Báo cáo thường niên năm 2020 của CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) cho biết, sau khi ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Coteccons, HĐQT Công ty còn lại 5 thành viên.
Bao gồm: Ông Bolat Duisenov, Tổng giám đốc Kusto Việt Nam là Chủ tịch và các Thành viên HĐQT là ông Talgat Turumbayev - Giám đốc điều hành của Kusto Group ủy quyền cho ông Lý Xuân Hải; ông Herwig Guido H.Van Hove, đại diện cho cổ đông The 8 và ủy quyền cho bà Trịnh Quỳnh Giao; ông Yerkin Tatishev, người sáng lập và hiện là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kusto ủy quyền cho ông Tô Quang Tùng; cùng thành viên độc lập là ông Tan Chin Tiong.
Như vậy có đến 3 thành viên HĐQT ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên HĐQT tại Cotecons.
Trong đó, nổi bật là sự hiện diện của bà Trịnh Quỳnh Giao, bóng hồng duy nhất trong các lãnh đạo của CTD, dù không trực tiếp đảm nhận vị trí lãnh đạo nào trong doanh nghiệp nhưng được cho là có quyền lực lớn ở Coteccons.
Theo tìm hiểu, bà Trịnh Quỳnh Giao sinh ngày 14/5/1979, trình độ chuyên môn là Cử nhân Tài chính - Kế toán - Đại học New South Wales - Úc; Thạc sỹ Ngân hàng-Tài chính - Đại học Paris Dauphine - Pháp; Cử nhân Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Bà Trịnh Quỳnh Giao là tên tuổi khá quen thuộc với giới đầu tư, vì đã có thời gian làm đại diện vốn góp cho Red River Holding, một quỹ đầu tư nổi tiếng có cổ phần ở rất nhiều công ty quy mô lớn ở Việt Nam, như Công ty cổ phần Vicostone; CTCP Everpia; CTCP Nhựa Ngọc Nghĩa; Hoa Sen; Vĩnh Hoàn; FPT, Bột giặt Lix; Thủy sản Minh Phú...
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là tại những doanh nghiệp này thường xảy ra mâu thuẫn cổ đông lớn, mâu thuẫn với ban điều hành doanh nghiệp dẫn đến tình trạng kinh doanh bết bát.
Theo đó, năm 2015, CTCP Công nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (NNG) được giới tài chính nhắc đến khá nhiều “nhờ” những xung đột và khiến Quỹ đầu tư Red River Holding phải “ra đi”. Red River Holding phải bán lại cổ phiếu NNG cho công ty này giá 22.000 đồng/cổ phần, chênh lệch không đáng kể so với mức giá mua vào 19.975 đồng sau 5 năm quỹ đầu tư vào công ty.
Được biết, năm 2009, NNG công ký hợp đồng bán 4 triệu cổ phiếu cho RRH với giá bán 20.000 đồng/cổ phiếu. Theo hợp đồng, RRH được quyền cử 1 đại diện tham gia HĐQT của Ngọc Nghĩa (RRH đã đề cử ông Jean Eric Jacquemin, Chủ tịch kiêm TGĐ RRH và việc đề cử này đã được ĐHCĐ của Ngọc Nghĩa biểu quyết thông qua).
Đến năm 2011, chịu ảnh hưởng từ các khó khăn kinh tế, Ngọc Nghĩa gặp lỗ. Năm 2012, công ty có lãi trở lại và chia cổ tức 10%. Lúc này, khi cổ tức không đạt kỳ vọng, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.
Theo lãnh đạo của Ngọc Nghĩa, RRH luôn hối thúc công ty sớm niêm yết trên thị trường chứng khoán để tạo thanh khoản khi RRH thoái vốn và chốt lời. Mọi hoạt động khác của công ty nếu ảnh hưởng đến mục tiêu này đều bị RRH phản đối hoặc tìm cách phủ quyết và gây khó khăn.
Mâu thuẫn giữa 2 bên lớn hơn khi tháng 6/2013, ông Jean thay mặt RRH gửi thư yêu cầu Ngọc Nghĩa phải mua lại cổ phần với giá 57.000 đồng/cổ phần (trong đó RRH tính giá mua ban đầu là 20.000 đồng, sau đó tính lãi kép hàng năm là 30%, các khoản cổ tức không được quỹ này tính đến).
Trước những việc làm xung đột lợi ích và nhận thấy khó có thể thỏa thuận tiếp, HĐQT Ngọc Nghĩa đã bãi nhiệm được đại diện của Red River Holdings khỏi HĐQT Công ty.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại CTCP Vicostone (HNX: VCS) và CTCP Everpia (HOSE: EVE), Red River Holding đều yêu cầu doanh nghiệp chi trả cổ tức mỗi năm ở mức cao nhằm "vắt" toàn bộ lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp đang cần nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.
Khi không được đáp ứng, Red River Holding phản ứng bằng cách phủ quyết các tờ trình tại mỗi mùa ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, kết cục cuối cùng là Red River Holding phải thoái vốn và "rút người" khỏi doanh nghiệp.
Đáng nói, sau khi cổ đông ngoại này "ra đi", cổ phiếu VCS tăng 24 lần, trong khi cổ phiêu EVE tăng 66% trước khi đi ngang.
Trở lại với Coteccons, sau những xung đột nội bộ mà kết quả là sự ra đi của ông Nguyễn Bá Dương, CTD từ một doanh nghiệp có tài chính mạnh bậc nhất Việt Nam với trữ tiền mặt thường xuyên trên 30% tổng tài sản, không có bất kỳ khoản nợ vay nào. Đến nay dưới đế chế của Kusto và sự xuất hiện của bộ đôi bà Trịnh Quỳnh Giao và ông Lý Xuân Hải, nguyên tổng giám đốc Ngân hàng ACB, Coteccons sẽ bước sang thời kỳ mới, thời kỳ có vay nợ.