Đại đức Đinh Hoàng Sự, trụ trì chùa Sung Đinh cho biết: Sở dĩ chùa có nhiều tên như Ngã Tư vì nằm cạnh ngã tư đường tỉnh lộ; chùa Cột Đèn vì cạnh chùa có nhiều cột viễn thông của ngành bưu chính viễn thông; chùa Sung Đinh vì địa phận này trước đây là làng Sung Đinh ( nay thuộc phường 4, TP Sóc Trăng).
Đại đức Đinh Hoàng Sự cho biết thêm, tên chính thức của chùa là Paem Buôl Thmây ( theo tiếng Kh'mer Paem Buôl có nghĩa là ngã tư, Thmây có nghĩa là mới).
Ngôi chùa trên có tuổi đời còn rất trẻ so với các ngôi chùa Khmer khác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ( xây dựng năm 1964).
Trụ trì đầu tiên của chùa là hòa thượng Thạch Dêl. Tuy nhiên phật tử đến đây hành lễ rất nhiều bởi không phải đi xa đến các chùa nội ô TP Sóc Trăng như trước. Cùng với đó không khí miền quê rất mát mẻ, trong lành, yên tịnh, lại rất thuận lợi đi lại bằng đường thủy lẫn đường bộ.
Bà Thi Thuôn, ngụ phường 4, TP Sóc Trăng cho biết: "Trước đây bà con người Khmer chúng tôi phải hành lễ khá xa từ 5 đến 7 km. Từ khi có chùa Paem Buôl Thmây mọi việc đi lại, hành lễ thuận lợi hơn, cảnh quan ở đây rất đẹp, thư thái, bình yên không ồn ào...".
Do điều kiện kinh phí khó khăn, đời sống phật tử chưa thật phát triển nên nhiều năm qua, cơ sở vật chất của chùa Paem Buôl Thmây như chánh điện, tăng xá và các công trình phụ khác đã xuống cấp nghiêm trọng.
Trước tình hình trên, trụ trì chùa đã phát tâm kêu gọi sự hỗ trợ từ các tấm lòng nhân ái gần xa, trong và ngoài nước để xây dựng mới ngôi chùa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của phật tử.
Chúng tôi tìm đường đến chùa, ông Thạch Tung, ngụ phường 1, TP Sóc Trăng vui vẻ kể: "Mấy chú cứ hỏi đường về chùa Thái Lan ở Sung Đinh thì ai cũng biết, còn hỏi tên chùa Paem Buôl Thmây thì người biết, người không. Chùa mới xây dựng đẹp, hoành tráng theo phong cách Thái Lan".
Theo lời kể của trụ trì chùa, ông đã nghiên cứu rất nhiều mô hình xây dựng sao cho chùa khang trang nhất, đẹp và mới lạ nhất những vẫn giữ được nét tinh túy hồn cốt của văn hóa Kh'mer vốn có.
Từ đó ông đã đưa ra nhiều mô hình theo nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar...để lấy ý kiến đóng góp của các vị sư sãi, phật tử trong và ngoài nước. Sau cùng đã đi đến thống nhất chọn phương án xây dựng chùa theo phong cách Thái Lan như hiện nay.
Clip: Chùa Peam Buol Thmay vào ban đêm quá đẹp từng góc nhìn. Nguồn clip: Youtuber Trường Dương: https://www.youtube.com/watch?v=qgwVGTiLSv0
Sala của chùa được khởi công xây dựng vào tháng 10/2016 với kinh phí hơn 2 tỷ đồng, qua 14 tháng thì được hoàn công đúng vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Ngôi sa la có kiến trúc thanh thoát và tao nhã với màu sơn trắng nền nã, các họa tiết sơn nhũ vàng tạo nên sự sang trọng, tăng thêm phần trang nghiêm cho nơi cửa phật.
Tiếp đến là việc xây dựng và hoàn thành khu tăng xá với kính phí trên 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa trong phật tử và sự đóng góp của các tấm lòng vàng trong và ngoài nước và đã đưa vào hoạt động dịp tết nguyên đán 2021.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tăng xá nầy có 3 tầng, được thiết kế rất hài hòa, tao nhã từ toàn bộ các bộ cột, lối đi, cầu thang, trần nhà, vách tường, hành lang và có rất nhiều tranh ảnh, hình tượng biểu trưng cho nền Phật giáo Thái Lan lẫn Khmer Nam bộ.
Những con rồng trang trí hành lang và trên nóc mái cũng được tạo hình uốn lượn, sừng mũi rồng cong, dài và mềm mại hơn. Bên trong sa la cũng được bày trí đơn giản với tượng thờ chính là tượng Phật Thích Ca theo phong cách tạc tượng Phật giáo Thái Lan.
Tường trong sa la cũng được sơn màu trắng, điểm xuyết các họa tiết kỉ hà hình thoi sơn nhũ vàng tạo nên sự đồng nhất phong cách ngoại thất và nội thất của sala. Đặc biệt là các hoa văn, họa tiết đều rất tinh xảo do các nghệ nhân đến từ An Giang thực hiện trong thời gian 3 năm.
Khi chúng tôi đến dù đang trong mùa dịch bệnh Covid – 19 nhưng đã có rất nhiều du khách từ các nơi đến tham quan, tìm hiểu với sự thích thú và ngạc nhiên rất lớn.
Em Võ Thị Huỳnh Như, sinh viên trường đại học Trà Vinh cho biết: " Đây là lần đầu em và các bạn đến đây để thấy tận mắt ngôi chùa quá đẹp, tao nhã, hoành tráng đến vậy. Nhà chùa còn tuyên truyền mọi người thực hiện tốt các biện pháp để vừa phòng chống dịch lại vừa tha hồ quay phim, chụp ảnh lưu niệm. Em nghĩ sẽ còn nhiều du khách đến đây bởi sự cuốn hút rất độc đáo của ngôi chùa độc, lạ này".