Ninh Bình: 13.000 con lợn tiêu huỷ vì dịch tả lợn châu Phi
Ninh Bình: Dịch tả lợn châu Phi "tái xuất", xót xa khi 13.000 con lợn phải tiêu huỷ
Bình Minh
Thứ sáu, ngày 11/12/2020 06:15 AM (GMT+7)
Sau một thời gian dài tạm lắng xuống, dịch tả lợn châu Phi lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều địa phương trên cả nước. Ninh Bình là tỉnh phải chịu thiệt hại nặng với số lượng lợn bị tiêu hủy trên 13.000 con. Trong đó, huyện Gia Viễn và Nho Quan được đánh giá là bị thiệt hại nặng nhất do dịch bệnh này.
Đến nay, tỉnh Ninh Bình mới có 13/97 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi sau 21 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Hiện trên địa bàn vẫn còn nhiều ổ dịch nhỏ lẻ khác đang có nguy cơ lây lan. Điển hình là Mới đây, tại xã Sơn Lai, huyện Nho Quan vừa xuất hiện thêm 1 ổ dịch tả lợn châu Phi.
Ổ dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại hộ gia đình ông Phạm Văn Hòa - là hộ đầu tiên trong thôn có lợn bị chết. Theo ông Hòa, khoảng 17h giờ chiều ngày 7/12, lợn bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn, nước tiểu có màu đỏ và táo bón. Đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, gia đình ông phát hiện 2 con lợn nái đã chết và có biểu hiện ộc máu. Đến 6 giờ sáng lại tiếp tục chết thêm 4 con.
"Tôi khẳng định là chỉ có dịch tả lợn châu Phi. Đây là những con lợn đang ăn uống bình thường, qua theo dõi phân lợn cũng không có gì bất thường, thế nhưng khi lợn dừng ăn một bữa thì có dấu hiệu khác lạ ngay, nhìn con lợn chân đứng còn run run, chỉ có sau mấy tiếng đồng hồ là chết" - ông Hòa đau xót kể lại.
Theo ông Hòa, năm 2019, mặc dù dịch tả lợn châu Phi bùng phát khắp nơi, song đàn lợn của gia đình ông vẫn "bình an vô sự".
Lứa lợn này ông Hòa nuôi tới 49 con, trong đó có 17 lợn nái và 32 lợn thịt, để phòng ngừa dịch bệnh, ông đã rất cẩn thận khi thường xuyên phun phòng thuốc sát trùng, hạn chế người lạ, không cho ra vào chuồng, rắc vôi bột, thế nhưng vẫn không biết nguyên nhân từ đâu mà lợn vẫn bị mắc bệnh.
"Chúng tôi vẫn luôn tuân thủ hướng dẫn phòng dịch là phun phòng dịch rồi khử trùng, còn lợn chết đến đâu là báo tiếp đến đấy chứ không muốn tiêu huỷ cả đàn. Bây giờ mà dịch lây lan sang hết cả đàn, rồi cả đàn lại bị tiêu hủy thì bao giờ chúng tôi mới tái đàn lại được" - ông Hòa thở dài nói.
Theo ông Phạm Quang Sáng - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Nho Quan, ngay sau khi nhận được thông báo từ thú y cơ sở, cơ quan chuyên môn đã có mặt kiểm tra tình hình dịch bệnh, mổ lợn kiểm tra bệnh tích.
"Qua công tác kiểm tra thì lợn có triệu chứng điển hình bệnh dịch tả lợn châu Phi, lợn sốt bỏ ăn, vùng da mỏng sốt huyết tím. Sau khi mổ khám kiểm tra bệnh tích lách mủn sưng thâm đen, qua đó có thể kết luận lợn của gia đình ông Hòa đã mắc dịch tả lợn châu Phi" - ông Sáng cho biết.
"Cơ quan chuyên môn kết hợp UBND xã tiến hành tiêu hủy đúng quy trình vệ sinh thú y, quyết không để dịch bệnh lây lan rộng" - ông Sáng nói.
Cũng theo ông Hứa Mạnh Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lai (huyện Nho Quan), xã Sơn Lai hiện có tổng đàn lợn gần 2.000 con, với hơn 153 hộ chăn nuôi. Số lợn đã chết do dịch tả lợn châu Phi tính đến nay là trên 90 con xảy ra tại 5/12 thôn.
Để phòng ngừa sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, ông Trình cũng cho rằng, đầu tiên là cần tuyên truyền trên loa đài truyền thanh 3 cấp, cách phòng chống dịch bệnh, phun phòng và bảo vệ chuồng trại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.