Oscar 2021: Tột đỉnh xa hoa cũng phải "tém lại" vì... hoàn cảnh
Oscar 2021: Tột đỉnh xa hoa cũng phải "tém lại" vì... hoàn cảnh
Thứ hai, ngày 26/04/2021 15:50 PM (GMT+7)
Oscar - giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh - vốn gắn liền với thảm đỏ xa hoa, váy áo lộng lẫy, tiệc tùng thâu đêm sau lễ trao giải, nhưng tất cả những điều ấy giờ phải... "tém lại".
Oscar - giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh - vốn gắn liền với thảm đỏ xa hoa, váy áo lộng lẫy, tiệc tùng thâu đêm sau lễ trao giải..., tất cả những điều ấy đưa lại vẻ lung linh, lấp lánh cho thế giới điện ảnh phù hoa Hollywood.
Nhưng lễ trao giải năm nay (diễn ra vào tối ngày 25/4 theo giờ Mỹ), là sự kiện lạ lùng nhất trong lịch sử của giải thưởng này.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số phần của sự kiện sẽ được diễn ra trực tuyến với sự kết nối từ các điểm cầu, bao gồm hai điểm cầu chính tại Los Angeles, nhiều điểm cầu khác tại một số thành phố lớn của Mỹ, và hai điểm cầu ở nước ngoài, gồm London (Anh) và Paris (Pháp).
Thời điểm tổ chức lễ trao giải năm nay cũng muộn hơn thông lệ thường niên, sau lễ trao giải cũng sẽ không có tiệc tùng "hoành tráng" như mọi năm...
Nếu các năm trước, sự kiện lễ trao giải tiếp đón tới 3.700 vị khách, thì năm nay, con số ấy cắt giảm đi rất nhiều, từng cái tên đều được cân nhắc, để đảm bảo các quy tắc phòng dịch. Trước khi sự kiện chính thức diễn ra, các khách mời đã được thực hiện ít nhất 3 lần kiểm tra để đảm bảo họ không mắc Covid-19.
Trong lịch sử 93 kỳ trao giải Oscar, đây mới là lần thứ 4 sự kiện bị hoãn lại. 3 lần trước đây là hồi năm 1938 khi Los Angeles bị ngập úng nặng, hồi năm 1968 khi xảy ra vụ ám sát nhà hoạt động xã hội Martin Luther King, hồi năm 1981 vì vụ ám sát hụt xảy ra đối với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Thảm đỏ tối giản
Thảm đỏ Oscar vốn được xem là xa hoa, lộng lẫy nhất trong nền công nghiệp giải trí, nhưng năm nay, mọi thứ sẽ được tiết giảm hết mức để tránh tập trung đông người giữa bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, ban tổ chức đã kiểm soát nghiêm ngặt số lượng nhiếp ảnh gia và các ê-kíp quay phim được phép tác nghiệp bên thảm đỏ.
Ở các năm trước, mỗi một ngôi sao đều nhận được vô số lời mời chào hợp tác với các thương hiệu thời trang và nữ trang, bởi sự xuất hiện của ngôi sao trước hàng loạt ống kính phóng viên ảnh và các ê-kíp ghi hình của các cơ quan truyền thông là một phương thức quảng cáo hiệu quả cho các thương hiệu.
Nhưng hiện tại, khi các thảm đỏ đều được tổ chức tiết chế, tổ chức... trực tuyến hoặc thậm chí bị cắt bỏ hẳn, những thương vụ hợp tác giữa ngôi sao và các thương hiệu trở nên trầm lắng.
Hiện giờ, nhiều nhà thiết kế chuyển sang tập trung khai thác mạng xã hội, vì vậy, khi các diễn viên đi dự sự kiện lớn, họ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tìm phục trang phù hợp. Trước đây, họ có thể dễ dàng nhận được lời mời chào hợp tác từ các thương hiệu.
Nhưng giữa bối cảnh hiện tại, nữ diễn viên người Hàn Quốc Han Ye-ri, gương mặt xuất hiện trong bộ phim nhận được nhiều đề cử - "Minari", đã chia sẻ thành thực rằng: "Thật khó để chọn được phục trang đi dự sự kiện ở thời điểm này, đôi khi tôi cảm thấy việc chọn được một bộ váy đi dự sự kiện còn khó hơn là chọn được một kịch bản để đóng phim".
Đạo diễn phim "dự báo về dịch Covid-19" ra tay... dàn dựng sự kiện
Sự kiện năm nay được dự báo là sẽ có nhiều điều lạ lẫm so với thông lệ, trong ê-kíp sản xuất chương trình năm nay có đạo diễn Steven Soderbergh, người dàn dựng bộ phim "Contagion" (2011). Đây là bộ phim từng gây sốt khi dịch Covid-19 mới bùng phát bởi phim có nhiều yếu tố nội dung được xem như thể "tiên tri", như thể "dự báo trước về một đại dịch".
Việc đạo diễn Steven Soderbergh tham gia sản xuất chương trình lễ trao giải năm nay là một sự sắp đặt có yếu tố... "hài hước", bởi một đạo diễn gần đây gây sốt trở lại với bộ phim "dự báo về dịch Covid-19" sẽ tham gia dàn dựng lễ trao giải bị tác động mạnh bởi dịch bệnh.
Steven Soderbergh, vị đạo diễn từng 7 lần giành giải Oscar, cho biết chương trình lễ trao giải sẽ được thực hiện như một bộ phim điện ảnh mang nhiều xúc cảm cá nhân, sẽ có những cuộc phỏng vấn thân mật để các ngôi sao chia sẻ về cuộc sống của họ trong một năm qua, khi họ phải học cách thích ứng với hoàn cảnh mới do đại dịch Covid-19 gây ra.
Những bộ phim "buồn khổ"
Những bộ phim cho thấy khía cạnh phù hoa, lấp lánh của điện ảnh năm nay tuyệt đối vắng bóng trong danh sách đề cử. Những bộ phim được xướng tên ở hạng mục Phim hay nhất đều chứa đựng những vấn đề khó khăn, buồn khổ trong cuộc sống.
"Nomadland" nói về tình trạng thất nghiệp, cảnh không nhà. "Minari" nói về cuộc sống chật vật của người di cư. "Promising Young Woman" nói về tấn công tình dục đối với phụ nữ. "The Father" kể về bệnh tật tuổi già. "Sound Of Metal" xoay quanh nỗi khốn khổ của một tay trống mất dần thính giác... Đó đều là những bộ phim chạm vào nỗi đau, nỗi thống khổ của con người trong cuộc đời.
Trong năm nay, những sự kiện lớn đã diễn ra trước lễ trao giải Oscar, như Quả Cầu Vàng hay Grammy cũng đều chứng kiến sự quan tâm mà khán giả dành cho lễ trao giải sụt giảm một cách đáng lo ngại.
Việc các chuỗi rạp vẫn chưa thể trở lại công suất hoạt động bình thường như trước khi xảy ra đại dịch, cộng thêm sự thắng thế của các dịch vụ chiếu phim trực tuyến đã khiến các bộ phim tranh tài tại giải Oscar năm nay rơi vào thế khó. Công chúng dần trở nên xa cách đối với các bộ phim được đề cử và bằng chứng là tỉ suất người xem lễ trao giải liên tục sụt giảm qua từng năm.
Tạp chí Los Angeles Times đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát được một công ty phân tích thông tin - dữ liệu tiến hành. Theo đó, trong nhóm công chúng ở độ tuổi từ 13-64, có tới 35% người tham gia khảo sát chưa từng được nghe bất cứ thông tin nào về những bộ phim được đề cử ở hạng mục quan trọng nhất tại giải Oscar năm nay - hạng mục Phim hay nhất.
Những mối lo
Rất nhiều doanh nghiệp ở Hollywood đã bị tác động mạnh bởi dịch bệnh. Thường vào thời điểm trước khi lễ trao giải diễn ra, những chiến dịch quảng bá phim để tạo đà cho phim chạy đua tại giải Oscar sẽ được các hãng phim tích cực tiến hành.
Khi ấy, các công ty tổ chức sự kiện, các shop hoa tươi, các chuyên gia phong cách - trang điểm - làm tóc, các hãng cho thuê xe sang... sẽ bắt đầu "vào vụ", phục vụ các hãng phim. Nhưng năm nay, các hoạt động "chạy đua" trước lễ trao giải diễn ra rất cầm chừng và thậm chí... bỏ hẳn, khiến nhiều doanh nghiệp ở Hollywood dù không trực tiếp tham gia sản xuất phim cũng bị tác động nhiều.
Chính sách cắt giảm chi phí, "thắt lưng buộc bụng" đang được các hãng phim tiến hành triệt để, khiến Hollywood ở thời điểm này không xa hoa, lấp lánh như thường lệ.
Hãy chuẩn bị cho những sự trục trặc... hài hước
Nam diễn viên kỳ cựu Anthony Hopkins (83 tuổi) hiện được nhắc tới nhiều với vai diễn chính trong "The Father". Bộ phim hiện đang được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất, còn nam diễn viên Anthony Hopkins được đề cử ở hạng mục Nam chính xuất sắc nhất.
Dù tuổi đã cao, nhưng nam diễn viên kỳ cựu vẫn đưa lại những bất ngờ lớn cho công chúng, vừa bởi tài năng diễn xuất của ông trong phim, vừa bởi một sự trục trặc hài hước vừa mới xảy ra.
Tại giải thưởng điện ảnh uy tín hàng đầu của Anh - giải BAFTA vừa diễn ra giữa tháng 4 này, ông Hopkins đã thắng giải Nam chính xuất sắc nhất, nhưng ông không hề xuất hiện trực tuyến để đón nhận tin vui và có những phát biểu cảm tưởng như đã thống nhất với ban tổ chức.
Điều này khiến ban tổ chức rất ngỡ ngàng, sau đó, nam diễn viên có giải thích rằng ông đang ngồi vẽ tại thời điểm diễn ra sự kiện và hoàn toàn quên cả giờ giấc.
Liệu với lễ trao giải Oscar lần này, nếu ông là người thắng giải, ban tổ chức có thể kết nối với ông qua cuộc gọi video trực tuyến hay không, điều này cũng... không chắc bởi ở thời điểm diễn ra lễ trao giải Oscar, ông đang đi du lịch ở Wales cùng với vợ, khi đang trong một kỳ nghỉ, nam diễn viên 83 tuổi cũng rất dễ... quên cả giờ giấc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.