Cuộc chuyện thoải mái này tôi làm với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm năm 1993. Năm đó anh được giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam với tập thơ "Xúc xắc mùa thu". Trong cuộc trò chuyện chúng tôi có nhắc đến nhà văn Nguyễn Quang Sáng với tập truyện "Con mèo của Fujita" và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" cùng được giải năm đó. Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy với tập tiểu luận "Con mắt thơ" bị phát hiện có "đạo văn" trước khi vào giải, nhà thơ Phùng Khắc Bắc với tập thơ "Một chấm xanh" được giải năm 1992, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phan Thị Vàng Anh đã và đang nổi tiếng, nhà thơ Lưu Quang Vũ với tập thơ "Bầy ong trong đêm sâu" vừa ra, nhà thơ Trần Đăng Khoa với nhận xét về thơ Cầm, nhà thơ Nguyễn Quyến trượt giải nhất cuộc thi thơ hay của TP Hồ Chí Minh (giải này thuộc về một tác giả tên là Kim Ba).
Làm xong bài chuyện tôi có đưa cho Hoàng Nhuận Cầm đọc. Chính anh đã đóng khung cái đầu đề, gạch chân các câu hỏi cũng như các câu thơ, và xóa đi một dòng trong bản viết tay của tôi. Sau đó tôi đã gửi bài chuyện này cho một vài tờ báo nhưng không thấy đâu đăng. Nay tưởng nhớ nhà thơ vừa qua đời tôi lục lại bản thảo và đăng lên để bạn đọc thấy được một Hoàng Nhuận Cầm thẳng thắn, sắc sảo, không ngại nói ra những suy nghĩ của mình về thơ, về văn chương. Và cũng để nhớ lại không khí văn học gần ba mươi năm trước.
THOẢI MÁI VỚI HOÀNG NHUẬN CẦM (Phạm Xuân Nguyên dẫn chuyện)
Sau giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1993, Cầm (cũng như hai người được giải cùng anh) trở thành đối tượng "săn lùng" của báo chí, của bạn bè và những người hâm mộ, đâm ra bận. Đôi lúc chúng tôi mới gặp nhau, nói dăm ba câu chưa dứt, Cầm đã lại vội vã đi "có nơi đang chờ". Bỗng một hôm Cầm hỏi độp tôi: này nhà phê bình, nhà báo, sao cậu không phỏng vấn tớ chơi, nhiều điều hay đấy. Tôi ngẩn người, ờ nhỉ, Cầm có những nhận xét về mình về người ý tưởng rất bất ngờ cách nói rất độc đáo mà nếu không chỗ vui chuyện bạn bè thân thiết thì khó được nghe biết. Được rồi, tôi bảo Cầm, tôi hỏi ông nói có thể ra khối điều làm vui làm bực cho thiên hạ được đấy. Nào…
Thế là một chiều trong quán bia tôi và Cầm "dấm dẳn" cùng nhau.
Anh thấy thơ Nguyễn Quang Thiều thế nào?
- Tôi yêu thơ Thiều. Hình ảnh trong thơ Thiều giống như những con sóng đuổi theo những con sóng. Có lẽ điều tôi muốn đòi hỏi ở Thiều là một bờ đá cho tất cả những con sóng dồn đuổi và đập vào đó. Tôi không tán thành một số ý kiến cho thơ Thiều "tây". Nếu "tây" thì tôi "tây" hơn Thiều nhiều.
Nghe có vẻ lạ. Anh thí dụ xem?
- Đây, Thiều viết về chó:
Kiếp này tôi là người
Kiếp sau phải là vật
Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ
Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi.
Còn đây tôi viết về mèo:
Ta đã đi như mèo trên phố vắng
Gọi tên con như gọi các thiên thần.
Nhưng thơ Thiều lại bị giải khuyến khích ở cuộc thi thơ hay TP HCM?
Tôi nghĩ Thiều vẫn là Thiều, còn giải thì là giải. Một Ban giám khảo thế nào sẽ có một giải thưởng như thế ấy.
Mà cuộc thi thơ ấy, anh nghĩ sao?
Lại thêm một cuộc thi, nhưng chưa phải là cuộc thi thơ hay.
Ngoài thơ Thiều còn viết truyện ngắn, anh đọc không?
Trong bất cứ truyện ngắn nào Thiều cũng cố chứng minh mình là một nhà thơ. Còn trong thơ thì Thiều thường né tránh chất văn xuôi mà không né tránh được.
Trong giải năm nay có tập truyện của Nguyễn Quang Sáng…
Anh Sáng thiệt thòi hơn tôi và Thiều là phải đi một mình. Giá như anh được đi cùng "Cát bụi chân ai"…
Còn "Con gái thủy thần" lại bị sóng đánh giạt?
Vì "Những ngọn gió Hua Tát" mạnh hơn.
Có lần anh đã nói Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn bất đắc dĩ?
Theo tôi, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là một nhà thơ – nhà thơ chưa thành. Không tin anh cứ đọc "Thương nhớ đồng quê" mà xem. Có năm đoạn thơ mà Thiệp phải dùng đến hai trang văn xuôi để "bảo hiểm". Nguyễn Huy Thiệp không những yêu thơ, mà còn kinh sợ thơ nữa.
Nhưng thơ anh Trần Đăng Khoa cân lên thấy "xốp và nhẹ"?
Ý kiến của Trần Đăng Khoa (Văn Nghệ Quân Đội, 11/1993) hay nhưng chưa hoàn toàn đúng cả về thơ tôi và thơ Thiều. Xiêm áo của thơ ca thường nhẹ, nhưng quan trọng hơn vẫn là gân cốt bên trong. Mà đã bên trong thì không phải ai cũng nhìn thấy, lúc nào cũng tìm thấy. Tôi có cảm tưởng Khoa vẫn nhìn từ "góc sân nhà em".
Giải năm nay tôi tiếc "Con mắt thơ"…
Thì hai câu đề đầu tập sách đã nói hết cả rồi còn gì
Ta bày thực hư lên trình cuộc đời
Cuộc đời bày ta lên trình loài người
Thế anh nghĩ gì về phê bình thơ hiện nay?
Có thể nói hiện nay chưa có phê bình thơ thực sự.
"Tân trạng" thử nhìn lại các "cựu trạng" thơ năm trước xem?
Dù thế nào đi nữa tôi thấy tập của Phùng Khắc Bắc vẫn rất xứng đáng. Người ta chỉ có thể làm thơ bằng máu của mình.
Anh có đọc tập thơ mới của Lưu Quang Vũ?
Nếu tôi ở Ban giám khảo năm tới, tôi sẽ bỏ phiếu cho tập "Bầy ong trong đêm sâu". Vai diễn cuối cùng của Lưu Quang Vũ vẫn là vai thi sĩ.
Vậy có thể nói gì về lớp nhà thơ chống Mỹ?
Theo tôi, bây giờ có một lớp mới đã bắt đầu đến thay thế họ.
Còn nền thơ chung hiện tại?
Câu này tôi muốn được nghe anh nói.
Trong lớp mới bây giờ anh thích ai?
Thích Vàng Anh, giống như con trai thích con gái nhưng sợ không thể ăn ở với nhau mãi được.
Gần đây có một cái tên bắt đầu được nhắc đến…
Nguyễn Quyến chứ gì! Có lẽ lấy luôn câu thơ của chính Quyến để nói: "Tôi ngu ngơ như chim và cung quăng như cá". Thơ luôn đòi hỏi sự ngu ngơ, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải cung quăng.
Và Quyến vừa được giải nhất hụt cuộc thi thơ hay TP. HCM…
Hụt vì "phạm luật", đáng tiếc. Nhưng giải nhất xứng đáng. Thậm chí nếu bây giờ Ban giám khảo có trao thêm một giải đặc biệt gì đó cho Quyến cũng không muộn.
Nghĩa là, giải nhất bây giờ không phải là giải nhất?
Đúng thế, mà đâu phải một mình tôi nghĩ vậy. Hơn nữa, Kim Ba không nên là Phan Đình Giót lấp lỗ thơ hay.
Cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh, anh vẫn thích đấy chứ?
Vẫn thích! Đúng là nỗi buồn chiến tranh. Chuyện chiến tranh ai mà vui được.
Bố anh, nhạc sĩ Hoàng Giác, bảo sao…
Ông bảo với một đứa bạn tôi đến nhà: Thằng Cầm được đấy, thế là hắn đã báo hiếu cho mẹ hắn!
Còn bé Trang, con gái đầu của anh…
Ơ, bố làm thơ mà cũng mua được ti vi màu nhỉ!
Vợ anh hiện nay đang học trường viết văn Nguyễn Du, bộ môn thi…
Tôi hiểu anh định nói gì rồi. Nếu tôi không nhầm thì không ít người đã chịu ảnh hưởng từ trường của thơ tôi và yêu mến tôi. Nhưng tôi quyết định lấy Hạnh vì Hạnh không nằm trong từ trường đó.
Điện ảnh và thơ ca hình như không liên hệ gì với nhau?
Liên hệ hay không là ở tôi. "Bật mí" nhé: kịch bản "Hà Nội mùa đông năm 1946" do tôi viết cùng Đặng Nhật Minh sang năm 1994 sẽ được nhà nước tài trợ lớn. Đó là một bài thơ đích thực làm bằng ánh sáng.
Anh đang làm một tập thơ mới toàn lục bát lấy tên là "Đoạn trường cổ ảnh"…
Tạm dịch là "nát hình bóng cũ". Tôi muốn tranh đua với lục bát "đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn đấy, nhưng khó lắm. Viết nhiều lắm rồi, xé nhiều lắm rồi, đốt nhiều lắm rồi, cuối cùng chỉ còn lại một cái tên như cái đích mà hết đời chưa chắc đã tới được.
Những buổi chiều như thế này anh thích làm gì?
Tôi thích ngồi uống bia với cậu con trai ba tuổi. Uống với tư cách một người bạn và sắp xếp trong đầu những công việc của ngày mai.
Nói xong câu này Cầm ngồi im. Chiều buông sẫm. Tôi cũng im lặng, thôi không cật vấn, moi móc anh nữa. Quán bia ồn ào chợt thoáng hoang vu…
Phạm Xuân Nguyên (Thực hiện năm 1993)