Dân Việt

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn (bài 3): Quảng Ngãi nâng cấp gấp hệ thống hạ tầng nghề cá

Công Xuân 28/04/2021 12:54 GMT+7
Sau một thời gian nỗ lực khắc phục và xử lý những tồn tại, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả trong việc giảm thiểu tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, để thực hiện tốt các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), Quảng Ngãi cần nỗ lực hơn nữa.

Nỗ lực vượt khó

Tỉnh Quảng Ngãi có tổng chiều dài bờ biển khoảng 135km, vì vậy, nuôi trồng, khai thác và đánh bắt hải sản trên biển được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, sản lượng hải sản khai thác đạt 200.000 tấn/năm.

Theo thống kê, tổng số lượng tàu thuyền toàn tỉnh đạt gần 5.300 chiếc, tổng công suất khoảng 1,8 triệu CV, Quảng Ngãi là tỉnh thuộc top đầu cả nước về phương tiện khai thác và đánh bắt hải sản.

Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời điểm từ năm 2018 trở về trước, việc tàu thuyền xâm phạm bất hợp pháp vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương, Australia và bị các nước này bắt giữ khá phổ biến, tính bằng con số hàng chục trường hợp/năm.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn (bài 3): Quảng Ngãi, cần nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá  - Ảnh 1.

Một góc neo đậu của tàu cá ở cảng Sa Kỳ, huyện Bình Sơn. Ảnh: C.X

Năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi đã cấp giấy chứng nhận cho 127 trường hợp, với sản lượng gần 1.700 tấn để xuất đi thị trường châu Âu.

Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân trong tỉnh, chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoặc lắp đặt nhưng ngắt kết nối, không còn kẹp chì; khai báo gian dối vị trí đánh bắt trong quá trình khai thác…

 Tình trạng hạ tầng cơ sở cảng, nơi neo đậu, khu vực chế biến sau khai thác… trên địa bàn vừa thiếu và yếu.

Những kết quả đáng ghi nhận

Trước những tồn tại và bất cập trên, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực, khắc phục và từng bước hạn chế tình trạng trên. 

Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trên 80% số tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số chưa lắp đặt còn lại chủ yếu rơi vào các trường hợp nằm bờ, hư hỏng, di chuyển vị trí hoạt động vào những khu vực ở vùng biển gần.

Theo ông Nguyễn Văn Mười - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, số tàu nằm bờ là những tàu lưới kéo làm ăn thua lỗ, một số tàu khác đang tìm cách để bán để trả nợ ngân hàng.

Vừa rồi tỉnh cũng đã rà soát số tàu này, nhưng do nhiều tàu nằm ở ngoài tỉnh; chủ tàu không có ở địa phương nên không biết hiện phương tiện nằm ở đâu, liên hệ với chủ tàu cũng không được nên lập danh sách các tàu rất khó.

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Đừng để quá muộn (bài 3): Quảng Ngãi, cần nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá  - Ảnh 3.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các tàu dài trên 15m ở Quảng Ngãi. Ảnh: C.X

Những tàu theo quy định phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa lắp, Chi cục Thủy sản cũng đang tham mưu cho Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi lập danh sách, gửi cho cấp ngành và lực lượng chức năng tuyệt đối không cho hoạt động và xử lý nghiêm khắc nếu phát hiện; tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu tuân thủ, chấp hành và thực hiện đúng theo quy định.

Về tình trạng tàu cá của ngư dân trong tỉnh xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Quảng Ngãi Phùng Đình Toàn khẳng định: Từ năm 2018 đến nay đã chấm dứt hoàn toàn, không có trường hợp tàu cá nào của ngư dân Quảng Ngãi vi phạm vùng biển các nước quốc đảo Thái Bình Dương và Australia, bị các nước này bắt giữ.

Riêng trong năm 2020, tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận cho 127 trường hợp, với sản lượng gần 1.700 tấn để xuất đi thị trường châu Âu.

Vẫn còn một số vướng mắc

Theo đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, một trong những vấn đề đáng quan tâm trong việc thực hiện khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng IUU là tình trạng cơ sở hạ tầng hiện quá ọp ẹp, đang rất cần kinh phí lớn để xây dựng, nâng cấp. 

Ngoài cảng Sa Huỳnh, Quảng Ngãi có 3 cảng cá khác được phép xác nhận nguồn gốc thủy sản là Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ và Mỹ Á. 

Tuy nhiên với số lượng phương tiện rất lớn nên những cảng cá này chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, cập cảng để phục vụ cho việc kiểm soát. Con số đáp ứng chỉ đạt khoảng 1.750 chiếc/5.300 tàu.

Theo quy hoạch, cảng cá Sa Huỳnh sẽ đáp ứng nhu cầu neo đậu cho hơn 500 tàu cá công suất từ 400CV trở lên. Tuy nhiên do bị bồi lấp nên chỉ có thể đáp ứng cho dưới 300 tàu cá loại nhỏ đánh bắt gần bờ neo đậu, các tàu cá lớn phải đến neo đậu ở các cảng khác.

Trước tình hình này vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã ra quyết định về việc đầu tư khẩn cấp dự án nạo vét, thông luồng ra vào cảng cá Sa Huỳnh với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh.