Quá trình sát nhập, sắp xếp lực lượng thú y ở cơ sở đã có những tác động lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh ở các địa phương, cần có sự phối hợp giữa các ngành và địa phương để lực lượng thú y có cơ chế hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030 do Bộ NNPTNT tổ chức sáng 15/4, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An thừa nhận, việc sắp xếp, sát nhập lực lượng thú y là một câu chuyện "dở khóc dở cười" của không ít địa phương.
"Có một thực tế tại Long An là việc củng cố hệ thống thú y cấp xã đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, có đến 20% cán bộ thú y cấp xã bố trí không đúng năng lực, nhiệm vụ, có những địa phương công an viên cũng được giao nhiệm vụ kiêm thú y viên. Trong khi 80% cán bộ thú y dù có trình độ thú y nhưng kinh nghiệm giám sát dịch bệnh còn hạn chế" – bà Khanh nêu một thực tế.
Cũng theo bà Khanh, đã có nhiều cán bộ thú y cấp huyện trên địa bàn tỉnh Long An làm đơn xin nghỉ việc vì "cực quá", họ chỉ được hưởng mức lương khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng làm việc của cả lực lượng thú y và khuyến nông.
Từ thực tế đó, bà Khanh kiến nghị Bộ NNPTNT cần thống nhất với Bộ Tài chính có phương án điều chỉnh chế độ cho lực lượng thú y cơ sở nếu không công tác giám sát, quản lý dịch bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bà Khanh cho rằng, việc sát nhập lực lượng thú y vào trung tâm dịch vụ nông nghiệp khiến hoạt động của lực lượng này không hiệu quả, do chưa phân biệt được đây là đơn vị sự nghiệp giao nhiệm vụ hay đấu thầu.
"Do vậy, tôi kiến nghị Bộ NNPTNT làm việc với Bộ Nội vụ để định hình tổ chức bộ máy nhà nước của trạm thú y. Hiện nay, việc sắp sếp lực lượng thú y được một địa phương triển khai một kiểu. Chỉ riêng chi cục chăn nuôi thú y thủy sản của địa phương phải viết bao nhiêu báo cáo, thống kê gửi ngành chức năng nên rất áp lực. Không chỉ trạm thú y, ngay cả trạm bảo vệ thực vật hay khuyến nông cũng đang có vấn đề
Theo chức năng nhiệm vụ, trung tâm dịch vụ nông nghiệp phải triển khai các công việc của lực lượng thú y trước đây nhưng khi giao nhiệm vụ thì họ trả lời, họ làm dịch vụ, có lời thì làm" – bà Khanh nêu một thực tế" - bà Khanh nói.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Cà Mau cho biết, lực lượng thú y của địa phương thậm chí còn được sát nhập với cán bộ bảo vệ thực vật.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin cho rằng, việc tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp là rất quan trọng bởi hiện nay dịch bệnh diễn biến rất phức tạp trong khi việc điều chỉnh, tái cấu trúc ngành thú y đang mỗi địa phương làm một phách, thậm chí "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
"Qua nhiều đợt dịch bệnh trên vật nuôi như cúm gia cầm, heo tai xanh, dịch tả lợn châu Phi mà mới đây là dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò mới thấy vai trò của lực lượng thú y với cơ sở là rất quan trọng, cần sự phản ứng nhanh của lực lượng, thậm chí ở một số địa bàn chăn nuôi trọng điểm phải có thú y cấp xã" – ông Lương nói.
Ông Lương cho biết thêm, tiềm năng của ngành chăn nuôi rất lớn, Việt Nam có thể là nhà bếp của thế giới khi cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi rất lớn nhưng nếu không làm tốt công tác thú y, không kiểm soát được dư lượng kháng sinh, vùng an toàn dịch bệnh thì rất dễ mất cơ hội.
"Tháng 5 tới, Mavin dự kiến xuất khẩu rô phi đi châu Âu, chúng tôi đang lo nếu kiểm soát không tốt sẽ ảnh hưởng đến Mavin và ngành chăn nuôi Việt Nam. Do vậy, tôi kiến nghị Bộ NNPTNT phối hợp với các ngành chức năng và địa phương hoàn thiện hệ thống thú y" – ông Lương nói.
Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030 sẽ chú trọng vào 8 nhóm giải pháp quan trọng để hoàn thiện hệ thống thú y.
"Những địa phương đã sáp nhập các trạm thú y thành các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cần kiện toàn lại trạm thú y theo quy định của Luật Thú y. Luật Thú y quy định, trên Trung ương có Cục Thú y, dưới tỉnh là các Chi cục Chăn nuôi - Thú y trực thuộc Cục Thú y, dưới huyện là các trạm chăn nuôi – thú y, trực thuộc Chi cục Chăn nuôi - Thú y, có trách nhiệm thực hiện quản lý chuyên ngành thú y của địa phương đó. Ngoài ra, dưới cấp xã, tùy từng địa phương bố trí lực lượng thú y thực hiện nhiệm vụ tại các xã" – ông Long nói.