Theo đó, từ đầu năm đến giữa tháng 3, toàn thành phố có 2.564 ca tay chân miệng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2020 (1.044 ca).
Số ca bệnh tăng ở mức báo động tại 21/24 quận, huyện; đặc biệt là quận 1, 4, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và thành phố Thủ Đức.
Tại phòng cấp cứu của Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, bé H.T.H.T. (3 tuổi) được chẩn đoán mắc tay chân miệng ở thể nặng. Theo chị Võ Thị Thủy, mẹ bé, 10 ngày trước, bé có triệu chứng sốt, nổi ban trong miệng; nghĩ con bị nhiệt miệng nên chị không đưa đi bệnh viện mà chỉ ở nhà điều trị, cho uống nước mát theo kinh nghiệm dân gian.
Tuy nhiên 3 ngày sau, bé bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, mệt mỏi, lừ đừ, tay chân nhức, nổi mụn nhiều ở miệng, không ăn được, chỉ uống sữa, chị mới đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Các bác sĩ cho biết bé T. bị tay chân miệng ở thể nặng, phải điều trị cấp cứu.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị cho 15 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó 1 trường hợp nặng đang được theo dõi tích cực. Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đang điều trị cho 18 trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp ở độ 3 (trẻ có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng), 3 trường hợp độ 2b, còn lại các trẻ đều ở giai đoạn bệnh 2a.
"Sự gia tăng về số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng, đặc biệt là số lượng các trường hợp tay chân miệng mức độ nặng rất đáng lo ngại và cần được cảnh báo trong giai đoạn học sinh đã trở lại trường như hiện nay", BS CK2 Dư Tuấn Quy, Quyền trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, từ đầu tháng 3 đến nay, số bệnh nhi mắc tay chân miệng tăng về số lượng lẫn bệnh nhân nặng. Khoa Nhiễm đã tiếp nhận 14 trường hợp, 3 bệnh nhi phải thở máy, sử dụng thuốc và điều trị tích cực.
BS CK2 Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Hiện, bệnh chưa có vaccine nên các phụ huynh cần phòng tránh bằng cách tăng cường bảo đảm vệ sinh cho trẻ. "Nếu không điều trị kịp thời và phù hợp, trẻ có thể mắc các di chứng não, di chứng về thần kinh nặng nề", BS Nam nói.
HCDC cho hay, tháng 3 và 4 là thời điểm số ca mắc bệnh tay chân miệng thường tăng cao khi trẻ trở lại trường học sau khi nghỉ tết.
Để kiểm soát bệnh này, HCDC yêu cầu các trường học cần tuân thủ thực hiện các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học. Đặc biệt lưu ý việc theo dõi, giám sát phát hiện sớm trẻ bệnh để cách ly kịp thời thông qua hoạt động điểm danh, ghi nhận những trường hợp nghỉ vì bệnh mỗi ngày.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần đề nghị phụ huynh thông báo rõ lý do nếu con em mình nghỉ học. Phụ huynh khi có con mắc bệnh hãy chủ động cho trẻ nghỉ học, thông tin đến nhà trường lý do trẻ nghỉ học.
Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng gia tăng báo động, Sở Y tế và HCDC đã xây dựng kế hoạch giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống bệnh tay chân miệng hằng tuần tại các quận huyện có số ca báo động.