Dân Việt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân

Khánh Nguyên 02/04/2021 11:16 GMT+7
Sáng nay 2/4, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ dành cho vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Lần đầu tiên Thủ tướng đối thoại với nông dân: Tháo gỡ nhiều vấn đề "nóng"

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần đầu tiên được tổ chức tại Hải Dương vào tháng 4/2018.

Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân là sự kiện do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao báo Nông thôn ngày nay/Dân Việt là đơn vị tổ chức thực hiện.

Sự quan tâm, sát sao của người đứng đầu Chính phủ với nông nghiệp, nông dân, nông thôn không chỉ ở những giải pháp trước mắt và lâu dài được đề cập đến trong hội nghị về mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp mà còn tháo gỡ ngay những điểm nghẽn ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của nông dân.

Dấu ấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời các câu hỏi tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất tổ chức tại Hải Dương - Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Trả lời câu hỏi của nông dân về vấn đề nông sản "được mùa, mất giá", nông dân Hải Dương chặt bỏ su hào, nông dân ngoại thành Hà Nội nhổ củ cải cho bò ăn, tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chúng ta phải bán thứ thị trường cần, tìm mặt hàng thị trường đang có nhu cầu để sản xuất chứ không phải chỉ ào ào đi trồng và bán thứ anh có".

Thủ tướng cũng yêu cầu phải liên kết 6 "nhà": nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà băng, nhà khoa học, nhà phân phối và nhà nước để phát triển nông nghiệp bền vững.

Cho rằng khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều, chủ yếu liên quan đến sử dụng, thu hồi đất, Thủ tướng nhấn mạnh cần làm tốt hơn công tác này, nhất là tăng cường đối thoại, để giữ gìn bình yên ở nông thôn.

“Chủ tịch tỉnh, Chủ tịch huyện, xã phải dành thời gian đối thoại với nông dân, chứ không chỉ Thủ tướng và các Bộ trưởng, để giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân, giải thích, giải đáp cho người nông dân về chủ trương, chính sách của chúng ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với nông dân tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất tại Hải Dương.

Được biết, ngay sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ nhất, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 6158/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tháo gỡ ngay những vướng mắc cho nông dân.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT xây dựng chương trình thương hiệu nông sản chủ lực; Bộ Công Thương chỉ đạo hệ thống thương vụ tại nước ngoài đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại các quốc gia; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013,...

Đặc biệt, các bộ ngành liên quan đã ngay lập tức lập đoàn công tác, làm việc trực tiếp 2 nông dân ở Bắc Giang và Long An về những vấn đề họ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị để giải quyết tâm tư, nguyện vọng của họ.

Dấu ấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện các ngành chức năng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 2 tại TP.Cần Thơ, ngày 10/12/2019.

Thủ tướng đối thoại với nông dân về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

Lần thứ 2 đối thoại với nông dân tại TP.Cần Thơ ngày 10/12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành nhiều thời gian bàn về sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.

"Hiện nay, biến đổi khí hậu đang diễn ra rất nặng nề, nhất là ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL, những giải pháp nào có thể phát huy lợi thế của bà con nông dân, đặc biệt là vùng ĐBSCL. Không có khoa học công nghệ, đổi mới giống chịu hạn, chịu mặn, không thay đổi cơ cấu mùa vụ thì làm sao giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn. Nhà nước quan tâm rồi, nhưng người nông dân phải tự đổi mới" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu vấn đề.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ trương phát triển Đồng bằng sông Cửu Long là lấy con nguời làm trung tâm, giảm khoảng cách giàu - nghèo; chú trọng chất lượng hơn số lượng. Xác định biến đổi khí hậu, nước biến dâng là xu thế tất yếu, phải thích nghi, biến thách thức thành thời cơ.

Về thị trường, các bộ ngành cần có dự báo, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường, yếu tố đầu vào như vốn, vật tư nông nghiệp. Những cảnh báo về dịch bệnh, môi trường ở nông thôn là vấn đề rất lớn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân - Ảnh 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gian hàng đặc sản của nông dân TP.Cần Thơ tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 2.

Bà con cũng nêu cần giảm diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch. Năm nay chúng ta đã giảm 500.000ha đất trồng lúa, và chúng ta giảm diện tích để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Cần tiếp tục rà soát các loại thủ tục liên quan đến hỗ trợ của người nông dân, như thủ tục vay vốn, là vấn đề cần được quan tâm.

"Đất nước ra cần một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún nhỏ lẻ để phát triển nông nghiệp. Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Dấu ấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân - Ảnh 3.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3, ngày 28/9/2020 tại Đắk Lắk.

Thủ tướng đối thoại với nông dân miền Trung - Tây Nguyên để khai thác "mỏ vàng" nông nghiệp

Lần thứ 3 Thủ tướng đối thoại với nông dân tại "thủ phủ" Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk ngày 28/9/2020, người đứng đầu Chính phủ và các bộ ngành, cùng nông dân đi tìm câu trả lời để làm sao khai thác "mỏ vàng" nông nghiệp của khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khuyên bà con vẫn tiếp tục trồng cà phê, vì cà phê Việt Nam quý như "vàng ròng" nên phải gìn giữ. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng.

Theo Thủ tướng, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu, hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó quy hoạch vùng trồng nơi nào phu hợp nhất. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên.

"Tôi phải nói rằng, trong những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Ví dụ như trong năm nay, chúng ta khánh thành 15 nhà máy chế biến nông sản. Trong đó, có nhà máy chế biến thịt gà đứng vào top lớn nhất thế giới, hay như nhà máy chế biến rau quả cũng nhất nhì thế giới…Dù vậy, dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn" - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân - Ảnh 6.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thăm gian hàng nông sàn của nông dân Tây Nguyên tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đắk Lắk.

Cũng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3, một lần nữa sự quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ lại được thể hiện rõ. 

"Thách thức càng lớn, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tam nông ngày càng mạnh mẽ, cũng như quyết tâm của người nông dân càng cao.

Hiện nay nước ta còn 65% dân số sống ở vùng nông thôn, nhiệm vụ phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống bà con ấm no hạnh phúc chính là quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước; tiến trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới phải theo hướng phát triển bền vững, hài hoà, theo nền kinh tế thị trường" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cũng theo Thủ tướng, khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, cũng chính là khát vọng của những người nông dân Việt Nam. Nếu 65% bộ phận người dân nông thôn không phát triển, đời sống không được nâng cao, thì đó chưa phải là hùng cường.

Nông nghiệp là mỏ vàng, nhưng nếu không biết khai thác thì mỏ vàng cũng bị cạn kiệt. Do đó cần gắn với phát triển đa dạng sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, đặc biệt là bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Thủ tướng lưu ý các thông tin về thị trường, nhất là những khu vực mà nước ta đang có hiệp định thương mại. Hiểu biết về quy luật thị trường để sản xuất phù hợp, tiêu thụ thuận lợi.

Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ tốt hơn nữa đối với bà con trong việc sản xuất, học tập, tự làm giàu cho mình và xã hội. Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT có chính sách đẩy mạnh chế biến, nhất là ở những vùng sản xuất lớn, giúp ổn định tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 3 lần trực tiếp đối thoại với nông dân - Ảnh 7.

Nông dân trực tiếp đặt câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tại Đắk Lắk.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đi liền với đó là quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, các bộ ngành, nhất là Bộ NNPTNT tiếp tục hướng dẫn bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.

Các đồng chí lãnh đạo địa phương cần thường xuyên đối thoại với bà con nông dân; với các cấp Hội Nông dân để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của bà con, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Đề nghị Bộ Công Thương tham gia tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, triển khai tốt các Hiệp định CPTPP, EVFTA…

Các bộ ngành khác theo chức năng nhiệm vụ của mình bám sát các vấn đề bà con nông dân đưa ra để có giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm lãi suất, giúp bà con vay vốn thuận lợi.

Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam, với vai trò là nòng cốt của lực lượng nông dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và bà con để kịp thời giải quyết vướng mắc, ví dụ như vấn đề dạy nghề, tạo việc làm,…

Chính phủ cần mở các kênh lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp, kiến nghị của nông dân, giúp bà con phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống, xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp.