Được biết trước đó vào tháng 8/2012, Công ty Dosnavina đã tài trợ cho xã An Bình xây dựng hoàn thành, đưa vào hoạt động Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt trị giá 1 triệu USD, gồm 2 tổ máy có công suất lọc 200 khối/ngày đêm, để cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 100 hộ dân đảo sinh sống tại đảo này.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên lượng nước sinh hoạt từ nhà máy cung cấp, không đủ so với nhu cầu sinh hoạt của người dân trên đảo này.
Đặc biệt là những năm gần đây, đảo An Bình trở thành điểm du lịch, có thời điểm thu hút lượng khách đến tham quan tính bằng con số hàng ngàn lượt/ngày, nên nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt càng tăng cao, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn.
Theo đó để có nước sinh hoạt cho gia đình, phục vụ du khách đến tham quan tại đảo An Bình, người dân đảo này phải mua thêm nước ngọt từ trung tâm huyện Lý Sơn (đảo lớn) chở sang, với giá cao gấp từ 25-40 lần so với đất liền.
Cụ thể tại thời điểm này, giá nước ngọt mà người dân An Bình mua tại đảo lên đến trên dưới 300.000 đồng/m3, đắt hơn khoảng 40 lần so với đất liền.
Sáng 17/4, trao đổi với PV Báo Dân Việt, Phó Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn Phạm Thị Hương xác nhận: Tuy đảo An Bình đã có nhà máy khử nước mặn, cung cấp nước ngọt nhưng do một số nguyên nhân, lượng nước cấp hiện chỉ khoảng 40 lít/người/ngày.
Với số lượng nước sinh hoạt được cấp nêu trên chưa nói đến phục vụ cho khách du lịch, ngay đến nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân nơi đây cũng không đủ.
Vì vậy theo Phó Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn Phạm Thị Hương, việc người dân đảo An Bình phải mua thêm nước ngọt từ đảo Lớn chở sang với giá rất đắt, từ 200-300.000 đồng/m3 là có thật.
Đặc biệt là từ đầu năm đến giờ khu vực đảo An Bình mưa rất ít, dẫn đến việc tích luỹ thêm nguồn nước trời của người dân gần như không có.
Nếu thời tiết khô hạn (không mưa) tiếp tục kéo dài như vừa qua, tình trạng thiếu nước ngọt của người dân đảo An Bình sẽ trầm trọng hơn, vị Nữ Phó Bí thư Huyện uỷ Lý Sơn bày tỏ.