Đầu vụ lúa đông xuân, trên địa bàn tỉnh Bình Định xảy ra mưa lớn kéo dài 1 tuần, khiến nhiều diện tích bị thiệt hại. Tuy nhiên, các địa phương đã khẩn trương khắc phục, kịp thời tổ chức sản xuất đúng khung lịch thời vụ.
May mắn, sau đó thời tiết thuận lợi, tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, lúa trỗ đại trà đúng vào thời điểm nắng ấm, nguồn nước tưới đảm bảo, nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nên năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay.
Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, ước tính năng suất lúa vụ đông xuân năm nay đạt bình quân 71,2 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha so với vụ năm trước, đây là năng suất lúa cao nhất từ trước đến nay.
Cá biệt, nhiều địa phương có năng suất lúa còn cao hơn năng suất bình quân toàn tỉnh, ví như năng suất lúa ở huyện Tuy Phước đạt đến 75,2 tạ/ha, huyện Hoài Ân đạt 75,1 tạ/ha, huyện Tây Sơn đạt 72 tạ/ha và TX An Nhơn đạt 71,8 tạ/ha…
Một trong những nguyên nhân giúp năng suất lúa ở tỉnh Bình Định đạt cao là nhờ cơ cấu giống lúa phù hợp. Cơ cấu giống lúa hầu hết là giống trung, ngắn ngày phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Chân ruộng chủ động nước được ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định cơ cấu giống lúa trung ngày có tiềm năng năng suất cao như: TBR1, BC15, Q5, ĐV108, Khang dân đột biến, ĐB6; chân ruộng sạ muộn Bình Định bố trí giống ngắn ngày như: An Sinh 1399, PC6, SV181.
Trong cơ cấu giống lúa của tỉnh hiện đã có thêm một số giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, Hương Châu 6, Hương Xuân.
Ngoài ra, Bình Định được đánh giá là địa phương sử dụng giống xác nhận, giống nguyên chủng và giống lúa lai cao nhất vùng Duyên hải Nam Trung bộ với tỷ lệ đạt trên 99%.
Trong vụ đông xuân, tỉnh Bình Định cũng đã chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa được 846,5ha, đạt 111,2% so kế hoạch, tăng 114ha so cùng kỳ.
Diện tích chuyển đổi chủ yếu chuyển sang trồng bắp, đậu phộng, rau, ớt, cỏ chăn nuôi, tập trung nhiều nhất ở huyện Phù Cát với 430ha, huyện Tây Sơn 153ha và huyện Hoài Ân 241ha.
Đặc biệt, mô hình chuyển đổi cơ cấu và luân canh cây trồng trên đất trồng sắn ở những vùng chủ động nước tưới đạt hiệu quả cao.
Các mô hình chuyển đổi đều có hiệu quả kinh tế cao hơn cây trồng trước khi chuyển đổi, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Việc luân canh cây trồng vừa tiết kiệm được nước tưới vừa góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh.
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở tỉnh Bình Định đâu đâu cũng rộn rã tiếng máy gặt đập trên ruộng. Đang cao điểm thu hoạch lúa vụ đông xuân, thời tiết thuận lợi nên bà con tập trung gặt lúa, xuất bán luôn.
Ông Trần Xuân (ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) cho biết: "Vụ đông xuân năm nay được mùa, 1 sào có thể đạt trên 4 tạ lúa. Mọi năm ruộng của tôi 1 sào nhiều nhất thu 15 bao lúa nhưng vụ này tăng lên 18 bao. Lúa đông xuân còn được giá cao nên ai cũng vui mừng".
"Năm nay, bà con nông dân rất phấn khởi vì lúa được mùa được giá, rơm rạ cũng được mua hết luôn", bà Đỗ Thị Xuân (ở huyện Tuy Phước) chia sẻ.
Được mùa, được giá trong khi thương lái mua tận ruộng từ lúa đến rơm rạ. Đặc biệt, nhiều địa phương, hợp tác xã nông nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp thu mua lúa tại ruộng với giá thị trường nên bà con phấn khởi.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Công ty giống Bình Định, đơn vị trực tiếp thu mua lúa tại ruộng, Công ty đã ký kết từ đầu vụ, tới thời điểm thu hoạch thì thu về đổ vào kho để tiêu thụ. "Lúa năm nay năng suất đạt hơn những năm trước", ông Hòa nhận xét.
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, đây là vụ lúa có năng suất cao nhất từ trước đến nay.
"Từ đầu vụ chúng tôi đã triển khai các giải pháp rất quyết liệt. Căn cứ vào tình hình thời tiết, chúng tôi đưa ra lịch thời vụ rất phù hợp, nhất là canh thời điểm cây lúa trổ vào thời điểm thời tiết ấm. Năng suất và sản lượng, giá lúa cao cho nên sản xuất cây lúa năm nay thắng lợi toàn diện", ông Trần Văn Phúc cho biết.