Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được Tập đoàn FLC thành lập vào ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do FLC sở hữu 100%.
Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, tại ngày 5/2/2021, Bamboo Airways đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 7.000 tỷ lên 10.500 tỷ đồng.
Theo đó, tại thời điểm này, tỷ lệ sở hữu vốn của FLC tại Bamboo Airways là 39,4%. Trước đó, đến cuối năm 2020, FLC vẫn đang nắm giữ 51,29% tại Bamboo Airways.
Với tỷ lệ này, Bamboo Airways không còn là công ty con của FLC. Động thái này, theo Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết - đã khiến cho thị trường xôn xao trong thời gian qua khi có nhiều thông tin thất thiệt như "FLC thoái vốn Bamboo" hay "Ông Quyết thoái vốn Bamboo" gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty.
Chính vì vậy, trao đổi tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn FLC vừa diễn ra, ông Trịnh Văn Quyết đã đưa ra phát ngôn chính thức về vấn đề sở hữu.
Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết, cá nhân ông và Tập đoàn FLC vẫn đang sở hữu trên 80% vốn của Bamboo Airways, còn lại hơn 10% được nắm giữ bởi các công ty thành viên trong hệ thống FLC, các cán bộ nhân viên của tập đoàn và một số ít cổ đông bên ngoài được chuyển nhượng.
Hiện tại ông Trịnh Văn Quyết vừa là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC, vừa là Chủ tịch HĐQT của Bamboo Airways. Ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Bamboo Airways cũng đồng thời là Phó Tổng Giám đốc của FLC.
"Hoạt động quản trị và điều hành của Bamboo Airways vẫn hoàn toàn nằm trong tay FLC", ông Quyết nhấn mạnh.
Liên quan đến việc lên sàn của cổ phiếu Bamboo Airways, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh, Bamboo Airways đã có kế hoạch niêm yết cổ phiếu BAV trong năm 2020 nhưng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ban lãnh đạo đã hoãn lại để tìm "điểm rơi" thích hợp của thị trường chứng khoán.
Theo dự kiến, Bamboo Airways sẽ được thực hiện IPO là quý II năm nay, hay chậm nhất là quý III, giá khởi điểm là khoảng trên dưới 60.000 đồng/cp.
"Nếu Bamboo Airways lên sàn thành công như kế hoạch thì chắc chắn hiệu quả của FLC khi đầu tư vào Bamboo Airways là rất lớn vì chúng ta góp vốn ban đầu với giá vốn chỉ là 10, trong khi niêm yết giá 60", ông Quyết nhấn mạnh.
Hiện nay, hãng hàng không này có 1,05 tỷ cổ phiếu BAV đang lưu hành với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Tại ngày 17/2, cơ cấu cổ đông của Bamboo Airways có ba cái tên nổi bật là Tập đoàn FLC sở hữu 39,4% (gần 414 triệu cổ phần), Chủ tịch Trịnh Văn Quyết nắm 35,4% (372 triệu cổ phần) và CTCP Xây dựng FLC Faros sở hữu 8,6% (90 triệu cổ phần).
Như vậy, nếu kế hoạch lên sàn diễn ra suôn sẻ, Bamboo Airways sẽ có vốn hóa khoảng 63.000 tỷ đồng, tương đương 2,7 tỷ USD.
Tương tự, với 372 triệu cổ phiếu BAV trong tay, nếu kế hoạch niêm yết thành công, ước tính ông Trịnh Văn Quyết có thêm gần 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán.
Trong bảng xếp hạng người giàu chứng khoán Việt hiện nay, ông Trịnh Văn Quyết đang đứng ở vị trí 28 với "túi tiền" hơn 4.000 tỷ đồng. Nếu Bamboo Airways niêm yết, giá trị tài sản chứng khoán của ông Quyết nhiều khả năng sẽ vượt qua 1 tỷ USD và quay trở lại Top những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Được biết, cuối năm 2017, ông Quyết từng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tài sản gần 59.000 tỷ đồng, chủ yếu nhờ nắm giữ 318 triệu cổ phần tại Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS).
Tuy nhiên, đến nay vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt là tỷ phú Phạm Nhật Vượng với 253.000 tỷ đồng. Top 5 còn có tỷ phú Trần Đình Long (44.000 tỷ); Nguyễn Thị Phương Thảo (28.000 tỷ); tỷ phú Hồ Hùng Anh (24.600 tỷ đồng) và Nguyễn Đăng Quang (23.700 tỷ đồng).