Tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Mai Xuân Lâm (sinh năm 1989, thôn Minh Thành, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), đã có công việc ổn định tại một doanh nghiệp thi công công trình ở Hà Nội.
Clip: Mai Xuân Lâm (thôn Minh Thành, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) bỏ phố về quê nuôi chim bồ câu Pháp để thu lời 20 triệu/tháng.
Tuy nhiên, sau 5 năm làm việc ở thành phố, anh Lâm quyết định bỏ phố về quê làm theo đuổi nghề nuôi chim bồ câu Pháp. Với quyết định của chàng trai 8X đã khiến gia đình và bạn bè không khỏi bất ngờ. Thậm chí có người còn bảo anh Lâm "hâm, dở".
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Mai Xuân Lâm nói: "Để quyết định bỏ thành phố về quê nuôi chim bồ câu Pháp, tôi đã suy nghĩ rất nhiều ngày. Nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn phương án về quê nuôi chim bồ câu Pháp. Năm 2018, tôi vay tiền, nhận thầu mảnh đất rộng 3.000 m2 của xã Đông Quang (huyện Đông Sơn) để xây dựng chuồng trại nuôi chim bồ câu Pháp".
"Ban đầu tưởng nuôi chim bồ câu Pháp "ngon ăn", tôi đầu tư nuôi 600 đôi chim bồ câu giống. Ai ngờ chỉ sau ít ngày chim bồ câu chết khoảng 100 đôi. Tôi tìm hiểu mới biết chim bồ câu Pháp chết là do bị dịch bệnh. Giờ tôi đã có kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp cũng kinh nghiệm nuôi loài chim này rồi", anh Mai Xuân Lâm nói thêm.
Sau 3 năm nhân giống, đàn chim bồ câu Pháp của gia đình anh Mai Xuân Lâm đã có 1.300 đôi, bình quân mỗi tháng gia đình bán chim giống, chim thịt...lời khoảng hơn 20 triệu đồng.
Theo anh Mai Xuân Lâm, để nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao, khâu chọn giống quyết định khoảng 70% thành công. Chim bồ câu Pháp được chọn làm giống phải đảm bảo các yêu cầu như: Chim phải khỏe mạnh, lông mượt, lanh lợi, không có bệnh tật và dị tật.
Ngoài ra, việc xây dựng chuồng nuôi chim bồ câu Pháp phải đảm bảo độ sáng của ánh nắng mặt trời, khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ, yên tĩnh, tránh được gió lùa, mưa, chuột,... Đặc biệt, chuồng nuôi chim ấp trứng và chim sữa càng cần được yên tĩnh.
Nếu nuôi chim bồ câu Pháp nhốt theo kiểu ô chuồng thì mỗi ô chuồng là một đôi chim sinh sản. Nếu nuôi thả trong chuồng thì mật độ là 6-8 con/m2 chuồng. Khi được 28 ngày tuổi, chim non tách mẹ (giai đoạn về sau này được gọi là chim dò).
Do nuôi chim bồ câu Pháp với số lượng lớn, nên anh Lâm sử dụng cám công nghiệp trộn với hạt ngô để làm thức ăn cho chim. Với quy mô lớn, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Lâm được sử dụng máy ấp trứng để nhân giống.
Nói về điểm mạnh của biện pháp ấp trứng chim bồ câu bằng máy anh Lâm bật mí: "Thông thường, cứ 100 quả trứng bồ câu mang đi ấp sẽ nở khoảng 90 quả. Trường hợp ấp tự nhiên chỉ đạt 70 - 80 quả".
Cũng theo anh Lâm cho biết, so với các giống chim bồ câu khác, bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, có khả năng sinh sản đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4-5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 40 ngày chim mái sinh sản lứa tiếp theo...
Trong quá trình nuôi chim bồ câu pháp, cần chú trọng tới các đợt uống vắc-xin phòng bệnh, sử dụng các loại men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc phun khử trùng tại khu chuồng trại để giảm mùi hôi, tăng sức đề kháng cho chim.
"Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà hàng, quán ăn,…tiêu thụ chim cũng giảm mạnh, việc bán chim bồ câu Pháp cũng gặp khó khăn. Như trước kia mỗi tháng tôi bán chim giống, chim thịt lời khoảng 40 triệu đồng/tháng, nhưng giờ chỉ còn hơn 20 triệu đồng/tháng", anh Mai Xuân Lâm chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, xin liên hệ với anh Mai Xuân Lâm (thôn Minh Thành, xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), số điện thoại: 098.7977.434.