Sơn La: Vùng đất dân làm ruộng cực nhọc nhất Việt Nam, cấy lúa bằng xà beng trên đồng đá cuội

Tuệ Linh - Trung Hải Thứ tư, ngày 21/04/2021 06:10 AM (GMT+7)
Cấy lúa trên những mảnh ruộng đầy đá- điều tưởng chừng như không thể. Nhưng bằng ý chí, nghị lực cộng với đôi bàn tay khéo léo, bao đời qua, hàng ngàn hộ bà con dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú…ở xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã “bắt” vùng đất ngổn ngang sỏi đá thành những mảnh ruộng xanh mướt cho ra hạt gạo dẻo thơm...
Bình luận 0

Clip: Độc đáo, đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú...xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn cấy lúa nước  trên những mảnh ruộng đầy đá cuội.

Hiện nay, ở nhiều địa phương trên cả nước đang diễn ra tình trạng người nông dân bỏ hoang hàng trăm ha ruộng "bờ xôi ruộng mật" vì nhiều lý do, trong đó có việc cấy lúa hạch toán ra lỗ triền miên . 

Nhưng với bà con dân tộc thiểu số ở xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) – một trong những xã cực kỳ khó khăn thì để có được mảnh ruộng cấy lúa nước là cả một hành trình dài gian nan.

Cả xã Nặm Păm sống bằng nghề nông, cây lúa nước là một trong những nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, để có được mảnh ruộng cấy lúa, bao đời nay, những người nông dân nơi đây phải cần mẫn đêm, ngày bới đá, lật sỏi, lựa lại từng chút đất cằn để làm nên những mảnh ruộng mà lựa khéo léo mới cắm được cây mạ xuống.

Làm ruộng trên đá – nhọc nhằn mưu sinh của hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao Nặm Păm - Ảnh 2.

Để có hạt gạo nuôi sống bản thân và gia đình, người dân xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã phải làm ruộng trên đá từ bao đời nay.

Đến với Nặm Păm hôm nay, nhìn những ruộng lúa xanh mướt, trải dài hai bên con suối Nặm Păm, ít ai thấu hiểu được cái nhọc nhằn ẩn chứa sau những thân lúa đang thì con gái. 

Tâm sự với chúng tôi, anh Tòng Văn Phanh, bản Hốc, xã Nặm Păm chia sẻ: Địa hình của xã trải dài theo triền dốc của con suối Nặm Păm dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn. Vì vậy đồng ruộng ở đây cũng nối nhau như những bậc thang vô tận. Con suối Nặm Păm cho người dân chúng tôi nguồn nước để sinh sống nhưng lại là con suối rất hung dữ, thường xuyên gây ra lũ quét, lũ ống. 

Theo ông Phanh, mỗi cơn lũ đi qua, ruộng vườn chỉ còn trơ lại lớp đá, cây que; bao màu mỡ bị cuốn trôi hết. 

Đặc biệt, sau cơn lũ lịch sử xảy ra vào rạng sáng ngày 3/8/2017, toàn bộ diện tích ruộng cấy lúa của người dân bên cạnh con suối Nặm Păm bị đất đá vùi lấp hoàn toàn. 

"Nhà cửa, tài sản, ruộng đồng tan hoang với hàng nghìn khối đất đá, cây cối nằm ngổn ngang. Nhìn ruộng vườn khi ấy, chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong, cắn răng vào cải tạo đất để khôi phục lại diện tích ruộng đã mất...", ông Phanh nhớ lại.

Làm ruộng trên đá – nhọc nhằn mưu sinh của hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao Nặm Păm - Ảnh 3.

Những thửa ruộng trên đá chỉ rộng chừng vài mét vuông cũng được người dân xã Nặm Păm khéo léo xếp đá, tạo bờ và cáy lúa...

Cũng theo anh Phanh, trong những lúc khó khăn nhất thì tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong xã lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Để có mảnh ruộng canh tác, người nông dân ở bản Hốc ngày đêm cùng nhau bới đá, lật cây, lựa lấy mảnh ruộng trồng lúa. 

Do địa hình vừa dốc, vừa hẹp, lại bị nước lũ rửa trôi hết lớp đất màu nên dù dày công cải tạo, có nhiều mảnh ruộng chỉ rộng chừng 5-6 m2

Mỗi vụ gieo trồng, người dân đổ biết bao mồ hôi, công sức nhưng chỉ thu được khoảng từ 5kg đến 6 kg thóc/mảnh ruộng. 

Số thóc ấy quy đổi ra tiền được khoảng từ 50.000 đến 60.000 đồng. Bởi ruộng toàn đá là đá nên năng suất lúa không cao. Khó khăn là thế nhưng bao đời nay người dân Nặm Păm vẫn bám đất, bám bản, chung tay xây dựng quê hương mình.

Làm ruộng trên đá – nhọc nhằn mưu sinh của hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao Nặm Păm - Ảnh 4.

Già bản Lò Văn Cương, bản Hua Nặm, xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) chia sẻ những khó khăn khi làm ruộng, cấy lúa trên đá với phóng viên Báo điện tử Dân Việt.

Còn theo ông Lèo Văn Thắm, công chức địa chính nông nghiệp xã Nặm Păm, làm lúa ruộng ở nơi đây không chỉ đơn giản là khó khăn mà còn là thách thức. 

Nếu không có lòng yêu quê hương, làng bản thì khó mà bám trụ được với nghề nông bởi mọi diện tích lúa ruộng ở đây đều có thể bị thuỷ thần uy hiếp trong mỗi mùa mưa lũ. 

Để ổn định sinh kế cho người dân, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn bà con khôi phục lại diện tích ruộng đã mất. Chỉ tính từ trận lũ lịch sử năm 2017 đến nay, người dân xã Nặm Păm đã khôi phục được 150 ha đất trồng lúa.

"Ban đầu, bà con phải thuê máy xúc về khai hoang lại từng thửa ruộng. Sau đó, theo cách làm của cha ông để lại, bà con huy động anh em, người dân trong bản giúp nhau nhặt những hòn đá to ra xếp thành bờ. Sau đó, phải dùng xà beng, thanh sắt chọc và bẩy đá trên mặt ruộng, rà từng cm để lọc lấy những chút đất còn bám lại làm nền cho ruộng. Việc cải tạo mặt ruộng sau lũ còn công phu hơn cả công binh đi dò bom mìn nơi chiến trận. 

Hộ 4 lao động, làm cật lực một ngày chỉ lọc được từ 10  đến 15 mét vuông mặt ruộng. Có những thửa ruộng cưa đến chục mét vuông nhưng người dân lọc ra tới 7- 8 mét khối đá sỏi. 

Lớp thổ nhưỡng quá mỏng nên có mặt ruộng rồi nhưng khi cấy vẫn phải dùng thanh sắt chọc lỗ để nhét cây mạ xuống. Đất cằn nên dù đổ công chăm sóc cũng khó mà có mùa bội thu như những vùng thuận lợi khác", ông Thắm bảo vậy.

Làm ruộng trên đá – nhọc nhằn mưu sinh của hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao Nặm Păm - Ảnh 6.

Hàng nghìn viên đá lớn nhỏ được người dân bản Hua Nặm xếp thành bờ để có diện tích canh tác lúa nước.

Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa ngay trước cửa nhà, chỉ tay vào những bờ ruộng có cả chục ngàn viên đá lớn nhỏ, xếp chồng lên nhau một cách khéo léo nhưng người ta đắp tường thành, già bản Hua Nặm - ông Lò Văn Cương, bộc bạch: 

Người Nặm Păm sinh ra trên đá sỏi, chết vùi trong đá sỏi, mưu sinh cũng cùng đá sỏi. Từ bao đời nay, những thửa ruộng ở đây đều hình thành trên những vạt đá. Từ đời ông, đời cha chúng tôi đã phải biết đãi đất để trồng lúa, trồng rau, thả cá...

Ông Cương kể: Hàng năm, nước mưa lũ đến, không chỉ bào mòn hết lớp đất trên mặt ruộng, lại còn cuốn theo đá sỏi từ đầu nguồn về nên khi lũ đi qua, mặt ruộng chỉ còn lại toàn sỏi đá. 

Vào mùa gieo cấy, chồng dùng xà beng, thanh sắt, con dao để cậy đá, vợ vun vén từng tí đất một để trồng mạ vào. Nhiều đêm, chúng tôi phải thức trắng, soi đèn pin, đèn dầu, để cải tạo đất cho kịp thời vụ. Làm ruộng trên đá như thế này năng suất giảm một nửa so với làm ruộng trên đất. 

Làm nông nghiệp ở Nặm Păm cơ cực lắm nhưng người nông dân chúng tôi luôn gắn bó, yêu quý từng tấc đất, thửa ruộng ông cha để lại.

Làm ruộng trên đá – nhọc nhằn mưu sinh của hàng ngàn hộ dân tộc thiểu số ở vùng cao Nặm Păm - Ảnh 7.

Để trồng được lúa, người dân xã Nặm Păm (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) phải dùng xà beng, thanh sắt chọc lỗ lách qua các hòn đá cuội để có thể cắm cây mạ xuống.

Dừng chân bên vạt ruộng bé tẹo nhưng có bờ vách đá phía taluy âm cao tới ngang đầu người lớn, ông Cương trầm ngâm, bảo: "Người dân tộc Thái, người Mông… ở Năm Păm luôn nghe theo Đảng và Bác Hồ. Khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn quyết tâm bám bản, bám làng, bám đồng ruộng, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu, không di dân tự do, không nghe theo tà đạo, không phá rừng làm nương… ".

"Mỗi thửa ruộng được giữ gìn, phục hồi cải tạo sau mùa mưa lũ, hay những thửa ruộng được làm mới ở nơi đây, dù chỉ bé nhỏ như manh chiếu, góc sân nhưng đó chính là lòng yêu quê hương đất nước của đồng bào Nặm Păm đấy, nhà báo ạ.", ông Cương thổ lộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem