Dân Việt

Con sắp thi mà ngồi học mất tập trung, cha mẹ phải làm thế nào?

Tào Nga 31/03/2021 14:32 GMT+7
Làm sao để con tập trung hơn khi học bài? Kỳ thi cuối năm học cũng không còn xa càng khiến các bậc phụ huynh thêm trăn trở.

Tình trạng con vừa học vài phút đã mất tập trung, ngọ nguậy lấy đồ nọ vật kia, xin đi vệ sinh, uống nước... diễn ra liên tục. Hoặc lúc nào bố mẹ cũng phải kè kè bên cạnh, nếu không là con lập tức làm việc riêng. Ở trên lớp thì con thường xuyên không hoàn thành bài tập, luôn căng thẳng trong mối quan hệ với các bạn. 

Đó là biểu hiện của chứng mất tập trung.

Những trẻ em mất tập trung dễ bị ảnh hưởng của môi trường bên ngoài, làm việc kém hiệu quả, khả năng tự kiểm soát và khả năng tự chăm sóc bản thân kém so với các bạn cùng trang lứa. Vậy cha mẹ nên luyện tập cho trẻ thiếu tập trung như thế nào?

5 bí quyết hạn chế sự mất tập trung cho con

Cô Lương Ngọc Anh, giáo viên tiểu học tại Hà Nội chia sẻ 5 bí quyết giúp con tăng khả năng tập trung khi học bài.

1. Hãy học cách thông cảm với con

Cho dù có nhiều lúc, con mất tập trung khiến ta cảm thấy nóng nảy và bực tức. Nhưng hãy bình tĩnh! Vì trẻ con không hề muốn vậy. Và người lớn chúng ta cũng còn nhiều lúc mất tập trung như thế.

Con sắp thi mà ngồi học là "ngọ nguậy", cha mẹ áp dụng cách rèn luyện khả năng tập trung hiệu quả sau  - Ảnh 1.

Cô giáo Lương Ngọc Anh.

2. Hãy cho con một góc học tập yên tĩnh và gọn gàng

Có rất nhiều bạn nhỏ sẽ bị mất tập trung bởi những âm thanh ồn ào xung quanh. Bố mẹ lưu ý để những đồ vật sặc sỡ ở xa tầm tay và tầm mắt của con, để con không bị thu hút, mất tập trung.

3. Hãy ngồi cùng con và hỗ trợ con khi con học

Khi có bố mẹ bên cạnh, các con sẽ cảm thấy an toàn, yên tâm hơn.

4. Hãy đặt ra những nhiệm vụ học tập cho con

Lưu ý là những nhiệm vụ này cũng cần phải vừa sức với khả năng của con. Bố mẹ cần căn chỉnh nhiệm vụ trong khoảng thời gian hợp lý và nhớ động viên, tặng thưởng kịp thời cho con khi con hoàn thành nhiệm vụ.

5. Cân bằng khoảng thời gian học và chơi của con

Cho bé chơi trong một khoảng thời gian thích hợp rồi nhắc nhở bé quay trở lại bàn học sẽ giúp độ tập trung của bé cao hơn…

Lưu ý thêm: Việc rèn sự tập trung cần làm trong một khoảng thời gian, lặp đi lặp lại nên bố mẹ cần kiên nhẫn và nhất quán với các phương pháp của mình. Nếu con chưa thực hiện được nhiệm vụ, bố mẹ không nên nổi nóng mà hãy động viên con. Khi một đứa trẻ được khích lệ, sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành được nhiệm vụ của mình.

Trò chơi rèn luyện làm giảm sự mất tập trung

Ngoài các phương pháp trên của cô giáo Lương Ngọc Anh, bố mẹ thử áp dụng các trò chơi sau đây cùng con.

1. Giả vờ như người gỗ

Để trẻ ngồi trên chiếu với hai chân lưng thẳng, giữ cơ thể thẳng, mắt nhắm, cơ mắt được thư giãn tự nhiên, ngồi trong 5 phút không lắc, không động đậy không chớp mắt, giả vờ mình là người gỗ. Thời gian sau, trẻ quen rồi có thể thêm khó khăn hơn như đặt một cái cốc hay một cuốn sách lên đầu, hoặc mở mắt nhìn tập trung vào một điểm. Thời gian có thể kéo dài thêm 10 phút. 

Con sắp thi mà ngồi học là "ngọ nguậy", cha mẹ áp dụng cách rèn luyện khả năng tập trung hiệu quả sau  - Ảnh 2.

Cùng con chơi một số trò chơi sẽ giúp con tăng khả năng tập trung.

2. Ngồi như đồng hồ

Ngồi trên ghế, mắt nhắm lại tập trung sự chú ý âm thanh, chú ý lắng nghe âm thanh nào xung quanh mình. Những âm thanh này đến từ đâu? Các đặc điểm của những âm thanh này là gì?

3. Trò chơi diễn tập

Cho trẻ xem sách vẽ trong vòng 15 phút hoặc kể chuyện rồi yêu cầu trẻ lặp lại theo yêu cầu. Để tránh cho việc trẻ không chịu tập trung, bạn chỉ cần yêu cầu trẻ dựa trên bức tranh đó hoặc câu chuyện đó mà linh hoạt sắp xếp để kể lại. Bạn có thể đặt một vài câu hỏi lớn, yêu cầu trẻ vẽ lại những hình ảnh trẻ vừa nghe thấy - nhìn thấy, hoặc có thể diễn lại trẻ sẽ dần dần hiểu được yêu cầu cần thiết của sự tập trung.

4. Phương pháp Schulte (luyện tập sự tập trung chú ý và cao độ của thị giác)

Trong một bảng có 25 ô vuông nhỏ, điền các số 1-25 đã được xáo trộn, sau đó bằng tốc độ nhanh nhất vừa đọc số vừa chỉ ra số. Trẻ em từ 7-8 tuổi tìm các chữ số theo biểu đồ từ 30-50 giây, người lớn nhìn thấy biểu đồ trong khoảng từ 25-30 giây.

5. Loại bỏ số lượng hoặc ký hiệu (huấn luyện sự kiên trì tập trung chú ý)

Ví dụ cho trẻ một dãy số nhìn kỹ và khoanh tròn số thứ 2 sau số 5

27568456954321548655792574358946743259875638578902315

6. Sắp xếp hạt, ghim chuỗi

Chuẩn bị các hạt và dây, xâu các chuỗi hạt vào nhau, ghi nhớ thời gian và xâu chuỗi các hạt càng nhiều càng tốt trong thời gian được định trước.

7. Trò chơi kẹp quả bóng thủy tinh

Chuẩn bị quả bóng thủy tinh và đôi đũa, dùng đũa gắp bóng cho vào hộp, ghi nhớ thời gian, trẻ càng chơi lâu càng tốt.

8. Lắng nghe đồng hồ báo thức

Chuẩn bị một cái đồng hồ báo thức, im lặng lắng nghe tiếng tích tắc của nó và âm thầm đếm trong đầu. Ngày thứ nhất đếm đến 10, ngày thứ hai đếm đến 15, ngày thứ ba đếm đến 20, ngày thứ tư đếm đến 25, ngày thứ năm đếm đến 30, mỗi ngày đếm như thế 8 lần theo chu kỳ 5, 6 ngày liên tiếp. Cách tập luyện như thế giúp nâng cao khả năng chú ý. Nếu tuân thủ theo vài chu kỳ hiệu quả sẽ rõ ràng hơn.