Không chỉ mất tiền, nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng do nợ nần, thậm chí phải rời bỏ cả gia đình. Giám đốc Công an TP.Hà Nội chỉ đạo khẩn trương xác minh, triệu tập những người có liên quan đến thông tin chủ vườn lan "ôm" tiền tỷ bỏ trốn để điều tra, làm rõ.
Ngày 14-4, nguồn tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố vừa chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, cùng Công an huyện Ứng Hòa khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc liên quan đến thông tin chủ vườn lan trên địa bàn huyện Ứng Hòa "ôm" hàng tỷ đồng tiền của khách mua lan rồi bỏ trốn.
Tuy nhiên, đến ngày giao cây, các khách hàng không liên lạc được với chủ vườn lan. Khi đến nhà, các khách hàng không gặp được và không biết chủ vườn lan đi đâu.
Tổng số tiền theo đơn trình báo khoảng 11 tỷ đồng. Cùng ngày, giới chơi lan đột biến đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội rằng một chủ vườn lan ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (TP.Hà Nội) đã "ôm" hàng trăm tỷ của khách hàng rồi bỏ trốn.
Theo đó, số tiền lên đến hàng trăm tỷ là do khách hàng đã đặt mua từ chủ vườn lan với nhiều loại lan có giá trị kinh tế cao như Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước... Đây là những loại lan theo định giá của giới chơi lan đột biến có giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/cm.
Người dân ở thôn Đinh Xuyên cho biết, chủ vườn có tên N.H.T, là người sống khép kín, ít giao thiệp với hàng xóm kể từ ngày chơi lan.
Trước đây T. làm nghề cưa gỗ rồi chuyển sang trồng hoa lan từ khoảng 2016 - 2017. Ở địa phương có nhiều hộ gia đình trồng lan kinh doanh, nhưng về quy mô thì vườn của anh T. là một trong ba hộ có quy mô lớn nhất, thậm chí quy mô lớn hàng đầu trong huyện.
Sự việc chỉ phát sinh trong vài tháng trở lại đây khi T. hợp tác với một người đàn ông tên C. (ở Hà Nội) và đã trở thành nạn nhân. "Sáu tháng trở lại đây anh T. có thân với một người chơi lan ở Hà Nội do gửi hoa lan nhờ chăm sóc.
T. đã đặt của người này khoảng 30 tỷ đồng để mua lan đột biến, sau đó nhận đặt cọc của một số người để bán lại. Nhưng lan không ra đúng loại nên mới vỡ lở chuyện này. Số tiền có thể không lớn như đồn thổi bởi giới chơi lan có "luật bất thành văn" là đền tiền hoặc lan nếu sản phẩm mua không chuẩn", hàng xóm cho biết.
Ông Nguyễn Như Tuyển - Chủ tịch UBND xã Hòa Nam xác nhận, chiều 12-4 có khoảng 20 ôtô đỗ trước cửa vườn lan Hà Thanh nhưng diễn ra trong im lặng, không có bất cứ xáo trộn nào.
"UBND xã chưa nhận được đơn thư tố cáo lừa mua bán hoa lan đột biến nào của người dân về việc anh N.H.T "ôm" 200 tỷ đồng bỏ trốn. Phải có đơn tố cáo có dấu hiệu lừa đảo, liệt kê số tiền thì xã mới có căn cứ xác minh. Gia đình anh T. cũng không trình báo về việc người lạ đến gây rối", ông Tuyển nói và thông tin anh T. chưa có bất cứ vi phạm pháp luật nào tại địa phương.
Cơn sốt lan đột biến đẩy lên đỉnh điểm khi các đại gia sẵn sàng vung tay cả trăm tỷ đồng để mua. Không ít hộ gia đình đã thế chấp đất đai, nhà, tài sản để vay tiền ngân hàng tham gia góp vốn kinh doanh lan đột biến.
Và khi phát hiện bị lừa, nhiều người mua phải hàng dỏm chỉ còn cách cay đắng chấp nhận vì kẻ lừa đảo đã "cao chạy xa bay".
Khi giao dịch xong thì người bán xóa tài khoản Zalo, Facebook, không còn cách nào liên lạc lại. Nếu là giao dịch thật thì phải có cam kết đến khi ra hoa nhưng các nhóm lừa đảo biết rõ không phải lan đột biến nhưng rao bán giá hoa đột biến.
Trước khi giao cây, những mầm hoa này đều bị tưới nước muối hoặc phun thuốc diệt cỏ. Người mua bỏ ra cả chục triệu, trăm triệu mua về nhưng chỉ vài ngày là cây chết. Khi đó, người bán quay sang đổ lỗi cho quá trình chăm sóc và đây là cách nhóm lừa đảo xóa bằng chứng để chối bỏ trách nhiệm đền bù.
Tháng 12-2020, Công an H.Tân Sơn (Phú Thọ) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Bùi Văn Điệp (24 tuổi), Đinh Văn Đô (21 tuổi) và Đinh Văn Sự (31 tuổi). Nhóm này đã sử dụng phương thức tinh vi khi tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thường bằng keo dán đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng của nhiều người.
Gần đây nhất, ngày 14-1-2021, Công an H.Yên Thủy (Hòa Bình) khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tạ Thị Suối Vân (29 tuổi, ở xóm Đội 2, xã Bảo Hiệu, H.Yên Thủy) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán hoa lan giả trên các trang mạng xã hội. Từ tháng 6 đến tháng 7-2020, Vân đã lừa bán lan đột biến giả cho nhiều người với tổng số tiền giao dịch lên đến 4,6 tỷ đồng.
Ngày 22-3-2021, Công an tỉnh Tuyên Quang lần thứ hai phát đi thông điệp cảnh báo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng khi các đối tượng lợi dụng giao dịch mua bán hoa lan đột biến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Lan đột biến được giao dịch với giá "trên trời" tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự. Trên thực tế, không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn "tín dụng đen" để đầu tư.
"Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", "đòi nợ thuê”, tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản", Công an tỉnh Tuyên Quang cảnh báo.
Thượng tá Nguyễn Thành Chung, Phó giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang: Trước tình trạng mua bán phong lan đột biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các loại tội phạm, lãnh đạo công an tỉnh vừa ra thông báo khuyến cáo người dân nên thận trọng khi mua bán phong lan đột biến.
Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ cơ quan, đơn vị; làm tốt công tác quản lý, phổ biến, tuyên truyền giáo dục pháp luật đến cán bộ, đảng viên và người dân. Kiên quyết không để các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo người dân vào các hoạt động lừa đảo bằng việc kinh doanh lan đột biến.
Thượng tá Võ Khánh Vân - Phó trưởng Công an huyện Di Linh - Lâm Đồng: Để tạo niềm tin, các đối tượng lừa đảo bán hoa lan đột biến thường kèm giấy bảo hành, cam kết đúng loại cây và đúng mặt hoa. Cây được rao bán có hình dáng rất giống loài phong lan giá trị cao cho nên những người không phải chuyên gia, dân chơi lan sành sỏi sẽ rất khó phát hiện.
Bởi thế, những người mới tập chơi lan thường được các đối tượng này nhắm đến.Trong giới sinh vật cảnh, có những người hiểu biết và lặng lẽ chơi phong lan đột biến đã lâu, nhưng chỉ khoảng vài năm trở lại đây giống cây này mới có thị trường và trở nên "nóng sốt".
Hầu hết các cuộc giao dịch đều tính giá trị trên từng xen-ti-mét cây. Thậm chí, có những giò phong lan phi điệp đột biến được phát giá lên tới hàng chục tỷ đồng, những giao dịch mua bán ồn ào được thông tin, quảng bá rộng rãi khắp mạng xã hội... càng lúc càng thu hút nhiều người đầu tư mong kiếm siêu lợi nhuận.
Vậy phong lan phi điệp đột biến có gì mà đắt đỏ? Theo các chuyên gia, là bởi đặc điểm hiếm có, độc lạ và khó chăm sóc của nó. Quá trình đột biến gien tự nhiên sẽ để lại dấu ấn khác biệt cho giò phong lan qua hình dáng lá, màu sắc và đặc điểm của hoa. Phong lan đột biến vốn không có giá trị cụ thể, giá cả là do người bán và người mua quyết định.
Dù chưa thể khẳng định chính xác giao dịch mua bán bạc tỷ là thật hay ảo, có mánh khóe thổi giá hay không, nhưng thực tế là, bỏ một khoản tiền lớn cho một mặt hàng không có sự định giá cụ thể chính là dấn thân vào một cuộc đầu tư may - rủi.
Hiện công an nhiều tỉnh, thành phố đã ra văn bản cảnh báo về rủi ro từ phong trào chơi phong lan phi điệp đột biến; nếu người đầu tư không mua đúng các nhà vườn uy tín thì rất dễ bị lừa. Thông thường, các giao dịch mua bán có giá trị cao luôn được bảo hành bởi người bán.
Song đối với phong lan phi điệp, chỉ khi cây ra hoa thì người mua mới biết có đột biến không. Với điều kiện khoa học nông nghiệp phát triển hiện nay, các chuyên gia chỉ cần trong hai tuần có thể làm cho lan phi điệp nở hoa nếu thân cây đủ lớn và đúng mùa.
Nhưng phần lớn người mua không áp dụng biện pháp này vì sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh sản của cây. Thường từ khi mua một lan mới cắt từ thân mẹ, phải mất tới hai năm mới có thể ra hoa. Thời gian dài đó có thể nảy sinh nhiều tình huống oái oăm, người mua phát hiện bị lừa, tìm đến đòi bảo hành thì kẻ bán đã cao chạy xa bay.
Trước việc phong lan đột biến đang lên cơn "sốt giá”, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, đề ra những chính sách rõ ràng để quản lý chặt chẽ về mặt chất lượng, định giá chính xác; đồng thời, chống thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xử lý nghiêm các cá nhân, hộ kinh doanh có biểu hiện lừa đảo, lợi dụng việc kinh doanh phong lan đột biến để thu lợi bất chính... Có như vậy mới giúp những người đam mê môn nghệ thuật này và kinh doanh phong lan yên tâm phát triển, không bị những hệ lụy tiêu cực của "cơn lốc" làm giàu từ phong lan đột biến