Dân Việt

Lên Facebook đăng tin hạn chế ăn thịt trâu bò do bệnh viêm da nổi cục, coi chừng bị phạt tiền

Khánh Nguyên 11/04/2021 13:48 GMT+7
Một bài viết trên mạng xã hội Facebook kêu gọi mọi người không nên ăn thịt bò do bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thu hút 930 lượt like, 1.600 bình luận và 30.000 lượt chia sẻ. Nhưng đằng sau bài viết đó, người nông dân sẽ thêm phần vất vả vì vừa lo chống dịch vừa lo giá bò hơi giảm.

Tin đồn thất thiệt về bệnh viêm da nổi cục tác động đến giá bò hơi

Hiện, giá bò hơi hôm nay tại các địa phương đang ở mức 90.000 đồng/kg và có xu hướng giảm nhẹ do bệnh viêm da nổi cục khiến sức mua thịt trâu, bò có phần giảm sút.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, cố vấn thú y của Trung tâm Tư vấn và Đào tạo Vet24h, những thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận như "không nên ăn thịt trâu, bò do dịch viêm da nổi cục" sẽ khiến người tiêu dùng thiệt đơn thiệt kép, vừa lo ứng phó với dịch bệnh vừa lo đối diện với bão giá.

Đáng tiếc, một thông tin không được kiểm chứng như bài viết của tài khoản Facebook có tên: Đỗ Quang Trung chia sẻ trên mạng xã hội lại nhận được ý kiến đồng tình, hưởng ứng của nhiều người. 

Rất nhiều người đã đánh dấu (tag) tên người thân, bạn bè cảnh báo không nên ăn thịt bò ở thời điểm dịch bệnh viêm da nổi cục đang diễn biến phức tạp.

 Hình ảnh những con trâu, bò bị bệnh được đăng tải càng khiến nhiều người có cảm giác "nổi da gà".

Lên Facebook đăng tin hạn chế ăn thịt trâu bò do bệnh viêm da nổi cục, coi chừng bị phạt tiền - Ảnh 1.

Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội về bệnh viêm da nổi cục hoàn toàn không đúng sự thật, bệnh viêm da nổi cục không lây sang người, dịch bệnh đã được kiểm soát nên người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt trâu bò. Ảnh chụp màn hình.

Những hình ảnh, thông tin gây nhiễu loạn lòng tin của người tiêu dùng vẫn xuất hiện hàng ngày hàng giờ trên các trang mạng xã hội, Youtube, Zalo, khiến không ít người hoang mang, nhiều người đã có suy nghĩ nên "hạn chế ăn thịt bò" ở thời điểm này khiến thị trường thịt bò ở một số địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh có phần chững lại.

Đơn cử như tại Nghệ An, dù giá thịt bò vẫn ổn định nhưng sức mua có phần giảm sút. Một tiểu thương ở chợ Quán Lau, phường Trường Thi, TP.Vinh (Nghệ An) cho biết, dù giá thịt bò vẫn ổn định ở mức 200.000 – 240.000 đồng/kg nhưng sức mua thì giảm hẳn do người tiêu dùng e ngại dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn.

 Dù các tiểu thương ở chợ đều lấy thịt bò từ những lò mổ được cấp phép, có giấy kiểm dịch nhưng sức tiêu thụ đã giảm hẳn, từ 15 – 20kg/ngày xuống chỉ còn 5 – 7kg/ngày.

Tương tự, tại các chợ trên địa bàn TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), không khí giao dịch tại các quầy thịt bò trầm lắng hẳn. Chủ một quầy thịt bò lớn nhất chợ Vườn Ươm (TP.Hà Tĩnh) cho biết, trước kia mỗi ngày quầy bán ra 60 – 70kg thịt bò nhưng hiện nay số lượng giảm đáng kể, chỉ còn trên dưới 10kg.

Bệnh viêm da nổi cục không lây sang người, đã có vaccine

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ tháng 10/2020 đến ngày 30/3/2021, cả nước đã xảy ra 602 ổ dịch viêm da nổi cục tại 582 xã thuộc 130 huyện của 23 tỉnh, tthành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 12.731 con, con số gia súc tiêu hủy là 920 con.

Tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra 497 ổ dịch tại 492 xã thuộc 103 huyện tại 22 tỉnh thành phố. 

Lên Facebook đăng tin hạn chế ăn thịt trâu bò do bệnh viêm da nổi cục, coi chừng bị phạt tiền - Ảnh 2.

Hiện, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu bò. Ảnh: I.T

Tổng số gia súc mắc bệnh là 11.290 con, số gia súc tiêu hủy là 716 con. Số lượng trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng đàn trâu bò của cả nước. Trâu bò bị bệnh và nghi bị bệnh tuyệt đối không được vận chuyển, buôn bán, giết mổ và tiêu thụ.

Theo TS Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT): "Chúng ta khẳng định tuyệt đại đa số trâu bò trên lãnh thổ Việt Nam chưa mắc bệnh viêm da nổi cục, vẫn còn an toàn cho nên bà con và người tiêu dùng yên tâm".

Chuyên gia thú y Nguyễn Văn Minh khẳng định, bệnh viêm da nổi cục không phải là bệnh truyền lây từ động vật sang người và tất cả những con trâu, bò mắc bệnh đều đã được khoanh vùng chữa trị hoặc bị tiêu hủy nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm tiêu thụ thịt trâu, bò.

"Hiện, không có báo cáo về việc lây truyền virus viêm da nổi cục qua các sản phẩm động vật, không có mối liên hệ giữa sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh và động vật nhạy cảm" – ông Minh nhấn mạnh.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An khẳng định, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò không lây sang người. 

Hiện, dịch bệnh đã được kiểm soát nhờ biện pháp tiêm phòng vaccine nên người tiêu dùng không nên hoang mang, tẩy chay, hạn chế ăn thịt trâu, bò. 

Người dân nên mua thịt có nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch, tuân thủ ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe.

Tương tự, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cũng khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng các sản phẩm thịt bò có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có dấu kiểm dịch. Hiện nay, công tác kiểm soát dịch bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn đã có chuyển biến.

Còn nhớ khi dịch tả lợn châu Phi mới bùng phát, nhiều thông tin thất thiệt về việc ăn thịt lợn bị bệnh có thể gây nguy hiểm đi kèm hình ảnh ghê rợn (thực chất là bị bệnh khác) được đăng tải với mục đích câu view, câu like.

 Ngay sau đó, ngành chức năng vào cuộc và nhiều chủ tài khoản facebook đã bị phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt cao nhất lên đến 20 triệu đồng.

Vì vậy, trước khi đăng tải bất cứ thông tin gì gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến việc sản xuất của nông dân cần cân nhắc, kiểm chứng tính chính xác để không khoét sâu thêm nỗi vất vả của bà con vốn đã lao đao vì dịch bệnh và bão giá, hơn hết là đừng để mình vướng vào những rắc rối liên quan đến vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP hành vi tung tin đồn thất thiệt trên mạng gây kích động dư luận, gây hoang mang tinh thần người dân, ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội; thậm chí đã dẫn tới nhiều vụ việc gây thiệt hại về vật chất, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của người khác có thể có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.