Theo ông Nguyễn Phước Tâm, một nông dân trồng thanh long (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), việc bán "thah long non" nông dân không chỉ được thu lời ít, mà ngay sau khi thương lái trả vườn, nông dân phải bỏ cả đống tiền để phục hồi vườn thanh long đã bị vắt kiệt sức.
Khoảng 1 năm trước, ông Tâm còn là nông dân trồng 3,5 công thanh long ở xã An Lục Long (huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Chính ông Tâm cũng bán "thanh long non". "Thanh long cứ ra nụ là tôi bán, lái tự chăm sóc", ông thổ lộ.
Theo ông Tâm, do nhằm kiếm tối đa lợi nhuận, nên thương lái sau khi nhận vườn đã thúc phân, thuốc để tỷ lệ trái loại 1 đạt cao.
Việc sản xuất "bạo phát, bạo tàn" này đã khiến dây thanh long bị ảnh hưởng nặng nề. Khi lái trả vườn thanh long, ngay lập tức chủ vườn phải chăm bón lại những dây thanh long đã suy kiệt.
Clip: Nông dân xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An nói về hiện tượng nông dân bán vườn thanh long non cho thương lái. Mua được vườn thanh long, thương lái "thúc" cho cây thanh long ra trái, neo trái trên cây thời gian dài...
"Tốn tiền nhiều đó. Nông dân mất trung bình 7-8 triệu đồng tiền phân, thuốc mỗi công để thúc rễ phát triển nuôi dây thanh long. Như vậy, số tiền nông dân bán "thanh long non" đã vơi đi khá nhiều", ông Tâm bộc bạch.
Một số nông dân sau khi nhân lại vườn thanh long từ tay lái, thấy giá sụt giảm nản lòng bỏ bê luôn vườn. "Dây bìm bìm, mắc cỡ leo kín vườn thanh long chết", ông Tâm chia sẻ.
Ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cũng cho biết, sau khi lái nhận vườn thanh long từ nông dân để chăm bón sẽ thúc phân, thuốc cho trái đẹp to nhằm đạt đầu tấn để bán có giá cao. Điều này dẫn đến dây thanh long kiệt sức.
"Nếu thanh long có giá, lái sẽ treo trái trên dây thanh long cho đúng đầu tấn. Do kéo dài treo trái nên vườn thanh long kiệt sức, suy yếu", ông An chia sẻ.
Theo ông An, bà con trồng thanh long có "bán non" thì khi khủng hoảng giá lái cũng thỏa thuận lại, kèo từng đồng, đè bớt giá, thẳng tay dạt trái xấu.
"Tại nông dân trồng thanh long bán vậy chứ cứ để đến trái chín bán được giá hơn. Nếu "bán non" thanh long, sau đó giá tăng nông dân cũng không đòi thêm được. Nhưng, nếu giá thanh long tuột là lái "vật" bà con", ông An nói.
Ông An cũng cho rằng, không bao giờ ông mua "thanh long non" của nông dân. "Tôi không mua "thanh long non". Bà con cứ để thanh long chín, tôi sẽ mua", ông An chia sẻ.
Việc bà con nông dân bán "thanh long non" cho lái, ông An cho rằng: "Tại bà con, lái có ép đâu".
Theo ông Trần Văn Nĩnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành (Long An), việc bà con trồng thanh long trên địa bàn "bán non" cho lái, Hội Nông dân đã biết lâu nay.
Tuy nhiên, ông Nĩnh cũng cho biết, không có biện pháp ngăn chặn "phong trào" này. Bà con lén "bán non" thanh long. Hội không có chế tài nên chỉ đi vận động.
"Khó quá! Bà con trồng thanh long sợ giá tuột, thấy có giá lời là bán. Hội Nông dân đã có những buổi đi tuyên truyền để bà con thấy lợi hại khi "bán non" thanh long, hãy chờ tới khi thanh long chín hãy bán. Thế nhưng, bà con không nghe. Giờ chưa biết tính sao vụ này đây", ông Nĩnh than thở.
Hiện, ở huyện Châu Thành (tỉnh Long An), thương lái đang mua thanh long tại vườn với giá 23.000-25.000 đồng/kg. Với giá thanh long tăng cao và ổn định thời gian qua, tình trạng "bán non" thanh long càng sôi nổi.