Quảng Bình: Người phụ nữ 20 năm tình nguyện trông mộ cá Ông
Quảng Bình: Người đàn bà 20 năm tình nguyện trông mộ loài cá thiêng khổng lồ
H. Hồng Lam - Trung Thuần
Thứ sáu, ngày 25/09/2020 09:07 AM (GMT+7)
Làng biển Cảnh Dương - một trong bát danh hương (làng cổ nổi tiếng) của tỉnh Quảng Bình nơi có những câu chuyện ly kỳ về "Cá Ông", loài cá thiêng được người dân nơi đây tôn kính thờ phụng, xây cất mộ phần.
Ngư dân tại nhiều vùng biển Việt Nam, "Cá Ông" được xem là loài cá thần luôn chở che và bảo vệ ngư dân trước những hoạn nạn trên biển. Với tâm niệm đó họ luôn thể hiện sự yêu thương, kính trọng đến loài cá này.
Đến làng biển xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) hỏi về Ngư Linh Miếu, nơi đang thờ tự Đức Ông, Đức Bà (cá voi) sẽ được người dân niềm nở hướng dẫn đường tìm đến thôn Đông Cảng để chiêm ngưỡng 2 bộ xương "Cá Ông" khổng lồ, có tuổi đời hàng trăm năm đang được thành kính thờ phụng.
Người dân tại Cảnh Dương cũng không thể biết chính xác tuổi đời của hai bộ xương "Cá Ông" được thờ tại Ngư Linh Miếu. Theo gia phả "Tây Trung Họ Trương" hay còn gọi là "Trương Trung Tây Gia Phả" thì "cá bà" (cá voi cái) dạt vào vùng biển này năm vua Gia Long thứ 9 tức năm Kỷ Tỵ (năm 1809) còn "Cá Ông" (cá voi đực) dạt vào năm Đinh Mùi (năm 1907) đời vua Duy Tân thứ 16. Cá thiêng được ngư dân xây miếu rồi nối tiếp nhau thờ cúng từ đó.
Bên trong ngôi miếu nhỏ có hai bộ xương "Cá Ông" kích thước "khủng" với chiều dài thân cá ước tính hơn 20m. Diện tích không đủ nên xương cá được sắp thành hai đống đặt trên sạp gỗ ở hai bên, chính giữa là ban thờ.
Nhìn bốn khúc xương hàm của "Cá Ông", "Cá Bà" có chiều dài khoảng 5m được dựng vào tường đã gần chạm nóc miếu mới cảm nhận được sự to lớn của hai cá thiêng. Cùng với đó là rất nhiều xương sườn, cùng xương đốt sống, xương ống, xương hình cánh quạt...
Ông Hồ Quang Hường - Phó Chủ tịch Hội ngư dân Xã Cảnh Dương, cho biết: "Ngư Linh Miếu là nơi đông đảo ngư dân cúng lễ cầu xin sự bình an. Cứ trước mỗi chuyến biển ngư dân lại đến miếu thắp hương, những ngày đầu tuần trăng, rằm hay mùng một miếu đều được mở cửa'.
Khó khăn khác của địa phương này trong công tác bảo quản 2 bộ xương "Cá Ông" đó là do tác động của thời tiết, thời gian nên xương cá có hiện tượng hư hỏng. Hằng năm, địa phương này cũng thực hiện phun thuốc nhằm hạn chế việc hư hỏng.
Người phụ nữ hơn 20 năm đặt tên, chăm sóc mộ cá
Theo suốt thời gian hình thành, phát triển của làng biển xã Cảnh Dương đã có rất nhiều "Cá Ông" "lụy" (bị mắc cạn), chết dạt vào bờ. Khi gặp "Cá Ông" "lụy", ngư dân làng Cảnh Dương xem đó là một điềm lành báo hiệu mùa ra khơi an hòa, cá tôm đầy thuyền.
Cá "lụy" bờ ngư dân cố gắng đưa cá về với biển, nếu cá chết đi, ngư dân sẽ thành kính tổ chức mai táng, chôn cất rồi thờ phụng. Với số lượng ngày càng lớn tại Cảnh Dương đã có một nghĩa địa dành riêng cho "Cá Ông". Khu mộ của những "Ngài" cá nằm trên bờ biển với cổng hướng ra đại dương, dưới tán rừng cây phi lao. Ở giữa nghĩa trang có ngôi miếu với 4 chữ "Phụng Vị Ngư Hào".
Được biết, trước đây khu mộ cá chỉ có một ngôi miếu nhỏ dân làng lập nên để thờ "Cá Ông", "Cá Bà" từ hàng trăm năm trước. Năm 2014, mạnh thường quân cùng dân làng đã quyên góp hàng trăm triệu đồng để tôn tạo lại khu mộ.
32 ngôi mộ tại đây được bà Nguyễn Thị Mai (SN 1963) một người dân địa phương tự nguyện lo hương khói, quét dọn từ hơn 20 năm nay cùng với đó bà đã đặt tên cho những con cá Voi tại khu mộ này.
Bà Mai sinh ra là người con của làng biển Cảnh Dương, lớn lên trong những câu chuyện ly kỳ về loài cá "thiêng". Kính trọng "Cá Ông" nên khi thấy việc chăm sóc khu mộ cá chưa được ai đảm nhiệm, bà Mai đã nhận công việc về mình.
Theo bà Mai ban đầu chỉ có vài ngôi mộ, nhưng số lượng "Cá Ông" 'lụy" ngày càng tăng hàng năm. "Cá Ông" sau khi được mai táng táng một vài năm, thì sẽ tiến hành bốc mộ và lập bia đá. Khi đó sẽ đặt tên cho từng ngôi mộ và được khắc lên bia đá.
"Năm nào cũng có các vị "lụy", để tang giống người, đều có lễ 3,5,100 ngày hay hết khó. Hiện có 32 ngôi mộ, các ngài đều do tôi đặt tên rồi dân làng khắc lên bia. Một số ngôi mới nên chưa bốc cắm bia" - bà Mai, cho biết.
Khu mộ là nơi ngư dân làng Cảnh Dương cầu bình an trước khi ra khơi. Ngoài ra, ngày rằm, ngày lễ khu mộ lại nghi ngút khói hương của ngư dân.
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Cao Quý Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho biết: "Chính quyền, người dân nơi đây đánh giá cao việc làm ý nghĩa của bà Mai. Khu mộ "Cá Ông" được bà Mai chăm sóc gần 20 năm nay, khi có cá "lụy" vào thì chính quyền địa phương, người dân cùng bà Mai tiến hành chôn cất, thờ phụng chu đáo. Việc làm của bà Mai được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền, người dân và các mạnh thường quân để bà có thể tiếp tục làm tốt việc làm ý nghĩa".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.