Nông dân tỉnh Tiền Giang, tỉnh Long An trồng thứ rau gì mà dân gọi là "rau làm giàu"?
Nông dân trồng “rau làm giàu” ở tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An hối hả bơm trữ nước ngọt đề phòng điều này
Trần Đáng
Thứ bảy, ngày 03/04/2021 06:15 AM (GMT+7)
Trước tình hình mặn xâm nhập mạnh, Tiền Giang và Long An đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ vùng chuyên canh rau màu, phần lớn là rau diếp cá-một loại "rau làm giàu” của nông dân rất nhạy cảm với mặn.
Mặc dù, mặn chưa uy hiếp trực tiếp đến các vườn rau diếp cá của nông dân, nhưng chính quyền xã Nhị Bình (huyện Châu Thành, Tiền Giang), địa phương có vùng chuyên canh rau diếp cá lớn của tỉnh Tiền Giang, đã cấp tập nhiều biện pháp ứng phó.
Cấp tập bảo vệ "rau làm giàu" cho nông dân
Theo UBND xã Nhị Bình, tùy theo tình hình thực tế, UBND xã sẽ quyết định thời gian đóng cống do xã quản lý, đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất…
Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Bình Phan Văn Diền cho biết, diện tích rau màu của xã tập trung ở 5 ấp phía Nam Quốc lộ 1 với tổng diện tích 524ha. Trong đó, rau diếp cá chiếm 160ha. Rau diếp cá rất mẫn cảm với nước mặn.
Do đó, UBND xã đã tập trung nạo vét các tuyến kinh nội đồng, xây dựng kế hoạch tu sửa 43 cống, đập và phân công lực lượng phòng, chống hạn, mặn phụ trách các tuyến kinh.
Hiện, tại các trà rau trên địa bàn xã Nhị Bình vẫn chưa bị ảnh hưởng mặn. Dù vậy, người dân đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp tưới nước hiệu quả.
Trà rau diếp cá 3.000m2 của ông Lê Văn Công (ấp Nam, xã Nhị Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã được che lưới cách nhiệt từ hơn một tuần nay để bảo vệ vụ rau trước ảnh hưởng của hạn mặn.
Ông Công cho biết, đã bắt đầu che lưới cách nhiệt từ lâu. Việc sử dụng lưới cách nhiệt giúp giảm được khoảng 50% lượng nước tưới trong mùa hạn.
Tại huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), một vùng chuyên canh rau màu lớn của tỉnh Long An, trước tình hình hạn mặn, từ tháng 1/2021, huyện này đã chuẩn bị nhiều biện pháp để phòng, chống.
Theo đó, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, tưới thông minh để đảm bảo nguồn nước.
Bên cạnh đó, nông dân cần chủ động tận dụng nguồn nước ngọt tích trữ trong các kênh nội đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Lâm, huyện Cần Giộc (tỉnh Long An)-ông Đặng Trung Hậu cho biết, rau diếp cá và xà lách xoong là hai loại rau màu chủ lực của xã.
Vài năm nay, bà con đang mở rộng diện tích trồng rau diếp cá và xà lách xoong.
Hiện, xã có gần 250ha trồng rau ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thì diện tích rau diếp cá và xà lách xoong chiếm hơn 60ha.
Ghi nhận công tác phòng chống hạn mặn cho các vùng rau màu tại các xã cho thấy, khi mặn xâm nhập vào địa bàn, hàng ngày Tổ Quản lý khai thác công trình thủy lợi các ấp sẽ chịu trách nhiệm lấy mẫu nước gửi về UBND xã cho cán bộ nông nghiệp đo độ mặn để tham mưu UBND xã đóng, mở các cửa cống kênh thủy lợi.
Rau diếp cá-"rau làm giàu" của nông dân
Từ lâu rau diếp cá được ví như "cây làm giàu" của nông dân ở phía Nam.
Chỉ với gần 4.000m2 đất trồng rau diếp cá, ông Huỳnh Ngọc Hoàn (xã Phước Lâm) có thể thu hơn tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hậu khẳng định, năm ngoái, ông Hoàn có doanh thu hơn 1 tỷ đồng từ bán rau diếp cá.
Theo ông nông dân Ngọc Hoàn, rau diếp cá có giá tương đối cao và ổn định nhất trong các loại rau màu.
Trong năm, giá rau diếp cá luôn đứng ở mức 10.000-30.000 đồng/kg. Giá rau diếp cá được đẩy cao nhất từ tháng 4-8.
Năm 2020, giá rau diếp cá tăng đột biến lên mức 70.000-90.000 đồng/kg kéo dài 3-4 tháng. Hiện, mỗi ngày ông Hoàn thu hoạch khoảng 300kg rau diếp cá.
"Trồng rau diếp cá chi phí đầu tư ít, thu hoạch mỗi ngày, giá lại luôn cao, ổn định. Dễ kiếm tiền lắm!", ông Hoàn khoe.
Đồng ý kiến với ông Hoàn, ông Nguyễn Trí Dũng (xã Nhị Bình), một nông dân đang trồng 4.500m2 rau diếp cá cho biết, rau diếp ca đem lại hiệu quả rất cao.
"Người này trồng rau diếp cá, người khác thấy thu nhập cao cũng trồng theo. Trồng rau diếp cá kinh tế rất thoải mái, khấm khá", ông Dũng bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.