Phát biểu tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), Chủ tịch Lê Hữu Đức cho biết, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, MB cũng có áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng để đứng trong Top đầu.
"MB đang đưa ra những kế hoạch rất mạnh mẽ để hiện thực hoá kế hoạch top 3 ngân hàng hiệu quả nhất và là ngân hàng thuận tiện nhất", ông Đức nhấn mạnh.
Phương châm điều hành năm nay là tăng tốc số, đột phá bán lẻ, an toàn – hiệu quả. Theo đó, MB xác định mục tiêu trong năm 2021 là chuyển đổi số toàn diện hoạt động kinh doanh ngân hàng, dựa trên các nền tảng số để tăng trưởng, thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng.
Do đó, MB sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ thông tin, hệ thống hạ tầng công nghệ, đưa ứng dụng robotic vào các quy trình lõi.
Về nền tảng khách hàng, CEO ngân hàng cho biết trong năm nay ngân hàng đặt mục tiêu hút thêm khoảng 3 – 5 triệu khách hàng mới, hoàn thiện hệ sinh thái quy mô 20 triệu khách hàng bền vững.
Được biết riêng trong quý I, ngân hàng đã có thêm 1 triệu khách hàng mới đăng ký qua App, bằng 60% tổng lượng khách hàng mới của cả năm 2020.
Về kế hoạch kinh doanh, MB đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ít nhất 20%, theo đó năm 2021 lợi nhuận trước thuế dự kiến của MB đạt 13.200 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước.
"Tuy nhiên, nếu dịch kéo dài, mức tăng trưởng mục tiêu chỉ ở mức 10%", lãnh đạo MB nhấn mạnh.
Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 10 - 11% theo giới hạn được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tổng tài sản tăng 11%. Tăng trưởng huy động phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Tỷ lệ nợ xấu tối đa 1,5%.
Theo ông Đức, ngân hàng cũng lên kế hoạch chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ tới 35%, là mức cao nhất trong toàn hệ thống.
Đồng thời phát hành thêm cổ phiếu cho đối tác chiến lược và ưu đãi cho cán bộ nhân viên để giữ chân nhân tài, qua đó đưa vốn điều lệ lên mức 38.676 tỷ đồng. Với mức vốn điều lệ này, MB tiếp tục dẫn đầu nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, thậm chí vượt cả một số "ông lớn" trong ngành.
Đề cập chi tiết về phương án tăng vốn của ngân hàng, ông Lưu Quang Thái - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ từ 27.987 tỷ đồng lên 38.676 tỷ đồng qua 3 lần.
Lần thứ nhất, ngân hàng dự kiến tăng vốn thêm 9.796 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ thông để trả cổ tức với tỷ lệ 35% trên tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.
Thời gian dự kiến phát hành: Tối đa quý IV năm 2021. Thời gian thực hiện cụ thể do Hội đồng Quản trị quyết định trên cơ sở Giấy phép/Chấp thuận của các Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và điều kiện thị trường phù hợp.
Lần thứ 2, MB sẽ chào bán riêng lẻ khoảng 70 triệu cổ phiếu. Đối tượng phát hành riêng lẻ cần thoả mãn tiêu chí là nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ có khả năng và sẵn sàng hợp tác nhằm tạo hệ sinh thái số.
Một số nhà đầu tư được MB lựa chọn như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Viettel (dự kiến chào bán tối đa 43 triệu cp) ; Công ty TNHH Nhà nước MTV Thương mại và xuất nhập khẩu Viettel (chào bán tối đa 27 triệu cp) và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác.
Mức giá chào bán sẽ được thoả thuận và không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính được kiểm toán tại thời điểm gần nhất. Cổ phiếu chào bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo thoả thuận và quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, ngân hàng kế hoạch phát hành 19,24 triệu cổ phần bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp) cho các cán bộ chủ chốt và nhân viên tài năng của MB. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MBB của MB hiện đang giao dịch quanh mức 32.000 đồng/cp, tăng 40% thị giá so với đầu năm. Mức giá này gấp 3 lần so với giá phát hành cổ phần phổ thông cho cán bộ chủ chốt và nhân viên tài năng của MB theo kế hoạch kể trên.
Đối với phương án sử dụng vốn, MB cho biết số vốn điều lệ tăng thêm, dự kiến 10.688 tỷ đồng sẽ được sử dụng để bổ sung vốn đầu tư tăng năng lực (4.783 tỷ đồng); bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (5.905 tỷ đồng).
Liên quan đến vấn đề tăng vốn, giải đáp thắc mắc của cổ đông "đến bao giờ quy mô vốn điều lệ của MB lên tới 2 tỷ USD?", Tổng giám đốc Lưu Quang Thái cho biết: Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, MB sẽ đạt 2 tỷ USD vốn điều lệ vào năm 2022.
CEO Lưu Quang Thái chia sẻ thêm, mỗi năm ngân hàng đều tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động dựa trên quy mô tài sản (phụ thuộc vào cho vay, huy động vốn), việc tính toán tăng vốn làm gì cho phù hợp chiến lược 5 năm là rất quan trọng. Nếu tận dụng thời điểm phù hợp sẽ tăng được quy mô tín dụng và tài sản tốt.
Năm 2021, MB sẽ kết thúc chiến lược 5 năm, cả quy mô tài sản, lợi nhuận đều vượt kế hoạch. Trong 5 năm tiếp theo sẽ có chiến lược mới, trong đó tập trung đầu tư cho mô hình kinh doanh tập đoàn gồm ngân hàng và 6 công ty thành viên, trong đó hướng tới kinh doanh tập đoàn và quy mô thị trường Đông Nam Á. Đó là lý do cần phải tăng vốn.
Đối với việc bán vốn cho Viettel vì sao giá bán không cao hơn sổ sách vì hiện tại giá trên thị trường của Viettel khoảng 30.000 đồng/cp, giá trị sổ sách 18.000 đồng (theo cổ đông)?. Theo CEO Lưu Quang Thái, tại sao không bán cho Viettel giá cao hơn hoặc bằng giá thị trường? vì đây là cổ đông lớn nhất của ngân hàng, có sự hỗ trợ rất lớn cho ngân hàng. Việc đưa ra giá bao nhiêu phải phụ thuộc vào lợi ích 2 bên, hiện các thuê bao của Viettel có tới 6 triệu là khách hàng của MB...