Những ngày qua, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Nam An (tên gọi khác: Kingsway, ở quận Bình Tân, TP.HCM) do Công ty TNHH Siêu Thành (Công ty Siêu Thành) làm chủ đầu tư đã gửi đơn đến UBND TP.HCM, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM với mong muốn tìm phương án tháo gỡ cho dự án này.
Trong đơn, các cư dân nêu: Dự án chung cư Nam An là dự án có pháp lý đầy đủ, được các cơ quan nhà nước có thẩm phê duyệt. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP An Bình (Abbank) – Chi nhánh TP.HCM cũng có chủ trương bảo lãnh, kiểm soát dòng tiền cho dự án.
Tại dự án này, có gần 600 hộ dân ký Hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư vào tháng 04/2018. Đến nay, các khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư từ 70-95% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã để xảy ra hàng loạt những sai phạm rồi bỏ trốn.
"Từ thời điểm chúng tôi ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư đến nay đã ròng rã suốt 4 năm, là những tháng ngày đắng cay, khổ cực, bế tắc nhất của hàng trăm hộ gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nguồn thu nhập của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng hàng tháng, chúng tôi vừa phải oằn lưng trả lãi ngân hàng, vừa tốn tiền thuê nhà… Nhưng ngôi nhà mà chúng tôi bỏ tiền ra mua thì không biết đến bao giờ mới nhận được. Đó là những áp lực nghẹt thở đè nặng lên vai những người dân nghèo, mặc dù những sai phạm ở dự án chung cư Nam An không phải do chúng tôi gây ra, nhưng chúng tôi là người phải hứng chịu mọi hậu quả", anh Hồ Minh Hải, khách hàng của dự án viết trong đơn gửi lãnh đạo UBND TP.HCM.
Được biết, hơn một năm qua, khi chủ đầu tư bỏ trốn, các khách hàng mua căn hộ đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tập thể lẫn cá nhân để cầu cứu các cấp chính quyền TP.HCM để nhờ can thiệp nhưng đến nay thì mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết.
Trong đơn, các hộ dân kiến nghị: Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đứng ra chủ trì tháo gỡ, xem xét, chỉ đạo các bên có liên quan nhanh chóng vào cuộc để dự án chung cư Nam An được xây tiếp trong thời gian sớm nhất; Tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa các bên: Người dân mua căn hộ - Ngân hàng bảo lãnh Abbank - nhà thầu xây dựng… để cùng tìm phương án tháo gỡ; Buộc chủ đầu tư phải tiến hành thi công lại dự án.
Trong trường hợp chủ đầu tư không hợp tác giải quyết thì xem xét bãi bỏ quyền chủ đầu tư của Công ty Siêu Thành và bàn giao cho một chủ đầu tư khác có năng lực thực hiện, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên BCH Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết: Hiện nay có nhiều dự án BĐS "đứng hình" do chủ đầu tư bỏ trốn, rất khó giải quyết. Đối với những dự án này rất khó để dựng lại dự án trên đóng hoang tàn. Bởi rất khó giải quyết còn nợ rất nhiều bên: Nợ khách hàng (thu 60-70%, thậm chí 90% hợp đồng mua bán căn hộ), nợ ngân hàng do đem dự án thế chấp, nợ nhà thầu… Chưa kể là việc họ bán chồng căn - 1 căn bán cho nhiều người.
"Như vậy ai sẽ là người giải quyết đóng "bùi nhùi" này? Đây là một bài toán khó!", ông Đực nói.
Để giải quyết bài toán khó trên, ông Đực nêu giải pháp: Những người đã mua nhà thành lập một nhóm rồi kiến nghị lên công ty để tìm hiểu tình trạng pháp lý của dự án, tài chính của công ty như thế nào? Đối với những người còn lại trong công ty phải hợp tác với khách hàng, cơ quan chức năng để xem tài chính còn lại bao nhiêu, dự án có thể còn cứu được hay không?
"Nếu thấy dự án còn cứu được thì lập cái gọi là "Ban cứu hộ" để cứu dự án. Phải chẩn đoán lại "bệnh" của dự án xem thế nào? Nếu cứu được thì ban đó sẽ là ban quản lý dự án mới, điều hành lại dự án. Và chúng ta sẽ tiến hành xây dựng bàn giao từng căn hộ cho người dân theo trình tự nhưng tạm thời họ chưa được ở vì dự án vẫn còn đang thi công", ông Đực nói.