Dân Việt

Bắc Ninh: Vụ sán lợn ở trường mầm non để lại bài học xương máu về an toàn thực phẩm

Khương Lực 13/04/2021 16:01 GMT+7
Ngày 13/4, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 với chủ đề “đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.

Bắc Ninh là một trong 3 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh từ năm 2018. 

Qua 3 năm hoạt động, công tác quản lý an toàn thực phẩm của tỉnh Bắc Ninh đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là số vụ ngộ độc thực phẩm đã giảm mạnh.

Bắc Ninh: Ngộ độc thực phẩm giảm mạnh, siết quản lý an toàn thực phẩm ở khu đông dân cư, công nhân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh thông tin: "Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt, giai đoạn 2016-2020 có 9 vụ với tổng số 374 người mắc trong khi đó giai đoạn 2010-2015 số vụ ngộ độc là 141 vụ với 1.697 người mắc". Ảnh: Khương Lực.

Số vụ ngộ độc giảm, vi phạm vẫn ở mức cao

Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh thông tin: "Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt, giai đoạn 2016-2020 có 9 vụ với tổng số 374 người mắc trong khi đó giai đoạn 2010-2015 số vụ ngộ độc là 141 vụ với 1.697 người mắc".

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đang quản lý trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Ninh là 10.058 cơ sở, trong đó số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm/ký bản cam kết là 9.585/10.058 (đạt 95,3%).

Trong 10.058 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có tới 86% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, kinh doanh thức ăn đường phố. Qua kiểm tra có 79/114 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không đạt. 

Cùng với đó, trong 3 năm (2018-2020), Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện lấy 372 mẫu rau, củ, quả; thịt gia súc, gia cầm; thủy, hải sản kiểm nghiệm 2.576 chỉ tiêu đánh giá tình trạng ô nhiễm vi sinh, tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả có 315 mẫu đạt (84,68%), 57 mẫu không đạt (15,32%).

Các mẫu không đạt gồm 28 mẫu rau, củ, quả các loại về chỉ tiêu chì và 29 mẫu thịt gia súc, gia cầm không đạt về chỉ tiêu vi sinh. 

Đối với những mẫu không đạt, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh xây dựng kế hoạch, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất tập trung vào các sở sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, việc kiểm soát hàng hóa, nguyên liệu thực phẩm còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các thực phẩm lưu thông tại các chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn, dẫn tới tình trạng nhiều hàng hóa không đảm bảo vẫn được bày bán.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố còn gặp nhiều khó khăn. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân vì lợi nhuận kinh tế nên chưa tự giác chấp hành quy định về an toàn thực phẩm.

"Qua kiểm tra, một số cơ sở không đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm còn cao (27,7%), ý thức một số người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn chưa cao" - ông Thanh chia sẻ.

Chính vì thế, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 diễn ra từ 15/4-15/5 sẽ tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm ở khu vực đông dân cư, công nhân

Liên quan đến vấn đề này, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh thông tin, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh vẫn bắt được những xe hàng đưa về những sản phẩm ôi thiu, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc đưa về địa bàn tỉnh, nhất là những khu vực đông công nhân, khu nhà trọ.

Bắc Ninh: Ngộ độc thực phẩm giảm mạnh, siết quản lý an toàn thực phẩm ở khu đông dân cư, công nhân - Ảnh 3.

Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 với chủ đề “đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Ảnh: Khương Lực.

Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất vẫn làm theo thói quen truyền thống, không biết sử dụng phụ gia, chất cấm và đưa sản phẩm ra tiêu thụ là trái với quy định của pháp luật. 

Trong 3 năm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành lấy 46.933 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, trong đó có 6.906 mẫu không đạt (chiếm 14,8%).

Các mẫu không đạt chủ yếu là chỉ tiêu vi sinh vật đối với sản phẩm bột ớt, bánh phu thê, bánh dầy, suất ăn sẵn, giò, chả...; chỉ tiêu chì (Pb), dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau, củ tươi sống; chất cấm sibutramine trong thực phẩm giảm cân.

"Thực phẩm không an toàn vẫn còn tồn tại và lưu thông trên thị trường, đặc biệt là những khu có đông dân cư, công nhân, người lao động có mức thu nhập thấp" - ông Vương Quốc Tuấn nói.

Để triển khai thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021 cùng như mục tiêu phấn đấu Bắc Ninh không còn thực phẩm không an toàn, ông Vương Quốc Tuấn chỉ đạo Ban Quản lý An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan cần tập trung chỉ đạo làm tốt hơn công tác tuyên truyền cho người sản xuất, chế biến, phân phối và người tiêu dùng.

"Vụ sán lợn xảy ra ở trường mầm non Mão Điền (Thuận Thành, Bắc Ninh) là bài học xương máu trong công tác đảm bảo thực phẩm đầu vào đối với cung cấp cho thị trường hoặc cung cấp cho các khu vực bếp ăn của rất nhiều cơ quan công sở và các doanh nghiệp" - ông Tuấn nêu.

Cùng với việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, nhất là tại các chợ truyền thống, ông Tuấn nêu con số thống kê năm 2020 cho thấy, giao dịch thương mại điện từ toàn cầu lên tới 3.900 tỷ USD, trong đó lĩnh vực thực phẩm chiếm 1/4. 

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xu hướng tiêu dùng qua thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng mạnh. 

Do đó, ông Tuấn yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề xuất phương thức, cách thức quản lý hoạt động thương mại điện tử, đồng thời xây dựng các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ, tuyến phố, khu dân cư. 

Đối với chính quyền các cấp, ông Tuấn lưu ý cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong công tác giám sát sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Khi phát hiện ra vi phạm thì công khai đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.