Chủ dự án Ocean Park Vân Đồn bị siết nợ có thể khởi kiện MB nếu ngân hàng này vi phạm quy định

Quang Dân Thứ tư, ngày 14/04/2021 12:05 PM (GMT+7)
Liên quan đến khoản nợ gần 500 tỷ tại dự án khu đô thị Ocean Park Vân Đồn bị MB siết nợ, nếu Công ty Quang Minh đáp ứng đủ các điều kiện được giữ nguyên nhóm nợ, nhưng MB không áp dụng thì ngân hàng này vi phạm quy định của cơ quan quản lý Nhà nước và Công ty có thể khởi kiện.
Bình luận 0

MB xử lý liên quan đến dự án Ocean Park Vân Đồn chưa thỏa đáng về tình?

Như Dân Việt đã đưa tin, Công ty Quan Minh và MB đang tranh chấp liên quan đến khoản nợ gần 500 tỷ đồng được cho là nợ xấu và MB đang siết lại tài sản, muốn biến khoản nợ thành vốn góp dự án khu đô thị Ocean Park Vân Đồn. Theo công văn Công ty Quan Minh gửi UBND huyện Vân Đồn, hành vi siết nợ tài sản của MB nhằm thâu tóm doanh nghiệp là hành vi trái với quy định của Luật các tổ chức tín dụng. 

Về vấn đề này,  PV Dân Việt đã trao đổi với Luật sư La Văn Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội). Theo luật sư Thái, để có cái nhìn toàn cảnh nhất cần tham khảo thêm nhiều loại hồ sơ như các hợp đồng tín dụng và các văn bản kèm theo hợp đồng như phụ luc, khế ước nhận nợ, văn bản thỏa thuận cam kết khác (nếu có)... hợp đồng thế chấp tài sản và các thỏa thuận liên quan; biên bản làm việc; thỏa thuận trong quá trình xử lý nợ (nếu có)..

"Cần phải hiểu rằng, bản chất của nợ quá hạn là khoản nợ khi đến kỳ hạn thanh toán nợ gốc, lãi nhưng người vay không trả đầy đủ cả nợ gốc và lãi. Do đó, thường thì khi chậm thanh toán bên ngân hàng (bên cho vay) sẽ yêu cầu bên vay (cá nhân, tổ chức -bên nợ) phải thanh toán ngay số tiền nợ quá hạn trong một thời hạn nhất định. Nếu hết thời hạn này mà vẫn không thanh toán toàn bộ phần gốc, lãi quá hạn thì ngân hàng sẽ căn cứ vào Hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ và các thoả thuận liên quan để chuyển không chỉ phần nợ quá hạn mà toàn bộ khoản vay (kể cả phần chưa đến hạn) sang nợ quá hạn. Khi đó ngân hàng có quyền yêu cầu bên vay phải thanh toán toàn bộ khoản vay mà không phải chỉ thanh toán phần quá hạn thôi", luật sự La Văn Thái phân tích.

Theo luật sư Thái, cụ thể vào trường hợp của Công ty Quan Minh với dư nợ đến hết tháng 12/2019 hơn 476 tỷ đồng và 40 tỷ đồng phục vụ vốn lưu động. Như vậy, mỗi năm trả khoảng 100 tỷ đồng, tính ra mỗi quý trả 25 tỷ đồng. Nhưng vì lí do nào đó, có một quý doanh nghiệp không thanh toán tiền nợ và lãi gốc đúng hạn, sau khi ngân hàng có các công văn nhắc nợ, phía doanh nghiệp vẫn chưa thanh toán thì ngân hàng có quyền chuyển toàn bộ khoản nợ gốc là 100 tỷ đồng thành nợ quá hạn, chứ không chỉ chuyển phần 25 tỷ đồng (số tiền phải đóng theo quý) thành nợ quá hạn.

Chủ dự án Ocean Park Vân Đồn bị  siết nợ: MB Bank có thể đúng về lý, nhưng chưa thỏa đáng về tình - Ảnh 1.

Tính đến 31/3/2021, Công ty Quan Minh không còn bất cứ khoản nợ gốc, lãi bị quá hạn tại MB, nhưng ngân hàng này vẫn siết nợ và đòi biến nợ thành vốn góp tại dự án Ocean Park Vân Đồn

Đến lúc này, nếu bên vay không thanh toán toàn bộ khoản nợ quá hạn thì ngân hàng sẽ căn cứ theo các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản, các văn bản thoả thuận (nếu có) và các quy định của pháp luật để tiến hành thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi khoản nợ.

Sau đó, Công ty Quan Minh đã trả nợ cho MB nhưng chắc là chưa phải là trả hết toàn bộ nợ gốc thì không thể gọi là trả hết nợ được, do đó việc MB vẫn tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm là có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, xét về tình thì có thể chưa thoả đáng vì hiện đang trong thời gian DN cả nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh hoành hành, Chính phủ đã ra chỉ thị, kêu gọi, đề nghị các ngân hàng hỗ trợ DN để giúp DN thoát khỏi khó khăn, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh...

"Vì vậy khi Công ty Quan Minh đã cố gắng, nỗ lực và thiện chí trả nợ thì MB cũng nên tạo điều kiện để cho DN có thời gian trả nợ ngân hàng phù hợp với điều kiện, khả năng của DN, cũng như khả năng thu hồi khoản nợ cho ngân hàng", Luật sư Thái nói.

Công ty Quan Minh có quyền gửi đơn khiếu nại, tố cáo để yêu cầu giải quyết

Bên cạnh đó, đối với việc Công ty Quan Minh chậm trả nợ là do điều chỉnh quy hoạch và do dịch bệnh Covid-19, Luật sư La văn Thái cho rằng, Chính phủ cũng như NHNN đã có các tiêu chí để xác định những doanh nghiệp nào thuộc trường hợp được cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ.

"Nếu Công ty Quang Minh đáp ứng đủ các điều kiện này, nhưng ngân hàng MB không áp dụng thì ngân hàng MB vi phạm quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Công ty Quan Minh có thể khiếu nại để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Còn nếu Công ty Quan Minh không đủ điều kiện để được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ... theo quy định thì việc MB không cho Công ty Quan Minh được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất...l à có căn cứ, không vi phạm pháp luật và thoả thuận của hai bên", Luật sư Thái nhấn mạnh.

Chủ dự án Ocean Park Vân Đồn bị  siết nợ: MB Bank có thể đúng về lý, nhưng chưa thỏa đáng về tình - Ảnh 2.

Dự án Khu đô thị Ocean Park Vân Đồn do Công ty Quan Minh làm chủ đầu tư đang bị MB siết nợ

Theo quan điểm của mình, Luật sư Thái đánh giá, mặc dù Công ty Quan Minh đưa ra lộ trình trả nợ toàn bộ gốc lãi cả khoản vay cho MB nhưng việc đồng ý hay không là quyền của MB, nếu MB thấy lộ trình trả nợ khả thi, hợp lý, có căn cứ thì MB sẽ đồng ý, còn ngược lại MB không đồng ý là quyền của họ.

Việc MB vẫn tiếp tục thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm là căn cứ theo hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp tài sản...mà các bên đã ký kết và căn cứ theo các quy định của pháp luật có liên quan về thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm là đúng pháp luật.

Tuy nhiên, việc tiến hành thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm phải đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt phải đảm bảo tính công khai, minh bạch tránh lợi dụng việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm để chiếm đoạt tài sản trái pháp luật của người khác hoặc với mục đích thôn tính doanh nghiệp hoặc xử lý tài sản bảo đảm không đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan gây thiệt hại cho chủ sở hữu tài sản hoặc bên thứ 3.

"Trong vụ việc này, nếu Công ty Quan Minh thấy việc MB thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm không đúng thoả thuận của hai bên, không đúng các quy định của pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, các thành viên góp vốn hoặc cổ đông hoặc bên thứ 3 có liên quan có quyền gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo đến người, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu MB dừng hoặc tạm dừng việc thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm hoặc khởi kiện ra Toà án nhân dân cấp có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết hoặc đòi bồi thường thiệt hại", Luật sư Thái cho hay.

Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề này...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem