Tôi đã thực sự ấn tượng khi lần đầu tiên chứng kiến cách dựng cũng như chất liệu làm nên những ngôi nhà này từ năm 2004, khi 20 người thợ dân tộc Hà Nhì từ xã Y Tý (huyện Bát Xát, Lào Cai) về Hà Nội trình tường những ngôi nhà của dân tộc mình tại khuôn viên của Bảo tàng Dân tộc học.
Sau gần 2 tháng thi công, nhà ở và tổ hợp chuồng ngựa, chuồng trâu cùng các địa điểm thờ cúng làm theo nguyên mẫu từ thôn Lao Chải hiện là điểm nhấn cho bộ sưu tập nhà ở của đồng bào dân tộc ít người tại khuôn viên bảo tàng này.
"Vương quốc" của gần 100 căn nhà trình tường
Lao Chải là thôn có số người dân tộc Hà Nhì đen sinh sống đông nhất ở Y Tý với gần 100 hộ dân và cũng là điểm đến hấp dẫn nhất ở chốn quanh năm mây phủ này. Tự thân cái tên "Lao Chải" đã mang nghĩa Hán là "thôn gốc", "thôn cũ", bởi đây là thôn đầu tiên với 100% là người Hà Nhì đen.
Lao Chải cũng là thôn mang đặc trưng riêng với tính thống nhất về mặt kiến trúc bởi các ngôi nhà trong thôn đều giống nhau từ hình thức, kết cấu, kiến trúc, không gian sử dụng và cả cách bài trí ngôi nhà. Tất cả đều được làm theo kiểu trình tường, bằng đất với hai vòng trong và ngoài. Nhà thường đắp tường dày từ 40 - 45cm, trong lõi có xếp đá bằng nắm tay, cao khoảng 4,5 - 5m.
Diện tích trung bình mỗi ngôi nhà dao động từ 65-80m2, có mái dốc ngắn (4 mái) lợp bằng cỏ gianh, không có hiên. Ngôi nhà có duy nhất một cửa ra vào ở chính giữa và thêm một hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò.
Bên trong có lần cửa thứ hai cũng dày như tường ngoài, có tác dụng phòng thủ. Sau lần cửa này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Đây được coi là mẫu nhà chung cho các gia đình sống trong một khu vực cư trú, không có sự phân biệt sang hèn trong kiến trúc nhà ở.
Nét đẹp văn hóa gắn kết cộng đồng cao của người Hà Nhì đen
Theo câu chuyện bên bếp lửa, những cao niên người Hà Nhì được truyền miệng lại rằng, tổ tiên họ vốn là tộc người Khương, di cư từ vùng cao nguyên Thanh Tạng xuống phía nam từ trước thế kỷ thứ 3.
Dân tộc Hà Nhì có mặt ở Việt Nam cách đây hơn 300 năm trước. Khi đã tụ cư ở vùng biên giới Việt Nam, người Hà Nhì đã cùng các dân tộc khác khai phá và bảo vệ vùng đất đai nơi địa đầu tổ quốc.
Ngoài kiến trúc nhà trình tường độc đáo, cuộc sống của cộng đồng người Hà Nhì đen thôn Lao Chải cũng cuốn hút bước chân những người thích khám phá. Người Hà Nhì bao giờ cũng cư trú gần nguồn nước để đảm bảo nước cho sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu. Ngay giữa thôn Lao Chải là một con suối nhỏ, nước được dẫn nguồn từ trên núi xuống vừa cung cấp cho người dân trong bản vừa tận dụng sức nước để đặt các cối giã gạo.
Trang phục truyền thống cũng là căn cứ để các nhà nghiên cứu dân tộc học phân biệt người Hà Nhì đen với người Hà Nhì hoa. Người Hà Nhì đen thôn Lao Chải mặc trang phục màu chàm đen. Quần áo của đàn ông thường chỉ có một màu, cúc cài trước ngực. Y phục của phụ nữ áo cổ tròn, phần cuối vạt trước và sau cắt lượn hình tam giác cân. Bộ trang phục đẹp hơn cả là chiếc mũ vải được trang trí bằng các đồng xu nhôm, có làm quả bông các loại chỉ mầu, làm tua rua đầu quả bông.
Vừa có tính chất để làm đẹp lại vừa có tính chất trừ tà ma. Người phụ nữ Hà Nhì rất chăm chỉ, thường đeo gùi với một sợi dây tết bằng lông đuôi ngựa quàng trên trán để gùi củi, rau rừng thuận tiện, đi được mọi địa hình. Trong sinh hoạt, mâm "Hà Chì" là loại mâm truyền thống được đan từ cây trúc, vầu và cây mây. Trong mâm cơm, phụ nữ Hà Nhì bao giờ cũng là người ăn sau khi những người đàn ông đã xong bữa.
Với một hệ thống lễ, tết, hội phong phú nên hầu như các tháng trong năm người Hà Nhì đen các xã biên giới của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đều có tết. Đặc biệt Tết "Khu già già" là một trong những lễ hội tổ chức lớn nhất, kéo dài trong suốt 4 ngày của tháng sáu âm lịch với nhiều nghi thức, tín ngưỡng và trò chơi dân gian độc đáo.
Những ngày cuối năm, ở miền xuôi, tảo mộ cho người quá cố được thực hiện theo từng gia đình thì với người Hà Nhì là công việc chung của cả thôn, bản và là nét đẹp văn hóa mang tính gắn kết cộng đồng được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Khi các nghi lễ đã hoàn tất, lễ vật được hạ xuống và những người trong dòng họ cùng các gia đình trong bản cùng quây quần ăn một bữa chung nơi mộ phần người đã khuất. Đây là phong tục đẹp, là dịp để gia đình, dòng họ hướng về nguồn cội, và cũng là dịp để gắn kết tình làng nghĩa xóm.
Nếu là người ưa khám phá, Y Tý là điểm du lịch mới có thể ghé thăm từ Sa Pa qua những địa danh Tả Giàng Phìn, Pa Cheo, Bản Xèo, Mường Hum, Sáng Ma Sáo, Dền Sáng, Ngải Chồ... Cung đường với hơn 120km nép mình trong mây ngàn, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa lưng trời, chơi vơi quanh những dãy núi hùng vĩ đệ nhất địa đầu Tây Bắc./.