Như Dân Việt đã đưa tin, vừa qua Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh An Giang có thông báo kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Đơn vị trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền là Công ty có trụ sở tại Quận 7, TP.HCM. Loại cát công ty này trúng giá là cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường.
Giá trúng đấu giá ước tính theo khối lượng mời đấu giá 2.372.500m3, được tạm tính với số tiền là hơn 2.811 tỷ đồng.
Với mức giá trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền "khủng" như vậy khiến các cơ quan chức năng của tỉnh An Giang khá bất ngờ, dư luận thì xôn xao, vì mức trúng đấu giá và giá khởi điểm chênh lệch "khủng", hơn 390 lần so với giá khởi điểm.
Trước dư luận nhiều ý kiến đặt ra liệu doanh nghiệp này có bí quyết gì để có thể thu lời với giá trúng giá trên 2.800 tỷ đồng, với lượng cát khoảng 3 triệu khối đó hay họ sẽ "bỏ chạy" vì bị "hố"? PV Dân Việt đã có trao đổi với một doanh nghiệp chuyên về ngành cát tại TP.HCM.
Theo doanh nghiệp này không có gì bất ngờ với giá trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền của một công ty tại TP.HCM.
Doanh nghiệp này phân tích, với một người kinh doanh thông thường nếu tính toán, với mức giá trúng thầu mỏ cát trên sông Tiền, trữ lượng cát khoảng 3 triệu khối, mức giá trúng thầu là trên 2.800 tỷ đồng, dù có tính toán như thế nào thì cũng không thể có lời.
Cụ thể, theo cách tính thông thường, hiện giá cát sông dùng trong san lấp được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang bán ra dao động từ 60.000 – 70.000 đồng /khối. Với 3 triệu khối cát của mỏ cát trên sông Tiền thì chỉ dao động từ 150-210 tỷ đồng. Chưa kể giá đó chưa tính chi phí khai thác và thuế đã chiếm trên khoảng 50% giá thành bán ra.
Nhưng với giá trúng thầu trên 2.800 tỷ đồng, cộng với các chi phí khác thì giá một khối cát phải từ 1.000.0000-1.200.000 đồng/khối.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người có nhiều năm trong ngành cát, doanh nghiệp này phân tích, nếu công ty trúng thầu mỏ cát trên sông Tiền với trữ lượng khoảng 3 triệu khối với giá 2.800 tỷ mà không "bỏ chạy" thì chỉ có 3 khả năng để họ có lời và không bỏ quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền.
Thứ nhất: Khai thác vượt mức
Trước khi tham gia đấu thầu thì bất kỳ công ty nào cũng cho khoan thăm dò mỏ cát với chiều sâu 5m, 10m, thậm chí 50m - 60m. Trong khi thiết kế của cơ quan chức năng đưa ra đấu thầu có thể chỉ 1,5-2m, ra trữ lượng cát hiện tại của mỏ cát trên sông Tiền đưa ra đấu thầu là khoảng 3 triệu khối.
Nên sau khi trúng thầu, công ty sẽ khai thác cát vượt mức cho phép. Họ sẽ khai thác cát với độ sâu 10m, 20m hoặc 60-70m, đối với họ là hết sức bình thường, nếu như cơ quan chức năng không giám sát chặt chẽ.
Và đặc biệt, doanh nghiệp này cũng tiết lộ, khi khai thác cát càng sâu thì sẽ có lượng cát to. Hiện trên thị trường, giá cát to cao gấp 3-5 lần so với cát xây dựng thông thường. Trong khi hiện nay giá cát xây dựng thông thường giao động từ 60.000 – 90.000 đồng/ khối, thì giá cát to sẽ từ 180.000 – 300.000 đồng/ khối.
Thứ hai: Tạo sự khan hiếm để độc quyền
"Không loại trừ khả năng, công ty này đã liên kết và sẵn hệ thống các mỏ cát khác trên sông Tiền và sông Hậu (thuộc địa bàn tỉnh An Giang), khi trúng thầu được mỏ cát trên sông Tiền này thì họ sẽ có cả một hệ thống mỏ cát.
Lúc này họ sẽ độc quyền và giá cát sẽ nằm trong sự chi phối của họ. Lúc này họ không cần khai thác cát hết công suất, mà họ để khai thác từ từ theo trữ lượng cho phép, nhưng họ sẽ không bán ra ngay mà sẽ trữ lại. Đến lúc cát khan hiếm họ tăng giá đồng loạt các mỏ cát trong hệ thống thì họ sẽ lời lớn"- doanh nghiệp này cho biết.
Thứ ba: Mỏ cát chủ chốt
Theo như thông tin báo chí đưa, công ty này trúng thầu mỏ cát trên sông Tiền (thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) là mỏ cát đầu thượng nguồn từ Campuchia về.
"Theo tôi được biết, trước đây những người khai thác cát đã cho đào một hố sâu ngang sông Tiền để hứng lượng cát từ Campuchia đổ về. Nếu như công ty này trúng thầu mỏ cát trên sông Tiền họ cho đào một hố sâu ngang sông Tiền, lượng cát từ Campuchia đổ về sẽ lọt vào hố này hết, lúc đó họ sẽ tha hồ khai thác hết lượng cát này. Một vài năm sau nữa các mỏ cát tuyến dưới sẽ cạn nguồn cát, lúc này công ty sẽ độc quyền".
"Có thể công ty trúng thầu sẽ "bỏ chạy" bỏ số tiền cọc 1,4 tỷ đồng. Nhưng không phải là "bỏ chạy" thông thường mà khi tham gia đấu thầu họ có 3,4 công ty cùng hệ thống của họ tham gia, họ "bỏ chạy" để các công ty khác của họ có giá thấp hơn trúng thầu. Với nghề khai thác cát, con số 1,4 tỷ đồng không là gì nếu như họ độc quyền"- doanh nghiệp này bật mí.