẽ được cấp giấy FLEGT, và khi có giấy FLEGT, cánh cửa vào EU sẽ rộng mở hơn bao giờ hết. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 10 năm 2020

Tuy nhiên, theo ông Điển, tác động của dịch Covid -19 theo dự báo còn kéo dài sang năm 2021 sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia lớn và của thế giới; nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa ngày càng gia tăng trong bối cảnh thuế nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam thấp hơn so với từ Trung Quốc XK sang Mỹ. Nguy cơ các DN bị kiện chống bán phá giá, trợ cấp ngày càng gia tăng.

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, Tổng cục Lâm nghiệp khuyến khích các DN tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản XK bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, khu vực; sử dụng nguyên liệu hợp pháp; ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Phấn đấu đưa giá trị XK lâm sản đạt từ 12,5 tỷ USD trong năm 2020 và đạt 18-20 tỷ USD vào năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem