Tại phiên tòa sáng cùng ngày, nêu ý kiến tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Khôi Nguyên (58 tuổi, cựu Trưởng Phòng Đầu tư phát triển Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) cho biết, ông đề nghị triệu tập thêm một nhân chứng rất quan trọng.
Theo vị luật sư, ông đề nghị mời một nguyên Phó Thủ tướng tới tòa vì nhân chứng này liên quan đến dự án, ký duyệt những văn bản rất quan trọng.
Một luật sư khác cũng đề nghị Tòa triệu tập ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ Trưởng Bộ Công Thương tới tòa.
Tại tòa hôm nay, theo thông báo từ thư ký, có tổng cộng 19 bị cáo bị đưa ra xét xử, tuy nhiên có 1 người có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người này là ông Đậu Văn Hùng (70 tuổi, cựu Tổng Giám đốc VNS). Luật sư bào chữa cho bị cáo Đậu Văn Hùng cũng vắng mặt tại phiên tòa.
Theo thông báo từ chủ tọa phiên tòa, bị cáo Đậu Văn Hùng đã gửi đơn xin xét xử vắng mặt tới Tòa trước ngày xử án.
Trong đơn xin xét xử vắng mặt, cựu Tổng Giám đốc VNS cho biết, ông đã có lời khai chi tiết và giao nộp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ tại cơ quan điều tra.
Thứ hai, hiện nay bị cáo này không đủ sức khỏe để tham gia phiên tòa vì tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh nan y, hiểm nghèo.
Vì các bệnh đó, ông rất dễ bị trụy tim mạch hay hạ đường huyết đột ngột, bị mất trí nhớ và không thể tự chăm sóc được bản thân…
Bị cáo Đậu Văn Hùng trình bày đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình, cam kết chấp hành các phán quyết của tòa án về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự với bản thân.
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử thống nhất thấy cần thiết phải triệu tập thêm giám định viên đến tòa.
Về đề nghị triệu tập một nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hội đồng xét xử cho biết họ đã có tài liệu ở giai đoạn điều tra, nếu luật sư thấy cần thiết, tòa sẽ công bố.
Cáo trạng thể hiện, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư.
HĐQT VNS tổ chức thẩm định, chịu trách nhiệm xem xét phê duyệt dự án và chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định hiện hành. TISCO chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án.
TISCO đã ký với MCC (Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc) hợp đồng EPC số 01#, là hợp đồng trọn gói, không được phép điều chỉnh giá trong suốt quá tình thực hiện.
MCC chịu trách nhiệm lựa chọn, ký hợp đồng và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu phụ theo quy định của pháp luật và của hợp đồng hợp đồng EPC số 01#.
Quá trình thực hiện hợp đồng EPC số 01#, MCC đã vi phạm trong việc sau hơn 11 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực thực hiện, đơn vị này chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu mà rút hết người về nước, đề nghị tăng giá hợp đồng…
Với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, những người liên quan trong vụ án đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại mà chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC số 01# để tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Dự án sau đó đã chậm tiến độ, phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước hơn 830 tỷ đồng vì những vi phạm của các bị cáo trong vụ án.