Ninh Thuận: Một xã của huyện Bác Ái nuôi hơn 11.400 con dê, cừu, xã đang lo dê, cừu mắc triệu chứng gì?

Thứ ba, ngày 30/03/2021 19:01 PM (GMT+7)
Theo thống kê, tổng đàn gia súc toàn xã xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) hiện có 22.457 con, trong đó: trâu, bò trên 3.750 con; dê, cừu trên 11.400 con và heo 7.301 con.
Bình luận 0

Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, từng bước giảm nghèo, những năm qua, xã Phước Trung (Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng bền vững.

Theo thống kê, tổng đàn gia súc toàn xã hiện có 22.457 con, trong đó: trâu, bò trên 3.750 con; dê, cừu trên 11.400 con và heo 7.301 con. 

Tuy số lượng đàn lớn, nhưng phần lớn người dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, chăn thả tự do, phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, nên khi mùa khô đến, cỏ tự nhiên không đủ cung cấp, tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra dẫn đến tổng đàn giảm.

Ninh Thuận: Một xã của huyện Bác Ái nuôi hơn 11.400 con dê, cừu, xã đang lo dê, cừu mắc triệu chứng gì? - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi cừu với 850 con đem về lợi nhuận mỗi năm gần 300 triệu đồng của gia đình anh Bùi Thanh Thu, thôn Đồng Dày, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Để đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, hàng năm, xã xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận tập trung tuyên truyền các hộ chăn nuôi chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.

Xã Phước Trung huyến khích hình thành các gia trang, gia trại với quy mô vừa; vận động người dân tận dụng tối đa các diện tích ven sông, suối để trồng cỏ; chuyển đổi cây trồng kém phát triển sang trồng thức ăn chăn nuôi khác như: Bắp, bo bo và các loại cây hoa màu. 

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêu độc khử trùng; hướng dẫn chăm sóc đàn gia súc cũng được chính quyền xã quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, tổng đàn luôn được duy trì, giá trị chăn nuôi tăng trưởng.

Từ sự hỗ trợ về nguồn vốn của các chương trình, dự án, người dân tiếp cận được vốn vay ưu đãi để phát triển và nhân rộng mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như: nuôi bò, cừu sinh sản; nuôi heo siêu nạc... 

Qua đó, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Đơn cử như chị Chamaléa Thị Hiệu, thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) năm 2011, được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chị mua 1 cặp bò sinh sản về nuôi, với lợi thế đất sản xuất rộng, chị trồng thêm 2 sào cỏ. Nhờ chủ động trong nguồn thức ăn và chăm sóc tốt, đến nay đàn bò đã tăng lên 18 con.

Ngoài ra, mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng đang phát triển ở địa phương với 3 trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Ninh Thuận. Cùng với đó là 7 trang trại cừu, 1 trang trại bò quy mô lớn và hàng chục trang trại vừa và nhỏ đã góp phần đưa đàn gia súc tăng cả về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), cho biết: Để tiếp tục duy trì và phát triển đàn gia súc, gắn với thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền người dân trồng và mở rộng diện tích cỏ chăn nuôi; chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa khô.

Đặc biệt, tuyên truyền nông dân chủ động nguồn thức ăn tinh cho gia súc; nâng cao chất lượng đàn gia súc; hỗ trợ các hộ chăn nuôi vay vốn phát triển sản xuất; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc các loại bệnh thường gặp trên đàn gia súc và nhân rộng các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Lê Tuấn (Báo Ninh Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem