"Siêu đô thị" tỷ đô Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài 2): Sống khổ, làm ruộng bên sông Sài Gòn

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 25/04/2021 06:57 AM (GMT+7)
Sửa chữa, xây cất nhà cửa tưởng chừng là việc bình thường nhưng với cư dân Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM), điều này là mơ ước suốt 30 năm qua vì vướng quy hoạch treo.
Bình luận 0

Bà Trần Thị Kim Việt (70 tuổi, ngụ phường 28, quận Bình Thạnh) ngồi tròng trành trên chiếc võng mắc tạm ngoài vườn. Nhà bà Việt nằm cuối con đường đê xi măng, gần sông Sài Gòn ngay trong quy hoạch khu đô thị tỷ đô Bình Quới - Thanh Đa. 

Căn nhà cấp 4 đóng cửa im ỉm được xây cất hơn chục năm qua, gia cố không biết bao nhiêu lần vì ngập nước.

Loay hoay trên đất thổ cư

Từ dạo Thanh Đa có đê bao cặp sông Sài Gòn, bà Việt mới đỡ lo nhưng sau bao năm, căn nhà vẫn tuềnh toàng, bạm bợ. 

Bà cho biết sở dĩ lâm vào cảnh trớ trêu này vì đất đai nằm trong dự án quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa nên không thể xây cất mới. 

Nói đúng ra là nếu muốn cất mới, sửa chữa thì phải cam kết nếu sau này quy hoạch, người dân chỉ nhận được bồi thường cho phần nguyên trạng trước đây.

"Siêu đô thị" tỷ USD Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài 2): Dân Thanh Đa cưới vợ, rồi ở đâu? - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Kim Việt với căn nhà cấp 4 tềnh toàng, xung quanh toàn ruộng đồng, ao cá. Ảnh: Hồng Phúc.

Gia đình bà Việt và nhiều người dân Thanh Đa phải chọn cách sống tạm vì tiền đâu mà cất nhà, cất rồi lỡ quy hoạch thì sao. 

"Nhà có 5 đứa con, mà giờ này vẫn mỗi một mình tôi ở nhà. Nhà cửa chật hẹp quá mà tất cả đều phải ở chung nên tối chúng mới về, chỉ để ngủ. 

Thấy chật chội, nhà nằm sâu trong ngày, một người con của tôi ra ngoài ở trọ. Có đất, có nhà cửa ở Sài Gòn mà phải đi thuê nhà để ở", bà Việt thở dài.

Chỉ vào vách tường thường xuyên ngấm nước mỗi khi lụt và đặc biệt mùa mưa đang đến, bà Hoa (phường 28, quận Bình Thạnh) nhớ như in việc đã nhiều lần làm đơn xin nâng nền, sửa chữa nhà. 

Mỗi lần triều cường, mưa lớn, nhiều khu vực ở Thanh Đa khó thoát nước càng khiến nhà cửa xuống cấp nhanh hơn. 

Nhưng việc xin sửa chữa nhà không hề dễ dàng bởi quy hoạch treo. Mỗi lần nộp đơn, bà Hoa phải chờ 3-4 tháng mới được chính quyền chấp thuận. 

Đó là với nhà cửa có giấy tờ pháp lý, ngược lại, nếu không có giấy tờ, việc cấp phép cho xây dựng còn khó nhằn hơn.

Cũng vì quy hoạch treo, cư dân Thanh Đa không thể tách thửa, chia đất cho các con dù chúng đã đến tuổi dựng vợ, gả chồng. 

Gia đình nhiều thế hệ sống chung trong một căn nhà cấp 4 là tình cảnh chung của các gia đình tại bán đảo Thanh Đa hiện nay.

"Tôi nói thật, trong gia đình, việc ăn uống có thể chung mâm nhưng nhà cửa làm sao ở chung mãi được. Con cái lớn rồi, chúng cũng cần có cuộc sống riêng nhưng vì quy hoạch nên không thể tách thửa, chia đất được", vợ ông Nguyễn Văn Dũng (khu phố 2, phường 28) trăn trở. 

Nghĩ về gia đình, vợ ông buồn nhiều vì người con trai thứ hai năm nay đã 30 tuổi nhưng vẫn chưa tính đến chuyện lấy vợ, bởi cưới rồi lại phải loay hoay: Chấp nhận ở chung hay ngậm ngùi ra ngoài ở trọ?

Nông dân giữa Sài Gòn

Dành nhiều ngày ở Thanh Đa, chúng tôi thấy rằng người dân nơi đây không chỉ sống trong những căn nhà tạm mà cuộc sống của họ cũng quanh quẩn với nhiều công việc rất "nông thôn" giữa trung tâm TP.HCM như trồng trọt, nuôi bò, thả cá, câu cá…

"Siêu đô thị" tỷ USD Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài 2): Sống khổ, làm ruộng bên sông Sài Gòn - Ảnh 2.

Ông Thảnh trên mảnh đất trồng hoa màu của gia đình, bên kia sông Sài Gòn là những toà nhà chọc trời. Ảnh: Hồng Phúc.

Mới tờ mờ sáng, ông Lê Văn Thảnh (gần 80 tuổi, khu phố 2, phường 28) cót két đạp xe ra đồng. Từ hồi mổ bao tử, ông hạn chế lao động, sáng ra vài tiếng, chiều muộn ra thêm khoảng 1 tiếng đồng hồ. 

Mấy đứa con thấy ông lớn tuổi, không cho ra đồng nhưng làm nông từ đó đến giờ ở Thanh Đa, ông buồn chân, ra làm cỏ, xới đất một chút rồi về. 

Gia đình ông có gần 1ha đất nông nghiệp. Ông khoanh làm từng mảnh để trồng dừa, mía, rau lang và một số loại hoa màu khác. 

"Trồng nhiêu đây chủ yếu để vợ chồng già ăn và giữ đất, chứ đất đai của mình mà để hoang, cỏ mọc đầy nhìn xót lắm", ông Thảnh nói.

Chỉ qua mảnh ruộng trơ gốc rạ kế bên, ông nói đó là hộ hiếm hoi còn trồng lúa. Khu vực này mấy năm trước, khoảng tháng 8-9, lúa vào mùa, vàng rực. 

Dân Thanh Đa làm lúa hai vụ mỗi năm, một sào được 20 giạ là đủ ăn. Nhưng nước sông ngày càng nhiễm mặn, lúa tới mùa không đủ làm thức ăn cho chim chuột. Vì vậy, số lượng người trồng lúa giảm dần và hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói như bà Lê Thị Ba (vợ ông Thảnh), số ông khổ. Hồi đi cách mạng, ông ở tù dữ dằn, bà lặn lội đi thăm. Về Thanh Đa bao năm qua, bây giờ vẫn khổ, cứ là nông dân chân đất ở Sài Gòn mấy chục năm. 

Hai vợ chồng đều mong quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa nhưng dự án cứ treo hoài.

Trời sập tối, ông dắt chiếc xe đạp cũ đi về, gặp ngay hàng xóm, ông Nguyễn Văn Phước vừa đi xem mấy công dừa đang bắt đầu cho trái. Ông Phước cũng bỏ lúa cách đây 2-3 năm, lên luống trồng dừa nhưng chưa tính nhiều đến hiệu quả kinh tế, quan trọng nhất vẫn là giữ đất.

Hai người đàn ông đi trên con đê nhỏ xíu, ông Thảnh chỉ dám dắt bộ. Còn ông Phước nhìn sang bên kia sông Sài Gòn, khu đô thị Thảo Điền và nhiều tòa nhà đang mọc lên, tòa tháp Landmark 81 cao nhất Đông Nam Á đã sừng sững ở đó tròn 2 năm.

Lần nào thăm dừa, thăm đất, ông cũng nhìn sang bên kia sông. Ông nói với vẻ thoáng buồn: "Quỹ đất của TP.HCM còn bao nhiêu đâu. Đất đai Thanh Đa thì bạt ngàn. Quy hoạch treo nửa đời người rồi, chúng tôi cũng thôi trông ngóng".

Đón đọc: "Siêu đô thị" tỷ USD Bình Quới - Thanh Đa treo 30 năm (Bài 3): Giấc mơ của dân Thanh Đa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem