Hai nhà sinh vật học đã tình cờ phát hiện ra các dấu chân này khi đang đi dạo trên bờ biển Matalascanas vào tháng 6 năm 2020, tại một cồn cát đã xói mòn vì mưa bão và triều cường. Song song, các nhà sinh vật học cũng tìm thấy di tích mà sau này được cho là hố nước của người Neanderthal ngày xưa, có niên đại 100.000 năm, rơi vào cuối kỷ nguyên Pleistocen.
Bãi biển Matalascanas, nằm giữa Huelva và Cadiz, là nơi mà tổ tiên của ngoài người hiện đại xưa kia có thể đã từng uống rượu, săn bắn, đánh bắt hải sản, thậm chí là cho con cái họ chơi đùa cùng với các loài động vật dưới nước.
Các nhà khảo cổ học từ ĐH Huelva cho biết đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tìm thấy dấu chân người Neanderthal trên bán đảo Iberia. Theo tác giả nghiên cứu Eduardo Mayoral, thời kỳ đầu rất khó có thể lần được dấu vết của chủng người này vì không còn xương để xác định niên đại, vì vậy họ phải dựa vào dấu chân và các "hồ sơ hóa thạch" khác.
Có ít nhất 87 dấu chân đã được tìm thấy, trong đó có 37 dấu chân đủ để phản ánh kích thước bàn chân người Neanderthal xưa, dài từ 13cm đến 28cm.
Họ thực hiện nghiên cứu các dấu chân thông qua các mô hình 3D và phân tích trầm tích chi tiết để mô tả đặc điểm của chúng cũng như môi trường mà chúng được tìm thấy. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng các dấu chân có gót chân tròn, vòm dọc, các ngón chân tương đối ngắn và ngón chân cái không đối nhau.
Điều này cho phép nhóm nghiên cứu tính toán được những người cổ đại ở khu vực "hố nước" cao từ khoảng 1m đến 1,83m, đa số trong số họ cao từ khoảng 1,2 đến 1,5m. Họ cũng dự đoán được trong số đó có 7 dấu chân trẻ em, 15 dấu chân thanh thiếu niên và 9 dấu chân của người lớn để lại, cùng với 2 dấu chân nhỏ nhất của trẻ 6 tuổi.
4 dấu chân dài nhất được cho là của người cao hơn 1,8m, cao hơn rất nhiều so với chiều cao trung bình của người Neanderthal nên có thể nó không chính xác, hoặc giả thiết khác là nó được tạo nên bởi nhiều dấu chân nhỏ hơn của trẻ em.
"Chúng giữ kỷ lục là những dấu chân của người Neanderthal cổ nhất thế giới thuộc kỷ nguyên Pleistocen", ông Mayoral nhận định. Ông nói: "Sự đa dạng về kích thước của dấu chân cho thấy sự tồn tại của một nhóm người ở các độ tuổi khác nhau nhưng số lượng người chưa trưởng thành lại chiếm ưu thế hơn".
Ông cũng cho biết thêm rằng nhờ vị trí của các dấu chân, họ có thể nghiên cứu được hành vi của nhóm người Neanderthal cổ xưa. Họ là những người săn bắn, hái lượm, nên sự hiện diện của các dấu chân là do thói quen di chuyển, tìm kiếm thức ăn, đánh bắt hải sản và vận chuyển lương thực.
Các phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Scientific Reports.