Tập đoàn ở Trung Quốc đã làm gì sau hơn 11 tháng hợp đồng với Gang thép Thái Nguyên có hiệu lực?

Phạm Hiệp Thứ bảy, ngày 10/04/2021 19:44 PM (GMT+7)
Một Tập đoàn ở Trung Quốc ký gói thầu hơn 160 triệu đô ở dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên, nhưng sau hợp đồng có hiệu lực, họ không thi công các hạng mục của gói thầu, rút hết người về nước…
Bình luận 0

Tập đoàn của Trung Quốc trúng thầu dự án từ lúc nào?

Ngày 1/4/2005, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 342 về việc đồng ý chủ trương đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Giao Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương chỉ đạo Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và chủ đầu tư (TISCO) tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành, đặc biệt làm rõ nguồn nguyên liệu quặng sắt, nhiên liệu (than cốc, than mỡ); phương án huy động vốn và lựa chọn thiết bị, công nghệ, quy mô, công suất; hiệu quả đầu tư của dự án và đánh giá bổ sung tác động môi trường để hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi…

Sau khi có chủ trương trên của Chính phủ, HĐQT VNS đã triển khai thực hiện và ngày 5/10/2005 có quyết định số 684, phê duyệt dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư hơn 3.843 tỷ đồng.

Tập đoàn ở Trung Quốc đã làm gì sau hơn 11 tháng hợp đồng ở Gang thép Thái Nguyên có hiệu lực? - Ảnh 1.

Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc là đơn vị trúng thầu, ký kết hợp đồng trị giá hơn 160 triệu đô với TISCO ở dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Nguồn vốn để thực hiện dự án gồm vốn của TISCO (hơn 375 tỷ), còn lại vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển và các ngân hàng.

Dự án gồm nhiều gói thầu, trong đó gói thầu dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá, có tổng giá trị hơn 2.588 tỷ đồng. HĐQT VNS là cấp quyết định đầu tư, giao cho TISCO làm chủ đầu tư.

TISCO sau đó đã tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu.

Căn cứ kết quả đấu thầu, ngày 12/7/2007, Trần Trọng Mừng – Tổng Giám đốc TISCO cùng ông Thẩm Hạc Đình – Tổng Giám đốc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) ký hợp đồng số 01#EPC/TISCO-MCC (gọi tắt là hợp đồng EPC số 01#).

Theo hợp đồng EPC số 01#, chủ đầu tư cần xây dựng mới một dây chuyền công nghệ luyện kim với công suất 500.000 tấn phôi thép/năm, được xây dựng theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã được phê duyệt ngày 5/10/2005.

Nhà thầu sẽ thực hiện tất cả các công việc của dự án phù hợp với các điều khoản của hợp đồng trong vòng 30 tháng. Tổng thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng kể cả ngày chủ nhật và nghỉ lễ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tập đoàn ở Trung Quốc đã làm gì sau hơn 11 tháng hợp đồng ở Gang thép Thái Nguyên có hiệu lực? - Ảnh 2.

Hợp đồng EPC số 01# mà Tập đoàn ở Trung Quốc ký với TISCO giá chi tiết gồm 3 phần E, P, C, trong đó phần P (chi phí thiết bị) có giá trị lớn nhất, hơn 114 triệu đô.

Giá trị hợp đồng EPC số 01# là hơn 160 triệu đô, là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng (trừ trường hợp có thỏa thuận khác), đã bao gồm các loại thuế được xác đinh trong hợp đồng, các chi phí cần thiết để thực hiện hợp đồng theo phương thức tổng thầu EPC.

Giá chi tiết gồm 3 phần: Chi phí thiết kế và dịch vụ kỹ thuật (phần E) là hơn 3,1 triệu đô; chi phí thiết bị (phần P) là hơn 114 triệu đô; chi phí xây lắp (phần C) là gần 43 triệu đô.

Về tạm ứng và thanh toán, khoản ứng trước cho MCC bằng 25% giá hợp đồng đối với thiết bị, 15% giá hợp đồng đối với các phần còn lại, tổng giá trị tạm ứng là hơn 35 triệu đô.

Khoản ứng trước sẽ khấu trừ lại theo từng đợt thanh toán với tỷ lệ bằng khoảng 27,67% giá trị mỗi lần thanh toán; việc khấu trừ sẽ bắt đầu từ đợt thanh toán đầu tiên và hoàn tất khi đã đạt đến 80% giá trị công việc của hợp đồng…

MCC đã làm gì sau khi hợp đồng có hiệu lực?

Đáng chú ý, cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thể hiện rõ, nhà thầu khi ký hợp đồng, chấp nhận trách nhiệm toàn bộ về việc lường trước tất cả các khó khăn và chi phí để hoàn thành thắng lợi công trình và giá hợp đồng sẽ không được điều chỉnh để xét tới các khó khăn hoặc chi phí không lường trước được.

Tập đoàn ở Trung Quốc đã làm gì sau hơn 11 tháng hợp đồng ở Gang thép Thái Nguyên có hiệu lực? - Ảnh 3.

Những người liên quan, có trách nhiệm ở dự án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi Tập đoàn ở Trung Quốc có những yêu cầu không đúng với hợp đồng đã ký kết, hậu quả gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Trong ảnh là các bị can trong vụ án.

Hợp đồng EPC số 01# ký ngày 12/7/2007, có hiệu lực ngày 3/9/2007. Ngày 24/8/2007, MCC đã được TISCO cho tạm ứng hơn 35 triệu đô để thực hiện hợp đồng.

Đến ngày 29/9/2007, TISCO cùng MCC đã khởi công thực hiện hợp đồng, nhưng quá trình thực hiện, Tập đoàn ở Trung Quốc này đã có nhiều vi phạm.

Cụ thể, sau hơn 11 tháng kể từ khi hợp đồng EPC số 01# có hiệu lực thực hiện, MCC chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ.

MCC còn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, không đặt hàng chế tạo máy móc thiết bị, không triển khai thi công các hạng mục của gói thầu. Đáng chú ý, đơn vị này còn rút hết người về nước, nhiều lần có văn bản đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, tăng giá hợp đồng thêm hơn 138 triệu đô (bao gồm chi phí xây lắp, thiết bị, thiết kế, dịch vụ kỹ thuật và biến động tỷ giá) với lý do giá cả thị trường thế giới biến động tăng giá bất thường không có căn cứ, không đúng nguyên tắc hợp đồng theo hình thức trọn gói đã ký.

Mặc dù biết rõ MCC vi phạm hợp đồng, đề nghị gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng và tăng giá hợp đồng không có căn cứ, không phù hợp quy định của pháp luật, không đúng nội dung thỏa thuận trong hợp đồng EPC số 01# như đã nêu, nhưng lãnh đạo, cán bộ có trách nhiệm thuộc TISCO và VNS đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, của hợp đồng EPC số 01# để xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại theo quy định.

Những người liên quan đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC số 01# và thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Từ những hành vi này, đã dẫn đến hậu quả làm thất thoát, lãng phí, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem