Suốt hơn 100 trăm năm qua, ngư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thờ phụng 2 bộ xương cá voi có kích thước dài 26 mét, vào hàng lớn nhất Việt Nam mà người dân nơi đây tôn kính gọi là đức Ông, đức Bà.
Hai bộ xương cá voi khổng lồ được thờ tại Ngư Linh miếu, xã Cảnh Dương.
Clip: Làng biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) thờ 2 bộ xương cá voi cổ và to lớn nhất Việt Nam. Người dân nơi đây gọi là đức Ông, đức Bà.
Theo gia phả của một dòng họ lớn ở Cảnh Dương, 2 bộ xương cá voi khổng lồ này có thể xuất hiện từ đời vua Gia Long (1809) và vua Duy Tân (1907).
Cụ thể, gia phả Tây Trung Họ Trương (Còn gọi là Trương Trung Tây gia phả) có đoạn viết: "Năm Kỷ Tỵ (1809), đời Gia Long thứ 9, Đức Bà vào, các dòng họ trong làng tổ chức đón linh đình. Năm Đinh Mùi (1907), đời Duy Tân thứ 16, Đức Ông vào, các dòng họ tổ chức đón linh đình".
Quan sát của PV Dân Việt, bên trong ngôi miếu thờ 2 bộ xương cá voi kích thước lớn, được đặt trên sạp gỗ phía hai bên, chính giữa có nhiều bát hương thờ đức Ông, đức Bà.
Trên sạp gỗ có nhiều xương sườn, cùng xương đốt sống, xương ống, xương hình cánh quạt, đáng chú ý, có 4 thanh xương hình cánh cung, đặt dựng vào tường, cao hơn 4m.
Ông Hồ Quang Hường - Phó Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương (người quản lý Ngư Linh miếu) nói: “Hai bộ xương cá voi được chúng tôi bảo quản cẩn thận. Trải qua thời gian, ảnh hưởng trong chiến tranh và nhiều lần bị mất trộm nên 2 bộ xương còn lại không nhiều”.
“95% người dân trong xã hàng trăm năm nay làm nghề đánh bắt hải sản, xem Ngư Linh Miếu là linh hồn của người dân xứ biển. Vì vậy, Ngư Linh miếu thờ đức Ông, đức Bà luôn hương khói, thờ phụng, cầu mong đánh bắt thuận buồm, xuôi gió. Ngư Linh miếu như hồn của làng biển...”, ông Hồ Quang Hường cho hay.
Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Tiếp – Chủ tịch Hội Ngư dân xã Cảnh Dương, cho biết, làn điệu chèo cạn Cảnh Dương được lấy cảm hứng từ phong tục tôn thờ cá voi. Nếu như Ngư Linh miếu là hồn làng biển thì hò chèo cạn chính là đời sống tinh thần của người làng biển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiếp, chèo cạn là buông neo, khua nước, đẩy thuyền một cách nhuần nhuyễn ở trên cạn. Gốc gác của hò chèo cạn thuật lại sự tích và ý niệm biết ơn đức Ông, đức Bà chiếu cố chọn làng chài Cảnh Dương để “lụy”, để ngự.
"Đức Ông, đức Bà muôn thuở hiển linh
Đến năm Canh Tý thái bình
Đức Bà tuổi thọ gặp dân rước về
Hiển linh hộ kẻ làm nghề
Có rày lướt được mọi bề ấm no
Năm Mậu Thân đức Ông vô
Thành tâm phụng sự ngài cho dân tình
Nay mừng tứ tiết Mậu Thân
Trời sinh thánh thượng Duy Tân trị vì
Hà thanh hải yến bốn bề
Ngư ông thượng thọ trở về cõi tiên…”.
Trên đây là những câu hát trong hò chèo cạn thường diễn ra ở Ngư Linh miếu, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Hò chèo cạn còn là lời khấn nguyện, mong cầu trời yên biển lặng, ăn nên làm ra: “Dân tôi vào lộng ra khơi/Bà cho sở vọng thuận thời làm ăn”.
Sau những lời nguyện cầu còn là điệp khúc hát ca, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, về những ngư phủ yêu lao động, yêu biển, xem trùng dương là quê hương, là máu thịt: “Cảnh Dương, Cửa Cẩm lạch nhà/Ghe thuyền buôn bán vui đà, quá vui”.
“Hò chèo cạn lấy cảm hứng từ đức Ông, đức Bà, những vị thần trợ giúp công việc lưới chài nên lúc nào cung điệu cũng ngân vọng giai thanh trầm hùng của biển sóng và chan chứa niềm tin vào cuộc sống”, ông Nguyễn Ngọc Tiếp nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tiếp – Chủ tịch Hội ngư dân xã Cảnh Dương nói: Giai đoạn trước, hai bộ xương cá voi được thờ tại nhà truyền thống của xã. Sau đó, người dân thấy không phù hợp nên năm 2013 góp tiền xây dựng Ngư Linh Miếu và rước đức Ông, đức Bà về đó thờ.
Hàng năm, tại Ngư Linh Miếu, người dân biển Cảnh Dương đều tổ chức Lễ hội Cầu ngư vào ngày rằm tháng Giêng, với mong muốn đức Ông, đức Bà phù hộ cho những con tàu của người dân nơi đây ra khơi đánh bắt được thuận buồm, xuôi gió.
Trong chương trình lễ hội, sau nghi lễ tế cúng thần linh, tế cúng thành hoàng là các hoạt động vui chơi, thể thao, văn nghệ như: Đua thuyền, đá bóng, đấu vật... rất sôi nổi.
Trong lễ hội Cầu ngư, hàng nghìn người dân ở xã Cảnh Dương còn đua nhau mang lễ vật là những sản vật trong cuộc sống hằng ngày để dâng lên đức Ông, đức Bà với hi vọng hai vị “thần cá” sẽ mang lại cho họ một mùa biển đầy ắp cá tôm và thật nhiều may mắn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiếp, lễ hội Cầu Ngư ở Cảnh Dương cùng nhiều xã ven biển khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Cầu ngư đã trở thành hoạt động văn hóa dân gian hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng và tác động sâu sắc đến việc bám biển, mưu sinh của ngư dân vùng biển Quảng Bình.
"Cầu ngư ở Cảnh Dương là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người dân vùng biển. Lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước. Đây cũng là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, động viên ngư dân tích cực ra khơi đánh bắt hải sản, hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc", ông Nguyễn Ngọc Tiếp cho biết.
Làng biển Cảnh Dương có gần 400 năm hình thành và phát triển. Làng giàu truyền thống khoa bảng, địa linh nhân kiệt, đồng thời là làng chiến đấu nổi tiếng thời chống Pháp với khẩu hiệu "rào làng chiến đấu". Làng biển Cảnh Dương đã 2 lần được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.