Theo Kết luận thanh tra của UBND tỉnh Quảng Ngãi (số 3923/KL-UBND, ngày 6/8/2015), từ năm 2007 – 2015, trên cương vị là Chủ tịch, kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp (Công ty Lâm nghiệp) Trà Tân, ông Lê Tiến Dũng đã để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Cụ thể từ năm 2007 - 2011, Công ty Lâm nghiệp Trà Tân triển khai trồng gần 619ha rừng tại 2 huyện Tây Trà và Trà Bồng (nay sáp nhập thành huyện Trà Bồng), gồm keo gần 475ha và 144ha cao su.
Trong đó riêng năm 2008 trồng 74,8ha cây keo tại 2 xã Trà Tân và Trà Bùi (huyện Trà Bồng), nhưng không có hồ sơ thiết kế thi công và dự toán theo quy định; rừng trồng không được chăm sóc và quản lý, dẫn đến 38,4ha rừng tại xã Trà Tân bị thiệt hại 100%; còn đất bị người dân chiếm dụng.
Từ năm 2009 - 2010, Công ty Lâm nghiệp Trà Tân chủ trương vay tiền cá nhân bên ngoài để sản xuất - kinh doanh nhưng không xin ý kiến của UBND tỉnh(chủ sở hữu) phê duyệt, không có hợp đồng vay vốn.
Hồ sơ tài chính của việc vay mượn chỉ thể hiện 4 phiếu thu với tổng số tiền là 1,3 tỷ đồng (của 4 cá nhân bên ngoài) và các phiếu thu tiền trên, không có chữ ký của người nộp tiền, mà chỉ có Kế toán trưởng và Giám đốc Công ty ký tên.
Tháng 2/2011, trong khi chưa được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Lâm nghiệp Trà Tân tự liên doanh ký kết hợp đồng với Cty TNHH Nam An Lộc, Bình Phước (Công ty Nam An Lộc) trồng 1.000ha cao su, với giá trị đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ trồng được 124ha cao su tại huyện Tây Trà và 20ha tại Trà Bồng.
Trước khi trồng Công ty Lâm nghiệp Trà Tân cũng không lập hồ sơ thiết kế, dự toán và kết quả 20 ha cao su tại Trà Bồng chết hoàn toàn, còn số diện tích tại Tây Trà sống tỷ lệ thấp.
Vào năm 2014, Công ty Lâm nghiệp Trà Tân ký hợp đồng khai thác 259ha keo tại xã Trà Phong (huyện Trà Bồng) với ông Nguyễn Tấn Mạnh (người địa phương) với giá 690.000 đồng/tấn, nhưng không thể hiện số lượng keo đã khai thác là bao nhiêu tấn; trong hồ sơ kế toán cũng không có khoản thu tiền từ bán keo.
Công ty Lâm nghiệp Trà Tân còn tự bán 7 loại tài sản với giá trị gần 834 triệu đồng, nhưng không đưa ra đấu giá công khai. Trong đó đáng chú ý là việc thanh lý xe ô tô hiệu Mitsubishi giá trị thẩm định còn lại 119 triệu đồng, nhưng chỉ bán 80 triệu đồng.
Trước hàng loạt sai phạm nêu trên, tháng 6/2016, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi đã thi hành kỷ luật ông Dũng bằng hình thức cảnh cáo.
Như Báo Dân Việt đã có loạt bài phản ánh, sau khi Công ty Lâm nghiệp Trà Tân bị dừng hoạt động, tháng 12/2016 tỉnh Quảng Ngãi có văn bản thống nhất giữ lại 3 người (trong đó có ông Dũng) để giải quyết các thủ tục liên quan; bảo vệ, quản lý tài sản của công ty nhưng không trả lương, phụ cấp gì.
Vì vậy ngày 18/3 vừa qua, ông Dũng đã có báo cáo gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cấp ngành liên quan của Quảng Ngãi kiến nghị, cho công ty đóng cửa và bàn giao toàn bộ đất đai, tài sản của công ty đã được thẩm định, cho Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi quản lý kể từ ngày 30/4. Cho ông Dũng được nghỉ hưu theo chế độ và luật định (hiện ông Dũng đã quá tuổi hưu 4 năm); giải quyết cho 1 lao động khác (ông Lê Hồng Dũng) nghỉ việc theo chế độ kể từ ngày 4/5.