Trải qua một thời gian dài lao đao vì Covid-19, nhiều nhà hát, sân khấu, đơn vị nghệ thuật... rất chật vật khi quay trở lại. Nhiều đơn vị buộc phải xoay xở đủ cách, kể cả dựng vở mới lẫn tổ chức các chương trình ca nhạc kịch để kéo khán giả quay trở lại.
Trong đó, rất nhiều đơn vị sân khấu đã bắt tay dàn dựng các vở kịch mới dựa trên các tác phẩm văn học nổi tiếng. Đây được xem là một "mũi tên bắn trúng hai đích", vừa đưa văn học đến gần hơn với công chúng, vừa kéo được khán giả đến với sân khấu.
Ở phía Nam, trung tuần tháng 3/2021, Sân khấu kịch Phú Nhuận của NSND Hồng Vân đã bắt tay dựng vở "Làm đĩ". Đây là tác phẩm nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng từng được dựng thành phim truyện nhựa và phim truyền hình. Chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, vở kịch sẽ tái dựng cuộc sống trác táng của giới thượng lưu và sự thăng trầm của từng nhân vật từ giàu tới nghèo.
"Một tác phẩm sân khấu mới lạ và hấp dẫn khi nó được làm mới theo cách biểu đạt của thời đại mới. Và khán giả cũng sẽ không bao giờ chán khi họ được tiếp cận với những cái cũ nhưng chứa đầy hơi thở mới".
NSND Trịnh Thúy Mùi
Ở phía Bắc, sân khấu kịch xã hội hóa Lệ Ngọc dựng vở "Dế Mèn", được chuyển thể từ truyện ngắn rất nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài.
Đây là vở kịch nối tiếp mạch đề tài hướng đến thiếu nhi của sân khấu Lệ Ngọc, trước đó là các vở "Tấm Cám", "Đám cưới con gái chuột", "Cây tre thần"...
Vở kịch vẫn theo hành trình phiêu lưu, khám phá thế giới của chú Dế Mèn, nhưng ngôn ngữ biểu đạt đã được làm mới, cùng với đó là lồng ghép nghệ thuật múa rối.
Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng phối hợp Liên đoàn Xiếc Việt Nam dựng vở "Chử Đồng Tử - Tiên Dung" và vở "Thượng Thiên Thánh Mẫu" - cả hai vở kịch này được thể hiện dưới ngôn ngữ của xiếc và nghệ thuật cải lương nhưng đều dựa trên cốt lõi là những truyền thuyết dân gian về những "vị thánh bất tử" của Việt Nam. Đây là những tác phẩm văn học từng được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông lẫn đại học và cũng gắn bó với rất nhiều thế hệ.
Ngoài ra, khoa Sân khấu của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cũng đã bắt tay dàn dựng vở "Edip làm vua" của nhà viết kịch Sophocles. Đây là một kiệt tác của sân khấu Hy Lạp cổ đại đồng thời cũng được xem là một tác phẩm văn học tiêu biểu của nền văn học Hy - La (Hy Lạp - La Mã).
1 mũi tên, 2 đích đến
NSND Hồng Vân chia sẻ: "Dòng kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học đã có sẵn cốt truyện thường có tính ly kỳ và gần gũi với nhiều thế hệ khán giả. Ngoài ra, các vở kịch này cũng có tính cách nhân vật đầy đủ những cung bậc cảm xúc, tiết tấu, tình huống, tính tư tưởng, mỹ học…
Những vở kịch này từng chắp cánh cho nhiều tên tuổi nghệ sĩ bay cao, bay xa. Đồng thời, kịch văn học cũng thuận lợi hơn trong việc kéo các tầng lớp khán giả đến với sân khấu sau một thời gian dài bị "đóng băng" bởi dịch bệnh. Tôi cũng hy vọng kịch văn học sẽ tiếp tục là món ăn tinh thần được thắp sáng cũng như viết tiếp thương hiệu Kịch Hồng Vân trong suốt thời gian qua".
NSND Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam bộc bạch: Việc kịch hóa tác phẩm văn học từng là một xu hướng của sân khấu nhưng bị gián đoạn. Việc làm mới một tác phẩm văn học bằng ngôn ngữ biểu đạt của các loại hình sân khấu (kịch nói, chèo, cải lương, tuồng, xiếc...) kết hợp với công nghệ âm thanh – ánh sáng ngày nay sẽ góp phần đưa văn học đến gần công chúng hơn.
"Và trong thời điểm hiện tại, đây cũng được xem như một lối thoát cho các sân khấu trong nỗ lực hồi sinh sau đại dịch. Tâm lý của khán giả hiện nay vẫn là hướng tới sự mới mẻ, độc đáo, lạ lẫm... nhưng những gì gần gũi như những tác phẩm văn học đã đi qua tuổi thơ của họ thì vẫn khiến họ lựa chọn nhiều hơn những sự xa lạ. Có lẽ vì thế mà vở kịch "Chử Đồng Tử - Tiên Dung" kết hợp giữa cải lương và nghệ thuật xiếc của chúng tôi đã từng được đón nhận rất nhiệt tình" - NSND Trung Kiên nói.
NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, bà hoàn toàn tin tưởng vào việc sân khấu hóa tác phẩm văn học của các nhà hát, sân khấu và đơn vị nghệ thuật trong nỗ lực kéo khán giả trở lại với sân khấu. Đây là một trong những hướng đi không mới nhưng hiệu quả rất cao.