Bệnh viện tại Ấn Độ quá tải trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng trở nên căng thẳng
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết WHO đang gửi thêm nhân viên và vật tư y tế bao gồm cả máy oxy tới Ấn Độ.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng Bipin Rawat cho biết oxy sẽ được gửi đến các bệnh viện từ nguồn dự trữ của quân đội, bên cạnh đó các quân nhân đã nghỉ hưu cũng sẽ tham gia những cơ sở y tế COVID-19.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng y tế quân sự sẽ được cung cấp cho người dân, một tuyên bố của chính phủ cho biết, trong bối cảnh các ca nhiễm coronavirus mới đạt mức cao kỷ lục năm ngày liên tiếp.
Bộ trưởng Y tế Harsh Vardhan cho biết trên Twitter: "Đường hàng không, đường sắt, đường bộ và đường biển; Tất cả mọi người đều đang cố gắng để vượt qua những thách thức do làn sóng COVID19 này gây ra".
Modi cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về cuộc khủng hoảng, cả 2 thảo luận về chuỗi cung ứng nguyên liệu và thuốc cho vắc xin COVID-19. Hôm Chủ nhật, Biden cho biết ông sẽ gửi vật tư y tế đến Ấn Độ để giúp chống lại đại dịch.
Modi đã kêu gọi tất cả người dân đi tiêm phòng và phải thật thận trọng, trong khi các bệnh viện và bác sĩ ở một số bang miền Bắc đăng thông báo khẩn cho biết họ không thể đối phó với làn sóng dịch bệnh này.
Ở một số thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, rất nhiều thi thể được hỏa táng hàng loạt trong các cơ sở tạm bợ.
GIÃN CÁCH XÃ HỘI
Bang phía nam Karnataka, nơi có thành phố công nghệ Bengaluru, đã ra lệnh giãn cách 14 ngày kể từ thứ Ba, giống như bang công nghiệp phía tây Maharashtra, nơi lệnh giãn cách sẽ kéo dài đến ngày 1 tháng 5.
Những cuộc bầu cử địa phương và các lễ hội lớn là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ hơn. Số lượng bệnh nhân nhiễm mới COVID-19 đã tăng 352.991 người trong 24 giờ qua, trong khi đó các bệnh viện đông đúc đã hết nguồn cung cấp oxy và giường bệnh.
Người phát ngôn của Bệnh viện Sir Ganga Ram ở thủ đô New Delhi cho biết: "Hiện tại bệnh viện của chúng tôi đang phải xin và mượn các thiết bị y tế, đó là một tình huống cực kỳ khủng hoảng".
Sau vụ hỏa hoạn tại một bệnh viện ở trung tâm công nghiệp kim cương phía tây Surat, 5 bệnh nhân COVID-19 đã chết do thiếu giường bệnh, một quan chức thành phố nói với Reuters.
Kênh truyền hình NDTV đã phát đi hình ảnh ba nhân viên y tế ở bang Bihar, miền Đông nước này đang kéo một thi thể dọc theo mặt đất trên đường đi hỏa táng.
"Mùi tử khí nồng nặc khu vực này", Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, nói trên Twitter.
"Trái tim tôi tan nát khi tất cả bạn bè và gia đình của tôi ở Delhi và Ấn Độ phải trải qua địa ngục như vậy."
Nga dự kiến sản xuất 50 triệu liều vắc xin Sputnik V mỗi tháng tại Ấn Độ vào mùa hè tới. Chính vì vậy, một phát ngôn viên của Điện Kremlin đã đưa ra phát biểu bày tỏ lo ngại về tình hình này.
Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy, Ấn Độ, với dân số 1,3 tỷ người, có tổng số 17,31 triệu ca nhiễm bệnh và 195.123 ca tử vong. Đặc biệt hơn, 2,812 ca tử vong chỉ sau một đêm, mặc dù các chuyên gia y tế cho rằng con số này có thể còn cao hơn.
Một số thành phố đã ra lệnh giới nghiêm, trong khi cảnh sát thực thi các biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Các chính trị gia, đặc biệt là Modi, đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì tổ chức các cuộc biểu tình trong chiến dịch bầu cử cấp bang thu hút hàng nghìn người đến chật cứng các sân vận động.
Khoảng 8,6 triệu cử tri dự kiến sẽ bỏ phiếu vào thứ Hai ở bang phía đông Tây Bengal, trong giai đoạn cuối cùng của cuộc bầu cử chuẩn bị kết thúc vào tuần này. Cũng bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương là bang Uttar Pradesh, một trong những bang đông dân nhất, nơi đã báo cáo trung bình 30.000 ca nhiễm mỗi ngày.
Các nhà virus học cho biết nhiều biến thể lây nhiễm của virus, bao gồm cả một loại xuất phát Ấn Độ, đã thúc đẩy sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
Chính phủ yêu cầu mọi người ở trong nhà và tuân theo các quy trình vệ sinh.
Nhu cầu vắc xin đã vượt quá nguồn cung do chiến dịch tiêm chủng mở rộng trong tháng này, trong khi các công ty phải vật lộn để tăng sản lượng, một phần vì thiếu nguyên liệu do vụ cháy tại cơ sở sản xuất thuốc AstraZeneca.
Tuy nhiên, chính phủ liên bang sẽ không tự nhập khẩu vắc xin mà thay vào đó mong muốn các bang và công ty hãy cố gắng sản xuất, nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, hai quan chức chính phủ nói với Reuters.
Nước láng giềng Bangladesh đã phong tỏa biên giới với Ấn Độ trong 14 ngày, mặc dù hoạt động thương mại vẫn tiếp tục. Việc di chuyển bằng đường hàng không cũng bị đình chỉ kể từ khi Bangladesh áp đặt lệnh cấm từ ngày 14 tháng 4 để chống lại tình hình dịch bệnh vô cùng phức tạp.