Tìm về làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) giữa một trưa chiều oi ả, tôi không khỏi bất ngờ vì phong cảnh nơi đây đối lập hoàn toàn phố thị nhộn nhịp. Hương vị quê nhà, hương lúa ngọt mát, nét thanh bình, yên ả, không chút ồn ào, vội vã hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Nép mình bên dòng sông Đáy hiền hòa, ngôi làng được coi là "thủ phủ" của tơ tằm miền Bắc vẫn in đậm nét thôn quê. Từng ngõ ngách rộn vang tiếng lách cách đặc trưng phát ra từ máy dệt. Băng qua cánh đồng lúa trổ bông đang tỏa hương thơm ngào ngạt, tôi đến thăm nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận (SN 1954), người đầu tiên dệt thành công lụa tơ sen tại Việt Nam.
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi làm nghề canh cửi, từ khi 6 tuổi, bà Thuận đã quen với công việc hái dâu, nuôi tằm, quen với nỗi nhọc nhằn của cái nghề mà người xưa vẫn ví von "nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng". Bà Thuận chia sẻ: "Nuôi tằm vất vả hơn cả chăm con mọn, lúc nào cũng luôn chân luôn tay, phải chú ý đến những biểu hiện nhỏ của con tằm, kiểm tra từng lá dâu trước khi rắc cho tằm ăn. Nếu không yêu nghề, không chịu khó thì không thể làm được. Tình yêu nghề trong tôi được hun đúc và cứ thế lớn dần lên cùng bề dày truyền thống làm nghề của gia đình".
Bà Thuận bồi hồi nhớ lại: Những năm 70 của thế kỷ trước, Phùng Xá một thời được mệnh danh là "Thủ phủ dâu tằm" của miền Bắc, với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy. Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Thế nhưng nghề dệt, tinh hoa đất Hà Tây xưa dù không đầu hàng nhưng cũng đành chịu lép vế trước những sản phẩm tơ lụa công nghiệp. Năm 1984, khi xí nghiệp ươm tơ mỹ Đức không có tiền mua kén nữa, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu để chuyển sang trồng cây lương thực, hàng loạt thợ bỏ nghề, tìm kế sinh nhai mới. Không nao núng trước cơn lốc khắc nghiệt của thị trường, bà Thuận vẫn kiên trì bám trụ với nghề, gánh lên vai mình trách nhiệm bảo tồn tinh hoa nghề dệt và luôn trăn trở tìm kiếm hướng đi mới cho nghề truyền thống.
Hằng ngày bà cho tằm ăn, quan sát "từng nhất cử nhất động" của con tằm, ngắm cách con tằm đan kén. Đầu năm 2010, bà nảy ra ý tưởng biến con tằm thành những "thợ dệt" chuyên nghiệp. Bắt tay vào thực hiện ý tưởng, bà phải mất hơn một năm với tám lứa tằm thử nghiệm, hơn một tháng thức trắng đêm để cho ra đời phương pháp dệt lụa táo bạo.
Bà cho biết, thông thường loài tằm sẽ làm tổ rồi cuộn thành kén. Nhưng nếu không có nơi bấu víu thì theo phản xạ, chúng buộc phải nhả tơ vào không gian. Dựa vào đặc tính này, bà đã cho tằm nhả tơ trên một mặt phẳng. Sau bốn đến năm ngày, tằm tự nhả tơ đan xen vào nhau, tạo thành tấm kén phẳng. Tấm kén đó sẽ được luộc trong vòng 3 - 4 giờ để tạo ra một tấm tơ phẳng, mịn, có độ gắn kết chắc chắn. Các sản phẩm như gối, chăn bông sẽ được thiết kế từ tấm tơ này. Bà Thuận là người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam làm cho con tằm tự dệt. Đó là một sáng tạo, hay nói đúng hơn, là một bước ngoặt cho nghề làm tơ tằm. Sáng kiến để con tằm tự dệt đã mang lại cho bà Giải nhất toàn quốc Cuộc thi Nhà nông sáng tạo năm 2015 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.
Tơ tằm hay là vậy, tiềm năng phát triển là thế. Đã có những thành công với tơ tằm truyền thống, vậy tại sao bà Thuận vẫn tiếp tục đến với tơ sen?
Vốn là một người thợ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề tơ tằm. Cũng từ đó, sen đến với bà như một cơ duyên khi bà lựa chọn loại cây này làm chất liệu tơ mới.
Năm 2017, trong một lần đến thăm cơ sở sản xuất của bà, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đã gợi ý bà Thuận thử nghiên cứu, tìm tòi cách sáng tạo ra sản phẩm lụa làm từ tơ sen. Bản thân bà đã từ chối bởi bà muốn phát triển mạnh mẽ nghề tơ tằm. Tuy nhiên, khi nhận được chiếc cốc từ một vị đại biểu quốc hội gửi tặng, bốn câu thơ in trên chiếc cốc đã khiến bà phải suy ngẫm: "Đời người nay có mai không/ Tứ trọng Ân" khắc ghi lòng không quên/ Sao cho Đất Việt sáng tên/ Sao cho Dân Việt bình yên mọi bề". Những câu thơ này đã khiến bà nghĩ đến những điều lớn lao hơn là mang lại giá trị cho cả cộng đồng chứ không đơn giản chỉ là thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Một hành trình mới lại bắt đầu. Bà bắt tay vào những việc đầu tiên từ tìm tòi, nghiên cứu làm thế nào để lấy được những sợi tơ từ cuống của cây sen. Ngày cũng như đêm, người nghệ nhân ấy miệt mài tìm kiếm phương pháp lấy tơ phù hợp nhất dẫu biết so với tơ tằm, việc lấy tơ sen khó hơn gấp bội.
Nhớ về những tháng ngày đó, bà Thuận chia sẻ: "Những thành tựu chẳng bao giờ đến với mình một cách dễ dàng, việc thí nghiệm "hỏng" và làm lại là điều hoàn toàn bình thường, nhờ có những vấp ngã, tôi mới có thể hoàn thiện được sản phẩm tơ sen được như ngày hôm nay. Cái khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải thời điểm đó là khi niềm say mê nghiên cứu, tìm tòi đang chảy trong huyết quản thì lại bị gián đoạn bởi không có đủ cuống sen để thực hành".
Bà tự bỏ tiền mua một mảnh ruộng để trồng sen thử nghiệm. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới sạch và đẹp. Cuống sen nào cũng làm được tơ sen, nhưng cuống non cho lượng tơ dẻo và đẹp hơn. Phải cần tới 4.800 cuống sen cho một chiếc khăn quàng cổ chiều dài 1,7 mét, chiều ngang 25 cm.
Bà chia sẻ: "Sợi tơ sen mảnh nên dễ đứt, đòi hỏi người thợ phải thật khéo léo, kiên trì. Một người thợ chăm chỉ, thạo việc, một ngày thu hoạch tơ được nhiều lắm cũng chỉ độ hơn 200 cuống sen". Đây được xem công đoạn tỉ mỉ, khó khăn, mất nhiều thời gian nhất trong việc tạo ra các sản phẩm từ tơ sen.
"Để hoàn thiện được một chiếc khăn từ tơ sen phải mất từ một đến hai tháng. Tất cả các cọng sen phải được xử lý trong vòng khoảng một ngày sau khi thu hái nếu không cọng sẽ bị khô lại, tơ sẽ bị biến chất hoàn toàn. Khi thợ rút tơ sẽ cắt ngắn cọng sen thành những đoạn dài 3-4cm rồi dùng tay bắt đầu kéo, miết qua mặt bàn dấp dính nước. Sau đó bện từng sợi tơ lại với nhau cho đến khi chúng đủ dày, cứ thế, những sợi tơ sau nối tiếp vào những sợi tơ trước thành một cọng tơ dài".
Sau khi đã hoàn thiện, những sợi tơ sen sẽ được phơi khô dưới bóng mát. Sau đó, được luộc lên và phơi khô thêm một lần nữa rồi được đưa vào khung dệt.
Vượt qua được những vất vả, khó nhọc để tạo ra những sợi tơ sen, bà lại gặp những khó khăn mới khi tơ sen đưa vào khung dệt thì bị đứt liên tục bởi sợi thiếu độ dai, dẻo như tơ tằm. Tấm lụa tơ sen đầu tiên được dệt không như mong đợi, bởi khi có quá nhiều mối nối thì sẽ tốn công, tốn sợi mà mảnh lụa không có được sự mượt mà, mềm mại như ý. Bà Phan Thị Thuận tiếp tục cải tiến khung dệt. Sau nhiều công sức tìm tòi, nghiên cứu, một khung dệt mới dành cho tơ sen, nhẹ hơn, vận hành êm hơn đã ra đời.
Sở dĩ lụa tơ sen được mệnh danh là kim cương của vải vóc không chỉ vì hương thơm, tính mềm mại đặc trưng mà còn vì sự vất vả, khó khăn trong quá trình làm ra nó. Để hình thành một chiếc khăn lụa cũng đã hao tốn suốt một - hai tháng trời của người thợ dệt. Chỉ với nguyên liệu là cuống sen để làm ra một chiếc khăn đã là 3 triệu, do vậy đầu ra của những chiếc khăn làm từ tơ sen trên thị trường có giá khá cao, dao động từ 4 - 5 triệu.
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào nghiên cứu, bà xúc động: "Khi mới bắt đầu làm tơ sen, ai cũng nhận định tôi sẽ không thể thành công. Tôi thậm chí đã từng phải hái những cuống sen, đem về nhà, đóng cửa chặt để tự mình nghiên cứu, mày mò". Từng ấy khó khăn không bỏ cuộc, bà đã luôn kiên định với ý chí, niềm tin của mình để tạo ra những sản phẩm làm từ tơ sen như ngày hôm nay.
Năm nay đã gần thất thập nhưng người nghệ nhân vẫn không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm của mình để mở một lối đi mới cho "cái nghề muôn năm cũ" tưởng chừng có lúc phải dừng bước trên những lối mòn quá khứ.
Những chiếc khăn, cái áo, bức tranh làm ra với những hình thêu như hoa sen, làng quê Việt, chiếc nón lá đã góp phần thổi hồn Việt đi xa. Sản phẩm chứa đựng hồn cốt dân tộc Việt làm từ lụa tơ sen không chỉ được biết đến trong nước mà còn được bạn bè năm châu đón nhận. Thời gian một năm trở lại đây, chịu ảnh hưởng của Covid, lượng đơn hàng khách quốc tế giảm đáng kể. Tuy vậy, bà vẫn chờ khách tới để trao tận tay sản phẩm quý chứ không gửi qua các kênh vận chuyển. Trong tương lai, bà Thuận mong ước có thể sử dụng tơ sen để sản xuất những chiếc áo dài truyền thống và nhiều sản phẩm khác nữa.
Trong căn nhà luôn lách cách tiếng thoi đưa ấy, hàng ngày người ta vẫn thấy bà Thuận tỉ mỉ chỉ dạy cho những người thợ của mình về kỹ thuật dệt lụa từ tơ sen. Ngoài những người thợ chính, vào mỗi dịp nghỉ hè, bà còn nhận 20 - 30 em học sinh đến học nghề. Có người là nhân viên nhà nước, sau khi về hưu cũng đến nhà bà Thuận xin học, mong muốn tiếp nối những nét đẹp của làng nghề.
Nghề thủ công truyền thống là nét văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào, góp phần tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Mỗi làng nghề, mỗi công việc lại mang một thông điệp, một tâm tư riêng. Đó là khát vọng, là động lực cổ vũ tinh thần mọi người trong lao động, sáng tạo cũng như giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông ta từ xưa.
Việc mang cái hay, cái đẹp đến với bạn bè quốc tế là một cách để quảng bá văn hóa Việt, để khẳng định chủ quyền, khẳng định sức mạnh của đất nước hình chữ S. Sự cần mẫn, tỉ mỉ của bà Thuận đã mang đến 1 làn gió mới cho tơ lụa Việt Nam. Đây không chỉ là kết quả của sự sáng tạo nơi những con người luôn đau đáu với nghề truyền thống mà nó còn truyền cảm hứng và tình yêu đến cho thế hệ mai sau về những nét đẹp tinh hoa văn hóa dân tộc Việt.