Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Sẽ mãi còn "chiếc lá buổi đầu tiên..."

Yến Linh Thứ tư, ngày 21/04/2021 18:30 PM (GMT+7)
Ra đi ở tuổi 69, nhưng nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã để lại cho nhân thế một gia tài thi ca đồ sộ, với các bài thơ tình chứa đựng những rung cảm đầu tiên của cuộc đời.
Bình luận 0

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952, tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Với năng khiếu thi ca bẩm sinh, Hoàng Nhuận Cầm nhanh chóng thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 16). 

Có một giai thoại về Hoàng Nhuận Cầm mà bạn bè anh vẫn còn nhắc lại, đó là chuyện một lần anh cùng nhóm bạn đi qua tòa soạn báo Nhân Dân. Đang đi, bỗng Hoàng Nhuận Cầm nảy ra một ý thơ, anh liền xé mẩu giấy nhỏ, viết vội một bài thơ 4 câu rồi thả vào hộp thư bên ngoài toà soạn. Thế mà rồi chẳng mấy lâu sau, bài thơ ấy đã được đăng tải.  

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Sẽ mãi còn "chiếc lá buổi đầu tiên..." - Ảnh 1.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm

Tài năng của Hoàng Nhuận Cầm được đông đảo bạn cùng trang lứa biết tới từ khi ông chưa nổi tiếng. Trong cuốn sách "Nhật ký tuổi hai mươi",  liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã viết những dòng đầy trân trọng dành cho người bạn của mình: “Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng..."

Chàng thi sĩ của những rung cảm đầu đời

Năm 1973, Hoàng Nhuận Cầm chính thức khẳng định vị trí của mình trong làng thi ca với giải Nhất cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993 và đặc biệt là 3 tập thơ đã xuất bản gồm “Thơ tuổi hai mươi” (1974), “Những câu thơ viết đợi mặt trời” (1983), “Xúc xắc mùa thu” (1993)...Thơ của ông đi vào lòng người đọc, đặc biệt là tuổi trẻ, những người đang sống trong những khắc khoải, nhớ thương của rung động đầu đời.

"Em thấy không, tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say


Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay

Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước

Con ve tiên tri vô tâm báo trước

Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu"

(Chiếc lá đầu tiên)

Trong cuốn sách "Ánh đèn và ô cửa" do NXB Văn học ấn hành năm 2010, tác giả Trần Hoàng Thiên Kim từng nhận định: "Gần gũi Hoàng Nhuận Cầm, cảm giác gia tài của Hoàng Nhuận Cầm chẳng có gì ngoài những vần thơ. Những vần thơ như lửa đốt, mê hoặc sự yêu tin của bao trái tim thiếu nữ đang vào tuổi yêu đương, mơ mộng, những vần thơ lãng mạn, bay bổng của một tình yêu chưa kịp nói nên lời...".

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm: Sẽ mãi còn "chiếc lá buổi đầu tiên..." - Ảnh 2.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm ghi dấu ấn với những khúc tình ca.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hữu Sơn cũng cho rằng: "Thơ Hoàng Nhuận Cầm hàm chứa một lẽ gì vu vơ, chung chiêng, hư ảo, định hình rõ nét một giọng điệu thống nhất nhưng không dễ nắm bắt. Các dòng mạch cảm xúc, ý thơ, tứ thơ, hình ảnh cứ như những con sóng gối tiếp vào nhau, giao hòa trong nhau, ào ạt đến mênh mang, bất định..."

"Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến

Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi

Còn sót lại trên bàn bông cúc tím

Bốn cành tàn, ba cánh sắp sửa rơi"

(Hẹn hò mãi cuối cùng em cũng đến)

"Tình yêu đến trong đời không báo động

Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ

Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ

Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng


Anh đi qua những thành phố bọc vàng

Những thị trấn mẹ ôm con trên cỏ

Qua ánh nắng bảy màu, qua ngọn đèn hạt đỗ

Qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh

(Viên xúc xắc mùa thu)

Có lẽ sự mênh mang, bất định trong thơ Hoàng Nhuận Cầm đã khiến những người mới yêu, đang yêu tìm đến thơ ông như một sự sẻ chia, đồng cảm. Nhiều người bắt gặp chính mình trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, họ ấp ủ thơ của ông cả những "mối tình câm", "mối tình nói rồi mối tình bỏ ngỏ". Thơ ông da diết, trẻ trung, nhưng cũng thanh khiết, mơ mộng hệt như những cảm xúc nguyên sơ đầu đời.

Từng tạm dừng 4 năm học đại học để vào quân ngũ, thơ của Hoàng Nhuận Cầm cũng mang nhiều âm hưởng của chiến tranh và tinh thần người lính. 

Trong một bài nhận xét về các tác giả thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn từng viết: "Bên cạnh một Nguyễn Duy già dặn, từng trải; một Nguyễn Đức Mậu như còn vương lửa khói và đất  bụi chiến hào; một Lâm Thị Mỹ Dạ nhẹ nhõm, giàu nữ tính... là một Hoàng Nhuận Cầm trẻ trung, tươi rói như màu quân phục mới, như tiếng chim cất lên trên vòm me sân trường". 

Ít ai có thể quên những vần thơ của Hoàng Nhuận Cầm trong bài thơ "Cỏ cháy": “Và cỏ đã cháy đen/Trong đợt bom nối tiếp/Anh không có thì giờ để tiếc/Cơn lửa ào ào như lốc qua vai”. Trong bài thơ "Buổi sáng ở trên chốt", ông lại tâm sự đầy khắc khoải: “Có ai nói về hy sinh, đất nước/Mà tim không thắt lại bao giờ”...

Hoàng Nhuận Cầm sinh ra để làm thơ, như ông từng khẳng định "Không có thơ người ta không thở được". Trong những ngày tháng Tư về, khi ông mãi mãi ra đi, những bài thơ của ông lại tràn ngập trong những câu chuyện của người ở lại, trên các trang mạng xã hội đương thời. Điều này, chắc hẳn cũng nằm trong dự liệu của ông, như ông đã từng tâm sự trong bài "Thơ màu xanh" khi ấy...

" Thơ tôi viết xin mời em cứ đọc

Chỉ điều này hãy nhìn kỹ cùng anh

Không có THƠ, người ta không THỞ được

Sẽ chết dần, như lá hết màu xanh..."

"Bác sĩ hoa súng" và sự bén duyên với điện ảnh

Bên cạnh sự nghiệp thi ca đạt tới đỉnh cao, ít người biết, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn là biên kịch nhiều bộ phim có tầm cỡ như “Đêm hội Long Trì”, “Hồ Chí Minh năm 1946", Áo chàm Bắc Sơn”, “Mùi cỏ cháy”, “Lỗi lầm”, “Đằng sau cánh cửa”, “Pháp trường trắng”, “Ai lên xứ hoa đào”, “Đoạn trường chiêm bao”, “Nhà tiên tri”…

Ông từng giành giải thưởng Bông sen Vàng cho Biên kịch xuất sắc nhất (Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 - năm 2011) và Giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất (Giải Cánh diều - Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2011) cùng với kịch bản phim điện ảnh “Mùi cỏ cháy”. 

Hoàng Nhuận Cầm trong vai "Bác sĩ Hoa Súng" (chương trình Gặp nhau cuối tuần - VTV3).

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong vai "Bác sĩ Hoa Súng" (chương trình Gặp nhau cuối tuần - VTV3).

"Mùi cỏ cháy" là tác phẩm phim đã gần như "vắt kiệt sức" của Hoàng Nhuận Cầm. Ông dành nhiều tâm huyết, tư duy cho kịch bản này. Bộ phim tái hiện lại hình ảnh những người liệt sĩ trẻ như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Hoàng Kim Giao..., phản ánh đủ đầy và sinh động những nhiệt huyết, nhuệ khí của họ trong cuộc đấu tranh vì tổ quốc, vì độc lập dân tộc.

Nhắc tới Hoàng Nhuận Cầm, nhiều người còn nhớ tới nhân vật bác sĩ Hoa Súng hóm hỉnh trong chương trình "Gặp nhau cuối tuần" trên VTV3 nổi tiếng một thời. Nhân vật này nổi tiếng đến nỗi thời ấy ai cũng gọi ông là bác sĩ Hoa Súng. Đó có lẽ cũng là một khía cạnh khác bên cạnh con người lãng mạn của ông, dí dỏm, hài hước, thông minh và tinh tế...

Mới đây, nữ diễn viên Thanh Hương chia sẻ, trong một cuộc nói chuyện với cô, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng bảo: "Nghệ sĩ chúng mình thì không có tuổi...". Hay nói cách khác như nhà thơ Đoàn Văn Cừ, "Ai cũng chết, chỉ nhà văn, nhà thơ là không chết". Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã tạ thế ở tuổi 69, nhưng chắc hẳn những khúc tình tự ông để lại cho đời vẫn sẽ còn ở lại trong lòng độc giả nhiều thế hệ. Thơ của ông sẽ mãi xanh,  như tình yêu, như tuổi trẻ mãi mãi còn tồn tại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem