Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thu hồi 13 dự án ở khu đô thị mới Nam TP.HCM do giao đất quá lâu nhưng vẫn "án binh bất động". Tuy nhiên, về "thâm niên" thì các dự án này vẫn chưa là gì so với bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nơi siêu đô thị Bình Quới - Thanh Đa đã treo nửa đời người.
Cách trung tâm quận 1, TP.HCM chỉ 15 phút đi xe máy nhưng bán đảo Thanh Đa bao năm qua vẫn thế, bền vững là một vùng quê hẻo lánh, nhà thưa xen giữa những cánh đồng.
Vừa qua khỏi cây cầu Kinh Thanh Đa, chạy thêm một đoạn là đến phường 28, quận Bình Thạnh. Người dân quen gọi toàn bộ khu vực này là bán đảo Thanh Đa bởi 4 mặt đều được sông Sài Gòn bao bọc.
Chạy sâu vào đường Bình Quới, con đường huyết mạch của bán đảo Thanh Đa rồi rẽ vào các con đường nhỏ thuộc khu phố 1, 2, 3 (phường 28), cảnh thôn quê hiện lên càng rõ nét.
Gia đình anh Lê Minh Hiếu (khu phố 3) nằm cặp con đường đê xi măng đủ cho 2 xe máy đi ngược chiều nhau. Cạnh nhà anh Hiếu là những cánh đồng lau sậy bạt ngàn, phải đi tiếp gần trăm mét nữa mới thấy vài mái nhà lúp xúp nằm dưới hàng dừa, khuất sau giàn hoa râm bụt.
"Nhà tôi thế này là còn dễ tìm hơn nhiều nhà khác bởi nằm cạnh đường đê, chạy sâu vào nữa, hết đường xi măng là càng khó đi. Ở đây mà kiếm theo địa chỉ nhà là thua", anh Hiếu nói. Đúng như anh chia sẻ, càng vào sâu bên trong, đường đê càng hẹp, đất đá và cỏ chen nhau.
Chạy thêm một đoạn, xe máy nằm giữa con đê nhỏ xíu, hai bên đều là ruộng đồng. Không phải dân địa phương, chưa quen đường, tay lái lảo đảo, lại không đủ chỗ quay đầu nên loay hoay một lát, xe suýt xuống mương.
Anh Hiếu thở dài bởi mang tiếng là người Sài Gòn nhưng mọi thứ ở Thanh Đa chẳng khác nào ở vùng quê các tỉnh miền Tây. Nhà cửa vẫn là những căn nhà cấp 4, nhà tạm với tường gạch, mái tôn nằm xen kẽ ruộng đồng; đường đê thay vì đường nhựa; tiếng chim, tiếng gà nghe buồn não ruột buổi ban trưa.
Hàng nghìn hộ dân Thanh Đa đang sống trong cảnh "làng trong phố" hy hữu tại TP.HCM. Nhiều người ở tỉnh có vợ, lấy chồng mang tiếng là người Sài Gòn, những tưởng sẽ có một cuộc sống hiện đại hơn theo kiểu thành thị nhưng quanh năm vẫn chỉ quẩn quanh với ruộng đồng.
"Bạn của tôi ở quê lên chơi, dẫn vào nhà và đi tham quan một số nơi ở Thanh Đa, họ cười rồi nói thành phố gì mà còn quê hơn tỉnh. Còn bạn bè ở cơ quan, cuối tuần nào rảnh là rủ về Thanh Đa đi câu cá để thư giãn. Quận 1 sát bên đó mà nhìn lại Thanh Đa thì…", anh Hiếu chua xót.
Anh Lê Minh Hiếu sống và lớn lên tại Thanh Đa từ nhỏ. Quy hoạch khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa có hồi năm 1992, thời điểm đó, anh Hiếu còn học phổ thông. Hiện anh đã lập gia đình, con cái tới tuổi đến trường nhưng vẫn chưa thể hình dung Thanh Đa sau quy hoạch sẽ như thế nào.
Bà Lê Thị Nhã (55 tuổi, khu phố 2, phường 28) buồn nhiều khi nói về quy hoạch treo. Theo bà, vấn đề tuy không còn mới nhưng luôn nóng với người dân Thanh Đa, họ đã chờ dự án mòn mỏi suốt gần 30 năm qua. Bà Nhã cũng ngậm ngùi cho biết dự án quy hoạch treo đã có từ thời cha mẹ, đến thời bà rồi con cháu nhưng vẫn chưa thấy đâu.
"Hồi đó, má tôi nói chờ quy hoạch, có chút tiền để ăn sung mặc sướng cho biết với người ta nhưng bà chết 20 năm rồi. Giờ tôi đã có cháu nội, tức quy hoạch qua 3-4 thế hệ nhưng vẫn chưa thấy làm. Tôi lại vừa trải qua hai cơn tai biến, sức khỏe yếu đi nhiều", bà nhìn xa xăm sang căn nhà dựng tạm, tuềnh toàng.
So với vài năm trước, hiện Thanh Đa đã được cải thiện hơn. Một số đường đê chính đã được nhựa hóa, đèn điện, nước máy đã về với hầu hết người dân. Công trình đê bao cặp sông Sài Gòn phần nào giảm ngập lụt.
Tuy nhiên, nhiều người dân Thanh Đa cho rằng những thay đổi này có là gì so với sự phát triển của thành phố những năm qua. Các vùng quê ở miền Tây còn chuyển mình đứng dậy nhưng ở đây bà con chỉ mới có đủ điện nước, đường đê bê tông hóa, công trình đê bao để không còn cảnh ngập lụt vào mùa lũ.
Tại kỳ họp thứ 24 HĐND TP.HCM ngày 23/3 mới đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, đã nhắc đến quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa. Bà Tâm cho biết: "Người dân khu vực này đã chờ nửa đời người nhưng dự án vẫn chưa thực hiện". Sự chờ đợi của người dân ở dự án này rốt cục vẫn còn nằm trên giấy.
Không riêng bà Tâm, trước đó, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, cũng nói lên bức xúc của cư dân Thanh Đa. Theo ông, vì dự án treo mà dân Thanh Đa cũng điêu đứng như dân Thủ Thiêm, điều kiện sinh hoạt thậm chí còn tệ hơn các khu tạm cư.
Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được quy hoạch từ năm 1992 với quy mô hơn 426ha. Theo quy hoạch, đây sẽ là khu đô thị sinh thái với đầy đủ chức năng, dân số khoảng 41.000 người. Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư. Do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được, năm 2010, chính quyền TP.HCM thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án.
Cuối năm 2015, Liên doanh Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng từ giữ năm 2017, Emaar Properties PJSC thông báo rút lui, một trong những lý do đưa ra là không đủ kiên nhẫn chờ đến lúc được bàn giao đất đã giải phóng mặt bằng. Do đó, chỉ còn Bitexco "ôm" dự án, thành phố có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng.
Cuối năm 2018, có thông tin dự án Bình Quới - Thanh Đa được 1 nhà đầu tư sẵn sàng ứng trước 3 tỷ USD để triển khai. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin nhà đầu tư đó triển khai các bước tiếp theo tại dự án lận đận này. Sau 30 năm, quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa gần như trở lại vạch xuất phát.
Đón đọc: "Siêu đô thị" tỷ USD Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài 2): Sống khổ, làm ruộng bên sông Sài Gòn