Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, tổng diện tích 15.000m2, đặt tại KCN Thành Thành Công, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng.
Đây là nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao thứ 2, sau nhà máy ở tỉnh Lâm Đồng, được Bel Gà xây dựng tại Việt Nam. Trong giai đoạn 1, nhà máy ấp trứng gia cầm Bel Gà Tây Ninh có công suất 19 triệu con gà giống mỗi năm.
Đến giai đoạn 2, nhà máy ấp trứng này sẽ mở rộng quy mô sản xuất lên 38,4 triệu con gà giống mỗi năm.
Ông Kris Van Daele - Tổng Giám đốc Bel Gà Việt Nam và Campuchia cho biết, tuy quy mô không quá lớn nhưng nhà máy có ý nghĩa chiến lược trong kế hoạch phát triển ngành chăn nuôi.
"Đến ngày 21/4, lứa gà gống đầu tiên theo tiêu chuẩn châu Âu sẽ chào đời ở nhà máy này. Chúng tôi cam kết sản phẩm gà giống hướng trứng và hướng thịt tốt nhất để cung cấp cho thị trường", ông Kris Van Daele nói.
Lãnh đạo của Bel Gà cho biết, chính vị trí đặt nhà máy ấp trứng cũng góp phần nâng cao chất lượng gà giống.
Theo đó, thời gian vận chuyển gà giống từ Tây Ninh đến khu vực ĐBSCL chỉ còn khoảng 4-5 giờ; sang Campuchia chỉ tốn 1 giờ đồng hồ.
Ông Kris Van Daele phân tích, điều này giúp gà giảm bớt căng thẳng (stress) khi di chuyển đường dài.
Cũng từ Tây Ninh, gà giống được vận chuyển ra miền Bắc nhanh chóng vì ở gần sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Điều kiện thuận lợi này sẽ giúp Bel Gà phát triển kinh doanh và đảm bảo cung ứng nguồn gà giống tốt trong các chuỗi liên kết ra khu vực phía Bắc.
Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc De Heus Châu Á cho biết, từ năm 2017, Bel Gà đã cùng Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn và Công ty Koyu Unitek xây dựng chuỗi liên kết sản xuất thịt gà sạch, xuất khẩu sang Nhật Bản.
Quy mô phát triển của chuỗi liên kết đến nay cho thấy sự cần thiết phải có 1 nhà máy ấp trứng công nghệ cao ở khu vực phía Nam.
"Nhà máy ấp trứng gia cầm Bel Gà Tây Ninh chính thức vận hành sẽ góp phần giải quyết những "nút thắt" trong chuỗi liên kết mà các đối tác đang tham gia", ông Gabor Fluit nói.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND Tây Ninh cho biết, nhà máy ấp trứng công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh là minh chứng cho nỗ lực tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Bằng các dự án thiết thực, tỉnh Tây Ninh cam kết đồng hành và hỗ trợ để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh sản xuất.
"Thành công của nhà máy ấp trứng công nghệ cao Bel Gà, cũng như các dự án đầu tư khác cũng là thành công của tỉnh Tây Ninh", ông Ngọc cho biết.
Chia sẻ tại lễ khánh thành, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao nỗ lực phát triển chăn nuôi công nghệ cao, liên kết chuỗi của các doanh nghiệp và địa phương.
Thứ trưởng nhận định, định hướng phát triển nhà máy ấp trứng công nghệ cao phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp từ Trung ương, bộ ngành đến các địa phương.
Tỉnh Tây Ninh có đàn gia cầm khoảng 8 triệu con, đứng thứ 3 trong các tỉnh Đông Nam bộ. Chăn nuôi gia cầm ở Tây Ninh thời gian qua đã có bước tiến đáng kể từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung và hiện đại.
"Nhà máy ấp trứng hôm nay không chỉ tạo ra việc làm cho lao động nông thôn mà còn tạo động lực phát triển chăn nuôi ở địa phương. Từ đó, Tây Ninh sẽ góp phần thiết thực vào chiến lược phát triển chăn nuôi của cả nước", Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Sau nhà máy ấp trứng ở TX. Trảng Bàng; Công ty Bel Gà, Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 1 Tổ hợp khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng tại Tây Ninh.
Tổ hợp này gồm 2 trang trại gà bố mẹ (công suất 25 triệu trứng/năm); 250 trang trại chăn nuôi gà thịt an toàn (công suất 25 triệu con/năm). Tổng mức đầu tư cho các dự án dự kiến khoảng 141,5 triệu USD, tương đương khoảng 3.325 tỷ đồng.