Điều đã vào mùa thu hoạch trên khắp các cánh đồng miền Đông Nam bộ. Không khó để bắt gặp không khí chán nản vì thêm một vụ mùa điều nữa thua sút. Nhiều người đổ lỗi cho mưa trái mùa mà "né" đi những nguyên nhân khác. Trong đó có nguyên nhân do chính người trồng đang làm cho năng suất điều sụt giảm.
Ông Đặng Phước Thiện ở xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) kể, những năm trước, từ đầu tháng 2 các vườn điều đã bắt đầu cho thu hoạch, tới tháng 3 điều thì chín rộ. Năm nay, cây điều đang ra bông thì gặp mưa trái mùa, sương mù, khiến nhiều vườn điều khô bông, không kết trái.
Vụ thu hoạch điều năm nay vì thế trễ hơn cả tháng so với thường lệ, năng suất cũng giảm hơn 30%. Năm ngoái, ông Thiện thu hoạch khoảng 50kg/ngày, nhưng nay chỉ thu còn 30kg/ngày. "Vụ trước, tôi thu được khoảng 2 tấn thì năm nay sản lượng toàn vườn ước đạt chỉ còn 1 tấn", ông Thiện cho hay.
Huyện Châu Đức là một trong những vùng trồng điều lớn nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với 1.850ha. Theo ông Đỗ Chí Khởi - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, diện tích trồng điều của huyện liên tục giảm mạnh. Phần lớn là do nhiều vườn điều già cỗi, khiến năng suất giảm. Bên cạnh đó, giá bán những năm gần đây giảm thấp, nông dân cũng không mấy mặn mà với cây điều nên chặt bỏ.
Huyện Châu Đức đang hỗ trợ nông dân tìm một số giống điều mới phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. "Đồng thời khuyến cáo các nông hộ không tiếp tục tái đầu tư cây điều vào những vùng đất cằn cỗi, kém hiệu quả", ông Khởi nói.
Huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) có trên 2.400ha điều tập trung chủ yếu tại các xã Long Giao, Bảo Bình, Xuân Bảo… Bước vào vụ thu hoạch điều năm nay, nhiều hộ dân trồng điều ở đây cũng không mấy vui vẻ.
Ông Nguyễn Văn Đổi, hộ trồng điều xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) cho biết, cây điều tuy dễ trồng, có khả năng thích nghi ở nhiều loại địa hình. Nhưng để cây điều cho năng suất cao thì phải đảm bảo nguồn nước, và đúng đặc trưng địa lý.
Từ niên vụ năm 2010-2011, điều trúng mùa, trúng giá. Những năm gần đây, cây điều liên tiếp gặp khó. Đến nay thì năng suất, giá cả hạt điều cùng rớt. Tuy nhiên, vùng đất dốc, khô cằn xã Long Giao khó phát triển các loại cây trồng khác, chỉ hộ dân nào có tiền mới khoan giếng, cải tạo lại đất, hoặc chuyển đổi cây trồng.
Các nông hộ ít vốn đầu tư sẽ ngại chuyển đổi. Họ cứ giữ cây điều lại thu hoạch mà không dám cưa đi vì sợ không có khoản thu nào trong thời gian trồng lại cây mới. Nhưng càng giữ lại, những vườn điều cho thu hoạch kém, cuộc sống càng bị ảnh hưởng. "Thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, nông dân trồng điều càng vất vả do liên tiếp mất mùa", ông Đổi nói.
Ở kế bên huyện Cẩm Mỹ, huyện Xuân Lộc là địa phương có diện tích điều nhiều nhất tỉnh Đồng Nai, với gần 9.000ha. Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết, cây điều trên địa bàn phần lớn được trồng bằng các giống điều cao sản như: PN1, AB29, AB05-08.
Mùa vụ năm nay trên địa bàn huyện Xuân Lộc ít sâu bệnh, cây điều ra bông, đậu quả rất tốt. Mặc dù giá cả thấp hơn năm trước, nhưng bù lại năng suất cao hơn và chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật cũng ít hơn. Nhiều nông dân hi vọng sản lượng tăng sẽ giúp bù đắp lại giá bán điều thấp.
Tương tự, tại xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), người trồng điều ở đây đang phấn khởi vì vụ điều năm nay đạt năng suất cao hơn năm trước. Trung bình 1ha điều ghép 5 năm tuổi ở xã Sơn Mỹ có thể đạt từ 1-1,2 tấn/ha; tăng 4 tạ/ha so với năng suất vụ 2020. Trong số gần 300ha điều ở xã Sơn Mỹ, hiện có 220ha điều đang sản xuất theo quy trình hữu cơ được chứng nhận Organic để xuất khẩu sang châu Âu.
Trong khi đó, cũng ở Bình Thuận nhưng ông Bùi Văn Dũng ở xã La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết vườn điều 1ha của mình năm nay chỉ thu được chừng 2 tạ. Theo ông Dũng, năm nay, nhiều nơi trở lạnh thất thường. Nhiệt độ thấp kèm theo sương rơi cục bộ, khiến không ít vườn điều chậm ra hoa, đậu trái ít.
Còn theo ông Lê Văn Hướng – Chủ tịch Hội Nông dân xã La Dạ cho biết, toàn xã có 500ha điều. Trong số này, phần lớn là điều trên 10 năm tuổi, cây đã già cỗi. Hàng năm, sau khi thu hoạch, nhiều người dân bỏ mặc, không chăm sóc, cắt tỉa, bón phân, tưới nước để cây phục hồi.
Tháng 11, điều bắt đầu ra hoa. Mặc dù vào đúng mùa khô, nhưng phần lớn người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không tưới nước và áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho cây ra hoa tập trung.
Ông Hướng cho biết, cây điều nếu được chăm sóc tốt sẽ đạt năng suất bình quân từ 1,5–2 tấn/ha. Vì chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất điều ở đây đạt thấp, sản lượng chỉ dao động từ 2-3 tạ/ha.
Thống kê từ Sở NNPTNT tỉnh, Bình Thuận có hơn 17.000 ha điều. Trong đó, có trên 15.000ha đang trong thời kỳ thu hoạch với năng suất bình quân đạt 6,5-7 tạ/ha.
Năng suất điều Bình Thuận còn thấp vì phần lớn diện tích điều trước đây được trồng bằng hạt và không qua tuyển chọn. Nông dân chưa đầu tư thâm canh đúng quy trình nên năng suất và sản lượng cây điều chưa đạt như kỳ vọng.
Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ giá cây giống điều mới có năng suất, chất lượng cao; có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng thời tiết cực đoan. Cùng với đó là chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật cho người trồng, nhất là cho đồng bào ở các xã miền núi khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Tấn, để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Bình Thuận đã có chủ trương trồng tái canh và cải tạo giống trên 12.000ha điều, để nâng cao năng suất, chất lượng trong tỉnh.