Có lẽ bởi tình yêu với thổ cẩm, với từng nét văn hóa của đồng bào Ba Na của Thông khiến tôi đã mặc định tin rằng trong người chàng trai này chảy dòng máu của đồng bào Ba Na.
Hiếm thấy ai có thể nói chuyện hàng giờ liền một cách say mê, chỉ về thổ cẩm Ba Na như chàng trai Huỳnh Nguyên Thông (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum).
"Làm thổ cẩm, tôi được trở về với chính mình"
Thông đã nói như vậy khi tôi hỏi về việc tại sao anh lại bất ngờ bỏ vị trí Phó Giám đốc sản xuất của một hãng ôtô nổi tiếng để lựa chọn "khởi nghiệp" với thổ cẩm Ba Na.
Từ những ngày thơ bé, những sản phẩm thổ cẩm Ba Na đã là vật dụng quen thuộc trong gia đình Thông. Tình yêu thổ cẩm vì thế lặng lẽ ngấm vào tâm hồn chàng trai hồn hậu này như những mạch nước nguồn trong mát. Nhưng phải đến nhiều năm, khi trải qua một "cú sốc" rất lớn, Thông mới thực sự nhận ra được tình yêu lớn của mình.
Đang ở giai đoạn thành công của cuộc sống, Thông đột ngột bị tai nạn xe máy. Sau 3 lần phẫu thuật và gần 3 năm chữa trị, Thông mới tạm ổn định sức khỏe.
"Trong bối cảnh nghề dệt của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Ba Na nói riêng đang ngày càng bị mai một thì việc Thông khôi phục lại các nhóm dệt thủ công, sáng tạo ra những hoa văn, màu nhuộm mới để thổ cẩm trở nên bắt mắt hơn, nhạy bén với thị trường hơn... là điều vô cùng đáng quý".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân -
nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai
"Những ngày đau đớn trên giường bệnh đã khiến tôi nhìn nhận rõ hơn về sự thành công trong cuộc sống. Và tôi quyết định, sẽ chỉ dành thời gian làm việc mà mình thấy vui!".
Toàn bộ số tiền tích lũy được sau nhiều năm làm việc đã "đốt sạch" cho quá trình trị bệnh. Thông bắt đầu "khởi nghiệp" với thổ cẩm Ba Na từ hai bàn tay trắng và một con đường xác định là "đầy chông gai" phía trước.
"Dòng vải dệt thủ công của đồng bào Ba Na rất khó ứng dụng. Bởi hoa văn luôn được dệt theo chiều dọc, phải nhuộm sợi trước rồi mới dệt, hệ thống hoa văn phức tạp và còn rất ít người biết dệt. Rất may mắn, với các kiến thức, kinh nghiệm từ ngành tạo dáng sản phẩm công nghiệp và có duyên gặp được những "cây đại thụ" am hiểu văn hóa Tây Nguyên, tôi đã từng bước khôi phục các nhóm dệt thủ công của Ba Na với các sản phẩm có tính ứng dụng cao".
Đến nay, sau 11 năm bền bỉ xách ba lô đi đến buôn làng người Ba Na ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, 11 năm kiên trì thuyết phục từng người thợ chạm tay lại vào khung dệt, 11 năm mày mò học cách trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, dệt vải, Huỳnh Nguyên Thông đã xây dựng lên thương hiệu Thong Bahnar Brocade với các sản phẩm dệt thổ cẩm Ba Na trên áo dài, giày dép, túi xách, khăn trải bàn, rèm cửa đến trang trí nội thất ôtô, khách sạn...
"Quyết định quay về làm và phát triển thổ cẩm Ba Na, tôi như là được sống đúng với chính mình. Tôi đi nhiều hơn, ở rừng, ở làng nhiều hơn là ở nhà, đắm chìm trong cuộc sống của bản làng, không sóng điện thoại, không mạng xã hội... Điều đó cũng khiến tôi tập trung hơn để thực hiện được mong ước đơn giản là làng nào, Tộc nào cũng còn dệt được để cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của họ".
Thương hiệu "thời trang sinh thái"
Tay trắng, nhưng ngay cả trong những ngày đầu khởi nghiệp với thổ cẩm, chưa có đầu ra cho sản phẩm, Thông vẫn mua hết tất cả các sản phẩm thổ cẩm của các nhóm dệt thủ công. Bởi Thông hướng tới sản phẩm 100% tự nhiên, 100% thủ công. Đó có lẽ cũng là lý do, có người gọi sản phẩm của Thông là "thời trang sinh thái" hoặc gọi áo dài thổ cẩm của Thông là "áo dài hữu cơ".
Trong cuộc gặp gần nhất với tôi tại TP.HCM tháng 10/2020, Thông dành gần 2 tiếng chỉ để "khoe" về việc đã tìm ra loại lá cây tạo nên màu nhuộm mới. Hiện nay, Thông đã tự tạo được hơn 10 màu nhuộm từ 100% thành phần tự nhiên (từ các loại lá cây, vỏ cây, rễ cây, hoa, bùn đất...). Có những màu, phải mất vài năm, Thông mới tìm được. Dẫu vậy, có vẻ như sự thách thức của thời gian, không có nghĩa lý gì với chàng trai đam mê những sắc màu thổ cẩm này.
Để tạo ra những sản phẩm 100% tự nhiên, không chỉ việc nhuộm vải, ngay cả sợi dệt cũng được Thông hướng tới sử dụng 100% bông tự nhiên. Để làm được điều đó, Thông đã không ngại đi các nơi, xin từng nhúm hạt bông để gây dựng các vườn bông nguyên liệu. Tính đến thời điểm này, Thông đã gây dựng được 5 nhóm dệt và 3 vườn bông nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên.
"Con người là 1 phần hữu cơ của tự nhiên nên tôi luôn tin rằng, càng gần gũi với thiên nhiên, chúng ta càng an yên và khỏe khoắn. Nó giống như cảm giác của tôi khi lựa chọn làm thổ cẩm: Được trở về với chính mình"- Thông chia sẻ.
Độc đáo áo dài thổ cẩm
Trong rất nhiều sản phẩm thổ cẩm Ba Na, áo dài có lẽ là sản phẩm thành công nhất của Huỳnh Nguyên Thông. Mỗi chiếc áo dài Thông thiết kế đều là "duy nhất", có tính phù hợp riêng với mỗi khách hàng.
Để tăng tính ứng dụng của trang phục, Thông lựa chọn đưa thổ cẩm lên dòng áo dài đã có chút cải biên, phù hợp và thuận tiện di chuyển và hoạt động. Đánh giá cao ý tưởng đưa thổ cẩm Ba Na lên tà áo dài Việt, TS Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Việc đưa thổ cẩm lên tà áo dài Việt sẽ giúp việc giới thiệu thổ cẩm Ba Na một cách rộng rãi và hiệu quả hơn. Đó là điều mà Thông đã làm được: Không chỉ phục dựng mà còn phát triển được giá trị của thổ cẩm Ba Na".
Được biết, hiện nay, Thông đã sưu tập được hơn 100 mẫu hoa văn thổ cẩm của người Ba Na và ứng dụng trên nhiều sản phẩm. Ngoài các hoa văn thông thường, Thông đang thực hiện các tấm dệt tái hiện lại khung cảnh đời sống và văn hóa của dân tộc Tây Nguyên.
"Tôi muốn mỗi chiếc áo sẽ kể cho chủ nhân của nó và người nhìn ngắm nó một câu chuyện về đời sống hồn hậu của đồng bào Ba Na. Mỗi khách hàng khi khoác trên mình chiếc áo dài đó đều sẽ là đại sứ thương hiệu của thổ cẩm Ba Na"- Thông chia sẻ.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh của Thông khi tạm biệt tôi trong một chiều Tây Nguyên lộng gió: Một chiếc xe phân khối lớn bụi bặm, một chiếc khăn thổ cẩm quàng nhẹ ở cổ và chiếc ba lô mà trong đó luôn có sẵn một chiếc áo dài thổ cẩm Thông làm riêng cho mình... Thông nói, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Thông cũng sẵn sàng mặc chiếc áo dài thổ cẩm đó. Và Thông cũng tự đặt cho mình 1 cái tên đơn giản mà ý nghĩa "Thông Bahnar"!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.